Nga sẽ xoay xở ra sao với lệnh cấm vận dầu?

Ngoài tăng cường bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ, Nga có thể cắt giảm sản lượng để giữ giá ở mức cao. Điều này sẽ tác động lớn tới kinh tế toàn cầu.

Theo CNBC, Nga có thể đáp trả các lệnh cấm vận dầu của châu Âu bằng cách tìm kiếm những khách hàng khác, hoặc cắt giảm sản lượng để duy trì giá ở mức cao. Các động thái của Nga sẽ có tác động tới nền kinh tế toàn cầu, trừ khi OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) can thiệp.

Hôm 30/5, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về lệnh cấm nhập khẩu 90% dầu từ Nga. Đây là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Moscow vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Mọi ánh mắt dồn vào những động thái tiếp theo của Nga", bà Helima Croft - Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets - bình luận. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia.

 Nga có thể đáp trả các lệnh cấm vận dầu của châu Âu bằng cách cắt giảm sản lượng để giữ giá ở mức cao và làm tổn thương nền kinh tế châu Âu. Ảnh: Reuters.

Nga có thể đáp trả các lệnh cấm vận dầu của châu Âu bằng cách cắt giảm sản lượng để giữ giá ở mức cao và làm tổn thương nền kinh tế châu Âu. Ảnh: Reuters.

Tìm khách hàng mới

"Tình hình hiện tại sẽ thay đổi các hoạt động mua bán trong lĩnh vực dầu khí trên toàn cầu", giáo sư Hossein Askari tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học George Washington nhận định. "Lẽ ra, Mỹ nên sử dụng các biện pháp trừng phạt phủ đầu mạnh mẽ đối với Nga, và cứng rắn hơn trong việc thúc giục OPEC tăng sản lượng dầu", vị chuyên gia nói thêm.

Lượng dầu mà Nga có thể bán đi sẽ ảnh hưởng đến giá dầu trên toàn cầu. Khoảng 36% dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga.

Bình luận về gói trừng phạt thứ 6 của EU, ông Mikhail Ulyanov - đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở thủ đô Vienna (Austria) - cho biết Moscow sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.

"Liệu những thùng dầu của Nga có tới được những quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Điều đó sẽ phụ thuộc vào việc EU có nhắm đến các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm hay không, và Mỹ có áp đặt những biện pháp trừng phạt thứ cấp hay không", bà Croft tại RBC bình luận.

Trung Quốc và Ấn Độ đã tranh thủ mua lượng lớn dầu Nga với giá rẻ. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc và Ấn Độ đã tranh thủ mua dầu Nga với mức giảm giá lớn trong vòng những tháng qua. Theo giới quan sát, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Trước đây, Ấn Độ nhập rất ít dầu thô từ Nga, chỉ khoảng 2-5%/năm. Nhưng lượng dầu nhập khẩu của nước này đã tăng vọt trong những tháng gần đây.

Theo dữ liệu từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Ấn Độ đã mua khoảng 11 triệu thùng dầu Nga vào tháng 3. Con số này tăng lên lần lượt 27 triệu và 21 triệu vào tháng 4 và tháng 5. Để so sánh, Ấn Độ nhập khẩu 12 triệu thùng dầu từ Nga trong cả năm 2021.

Trung Quốc từng là quốc gia mua nhiều dầu Nga nhất. Nhưng lượng dầu nhập khẩu vẫn tăng vọt trong thời gian qua. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, nước này đã mua 14,5 triệu thùng dầu từ Nga, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giảm sản lượng

Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu thô nhằm giảm bớt tác động trên khía cạnh tài chính. Hôm 29/5, ông Leonid Fedun - Phó chủ tịch công ty dầu mỏ Lukoil của Nga - cho rằng nước này nên cắt giảm sản lượng dầu tới 30% nhằm đẩy giá lên cao hơn.

"Các quan chức Washington lo ngại rằng Moscow có thể đảo ngược đà giảm giá bằng cách cắt giảm xuất khẩu trong mùa hè. Điều này nhằm gây tổn thất tối đa cho nền kinh tế châu Âu, và thách thức quyết tâm của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ Ukraine", bà Croft bình luận.

Theo bà, với nguồn cung thấp báo động, việc Nga cắt giảm sản lượng có thể gây ra tác động kinh tế nặng nề vào mùa hè này.

Đối với Nga, chúng tôi cho rằng tác động của việc xuất khẩu giảm trong năm nay chủ yếu sẽ được bù đắp bởi giá cao hơn

Ông Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics

“Đối với Nga, chúng tôi cho rằng tác động của việc xuất khẩu giảm trong năm nay chủ yếu sẽ được bù đắp bởi giá cao hơn", ông Edward Gardner - nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics - bình luận. Ông dự đoán sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm khoảng 20% vào cuối năm nay.

Giá dầu thô Urals của Nga thấp hơn đáng kể so với những loại dầu khác trên toàn cầu. Nhưng giá vẫn ở mức 95 USD/thùng, cao hơn nhiều một năm trước đó.

Tuy nhiên, nếu sản lượng dầu của Nga lao dốc, các nước xuất khẩu dầu khác có thể can thiệp để kiểm soát giá. Financial Times đưa tin Saudi Arabia đang chuẩn bị cho việc tăng sản lượng dầu, nếu sản lượng dầu của Nga giảm đáng kể vì lệnh trừng phạt từ phía châu Âu.

OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh), bao gồm Nga, sẽ có cuộc họp hàng tháng vào cuối ngày 2/6.

Thêm vào đó, Nga có thể dùng những cách vận chuyển gian lận. Theo công ty trí tuệ nhân tạo hàng hải Windward, kể từ khi Nga bắt đầu đổ quân vào Ukraine, đã có 180 vụ thay đổi quyền sở hữu tàu thuyền từ các thực thể Nga sang những thực thể bên ngoài Nga.

Con số này bằng hơn 1/2 tổng số vụ thay đổi quyền sở hữu đối với các tàu Nga trong năm 2021. Nhiều tàu của Nga được bán cho những doanh nghiệp có trụ sở ở Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Na Uy.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-se-xoay-xo-ra-sao-voi-lenh-cam-van-dau-post1322874.html