Nga sẽ chuyển giao cho Syria tên lửa S-300 giống của Việt Nam?

Trong bài phát biểu trực tiếp hôm 24/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đưa ra một thông điệp cứng rắn nhất từ trước tới nay cho cả Israel và Mỹ khi quyết định chuyển giao các tổ hợp tên lửa S-300 đầu tiên cho Syria.

Trong phát biểu trực tiếp của mình Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh, “Lực lượng vũ trang Syria sẽ được cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tiên tiến trong vòng 2 tuần nữa. Và nó có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa trên không trong phạm vi hơn 250 km, đồng thời tấn công một số mục tiêu trên không”. Nguồn ảnh: Sputnik.

Bộ trưởng Shoigu còn cho biết thêm, với tên lửa S-300 năng lực chiến đấu của lực lượng phòng không Syria sẽ được cải thiện đáng kể, thậm chí các tổ hợp S-300 Moscow sắp chuyển giao cho Syria sẽ có cấu hình vũ khí vốn chỉ xuất hiện trên các tổ hợp S-300 của Quân đội Nga. Nguồn ảnh: Sputnik.

"Nga chấm dứt thỏa thuận bàn giao tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria trong năm 2013 theo đề nghị của Israel, nhưng tình hình thực tế đã thay đổi ngoài khả năng kiểm soát của chúng tôi” – Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh đến vụ Israel “lừa” hệ thống phòng không Syria bắn hạ chiếc máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Nga và đây là phản ứng phù hợp trước vai trò của Tel Aviv trong sự cố đêm ngày 17/9. Nguồn ảnh: Sputnik.

Trước khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố chuyển giao S-300 cho Syria, chuyên gia quân sự Nga là ông Viktor Murakhovski - Tổng biên tập Tạp chí "Kho vũ khí Tổ quốc" cũng nhận định rằng, Nga có thể nối lại thỏa thuận cung cấp S-300PMU2 trị giá 500 triệu USD cho Syria. Cũng cần nói thêm rằng S-300PMU2 cũng là biến thể tên lửa S-300 đang được lực lượng Phòng không – Không quân Việt Nam sử dụng. Nguồn ảnh: Sputnik.

Tuy nhiên, cũng có một số nguồn tin khác cho rằng biến thể S-300 mà Nga sẽ cung cấp cho phòng không Syria sẽ là S-300VM dựa trên tầm bắn 250km của tổ hợp S-300 được Bộ trưởng Shoigu nhắm đến. Tuy nhiên, với điều kiện ở Syria hiện tại việc triển khai tổ hợp S-300VM vốn sử dụng khung gầm bánh xích hạng nặng có phần không phù hợp. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Trong khi đó với S-300PMU2 với các thành phần chiến đấu được đặt trên khung gầm bánh lốp đặc chủng lại tỏ ra thích nghi tốt hơn với điều kiện tác chiến ở Syria. Bản thân các tổ hợp phòng không S-400 hay S-300 của Nga đang được triển khai ở Syria đều sử dụng khung gầm bánh lốp. Nguồn ảnh: Farhang news.

Trong khi đó, với thời gian chuyển giao gấp rút như hiện tại (trong vòng 10 ngày tới) các tổ hợp S-300 chắc chắn sẽ được chuyển tới Syria bằng đường không, và rõ ràng các máy bay vận tải của Nga không thể mang theo các bệ phóng lớn và nặng như của S-300VM. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Dù vậy để biết được chính xác Nga sẽ giao cho Syria tổ hợp S-300 nào, có lẽ chỉ còn cách đợi các chuyến bay IL-76 hay An-124 hạ cánh xuống căn cứ không quân Khmeymim trong vài ngày tới mang theo những gì. Một số nguồn tin quân sự từ Nga cũng cho hay, các chuyến bay vận chuyển vũ khí từ Nga đến Syria cũng đã được Moscow tăng cường từ cuối tuần trước và rất có thể chúng đang mang theo các thành phần chiến đấu của tổ hợp S-300. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Trong trường hợp, Nga chuyển giao các tổ hợp tên lửa S-300PMU2 cho Syria thì đây sẽ là quốc gia thứ hai ở Trung Đông được trang bị tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa này sau Iran. Và khi Syria có S-300, Mỹ-NATO và Israel sẽ gặp nhiều khó khăn trong các chiến dịch không kích nhắm vào quốc gia này. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Tổ hợp lửa phòng không tầm xa S-300PMU2 (NATO định danh là SA-10E Favorit), nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, các căn cứ quân sự chiến lược trước các cuộc tập kích bằng đường không hàng loạt bằng vũ khí công nghệ cao, máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và các vũ khí tấn công đường không khác. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Biến thể S-300 này được trang bị 4 loại tên lửa đất đối không gồm: 48N6E2, 48N6E, 5V55R, 5V55K cho khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly từ 3 - 195 km, đánh chặn mọi mục tiêu ở độ cao thấp nhất 10 m đến cao nhất 27 km đang di chuyển với tốc độ đến 10.000 km/h. Nguồn ảnh: pressshia.com.

S-300PMU2 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6E2 với radar tìm kiếm mục tiêu hoạt động băng tần X. Hệ thống radar tự động hóa hoàn toàn trong quá trình phát hiện, bám bắt, xử lý mục tiêu. Radar được trang bị bộ vi xử lý kỹ thuật số tốc độ cao cho phép phản ứng với mục tiêu nhanh hơn, khả năng kháng nhiễu cao hơn. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Đài 30N6E2 Tomb Stone có phạm vi phát hiện mục tiêu 300 km, số mục tiêu theo dõi cùng lúc không dưới 100 mục tiêu, có thể kiểm soát tới 72 đạn tên lửa. Đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E có tầm phát hiện mục tiêu đến 300 km, theo dõi tới 100 mục tiêu các loại. Đài radar giám sát đường không tầm xa 64N6E2 có phạm vi trinh sát lên đến 300 km. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Nó có khả năng kiểm soát tới 12 xe phóng cùng lúc, ngoài ra còn có khả năng điều khiển hoạt động cho các hệ thống cũ hơn như S-200, S-75 và S-125 hiện tại điều có trong biên chế của lực lượng phòng không Syria. Nguồn ảnh: pressshia.com..

Nếu Syria nhận được cả hai thành phần này (tổ hợp S-300PMU2 có thể hoạt động chỉ với bệ phóng, đài 30N6E2 và 96L6E) sẽ góp phần tăng cường đáng kể hệ thống phòng không khi có thể tích hợp cả S-200 và S-75 hiện có. Nguồn ảnh: pressshia.com.

Mời độc giả xem video: Cách vận tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU2. (nguồn Update Defence)

Ánh Dương (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-se-chuyen-giao-cho-syria-ten-lua-s-300-giong-cua-viet-nam-1121066.html