Nga sẽ nối lại thử hạt nhân vì Mỹ

Theo RIA Novosti, Nga sẽ nối lại các cuộc thử hạt nhân nếu Mỹ nối lại các cuộc thử với vũ khí hủy diệt này.

Nga có thể khôi phục lại căn cứ thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở khu vực Novaya Zemlya trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là một quần đảo thuộc Bắc Băng Dương phía bắc liên bang Nga và nằm tại cực đông bắc châu Âu ở mũi Zhelaniya.

Chuyên gia đồng thời là cựu chỉ huy của Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, ông Vladimir Yevseyev cho rằng, quyết định của Nga là hành động đáp trả tuyên bố của Mỹ về việc tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân thời gian gần đây.

Một vụ thử hạt nhân của Nga.

Một vụ thử hạt nhân của Nga.

Nếu Mỹ bắt đầu các vụ thử hạt nhân ở Nevada hoặc kiểm nghiệm tính năng kỹ chiến thuật của đầu đạn hạt nhân mới ở khu vực này, Nga có thể ngay lập tức khôi phục địa điểm thử hạt nhân Novaya Zemlya trong thời gian ngắn và sẽ tiến hành các vụ thử hạt nhân tương tự.

Trước đó, Drew Walter, Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố, nếu như Tổng thống ra lệnh, các cơ quan có liên quan của Washington sẽ có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân chỉ trong vòng vài tháng.

Địa điểm thử hạt nhân của Nga ở Novaya Zemlya có quy mô tương tự như khu thử nghiệm Nevada ở Mỹ. Nơi đây đã được Nga tiến hành các vụ thử bom hydro.

Các vụ thử hạt nhân không còn được tiến hành trên đảo Novaya Zemlya, nhưng địa điểm thử nghiệm này vẫn được bảo lưu nguyên vẹn và các vụ thử hạt nhân có thể được nối lại bất cứ lúc nào.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh rằng, việc nối lại thử nghiệm hạt nhân sẽ là một quyết định chính trị lớn. Nó chỉ được đưa ra khi Mỹ rút khỏi hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga New START để mở rộng quy mô vũ khí hạt nhân và tiếp tục thử hạt nhân ở Nevada.

Quần đảo Novaya Zemlya (hay vùng đất mới) là phần mở rộng về phía bắc của dãy núi Ural, gồm hai hòn đảo tách biệt với eo biển Matochkin Shar. Cả hai đảo này dài 900km và có diện tích gần 90.000km2.

Trong thời kỳ từ 21/9/1955 đến 24/10/1990, Liên bang Xô Viết đã tiến hành 132 vụ nổ hạt nhân tại đây: 87 vụ nổ trên không, 1 trên mặt đất, 2 trên mặt nước, 3 vụ dưới nước và 42 vụ nổ trong lòng đất.

Tại đây, quả bom nhiệt hạch AN606 có biệt danh Tsar Bomba – bom Sa hoàng là một trong những thiết bị nổ đáng sợ nhất trong lịch sử, cho thấy sự hủy diệt không giới hạn của vũ khí nguyên tử cũng đã được thử nghiệm.

Quả bom khinh khí ba giai đoạn Sa hoàng được chế tạo ở Liên Xô có đương lượng nổ 50 megaton, tương ứng với 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, có sức công phá gấp 3.800 quả bom ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II, là quả bom nguyên tử lớn nhất từng được chế tạo và phát nổ.

Ngày 30/10/1961, Liên Xô cho phát nổ thử nghiệm bom Sa hoàng ở độ cao 4000 m trên một hòn đảo ở Vòng Bắc Cực có tên Novaya Zemlya. Quả bom được chở bằng máy bay Tu-95.

Bom khinh khí là bom sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân hydro, có sức tàn phá lớn gấp nhiều lần bom nguyên tử. Vũ khí phân hạch và nhiệt hạch thuần túy (một giai đoạn) có đương lượng nổ hàng trăm kiloton, và khi có 3 giai đoạn nổ, sức công phá của vũ khí tăng lên nhiều lần.

"Đám mây hình nấm (sau vụ nổ) cao tới 60km", Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho biết. "Có thể bị bỏng độ 3 ở khoảng cách hàng trăm km. Vòng hủy diệt hoàn toàn có bán kính 35 km".

Thực tế, quả bom theo mong muốn ban đầu của thủ tướng Nikita Khrushchev có đương lượng 100 megaton. Nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy thiết bị như thế sẽ tạo ra các phát xạ nguy hiểm gây ô nhiễm cả những vùng cách xa khu thử nghiệm. Quả bom mới giảm tới 97% phát xạ.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-se-noi-lai-thu-hat-nhan-vi-my-3415479/