Nga tăng cường hợp tác, nhưng vẫn dè chừng Trung Quốc

Căng thẳng với Mỹ và phương Tây đang khiến Nga ngày càng xích lại gần Trung Quốc, tuy nhiên thực tế, Moscow vẫn có sự dè chừng đối với Bắc Kinh.

Ngay cả khi Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhiều chuyên gia phương Tây cảnh báo rằng, sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc sớm muộn sẽ trở thành nguồn cơn cho căng thẳng giữa 2 nước. National Interest đã trao đổi với một số chuyên gia quân sự Nga và các học gia nghiên cứu về Trung Quốc để hiểu rõ hơn quan điểm của Nga đối với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Los Angeles Times

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Los Angeles Times

Xích lại Trung Quốc chỉ vì miễn cưỡng?

“Ở thời điểm hiện tại, các lợi ích quốc gia của Nga không xung đột với Trung Quốc, vì thế việc Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự và công nghệ quân sự không phải là hồi chuông cảnh báo đối với lãnh đạo quân đội cũng như chính trị tại Nga”, theo ông Yuri Tavrovsky, chuyên gia tại Đại học Hữu nghị các Dân tộc Nga.

Tuy nhiên, ông Tavrovsky thừa nhận rằng, có một sự e ngại ở Nga về việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. “Về lâu dài, chúng tôi giám sát các động thái của Trung Quốc và không loại trừ bất cứ kịch bản khả thi nào, vì chúng tôi vẫn nhớ rõ chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã thay đổi ra sao từ những năm 1950 so với giai đoạn cải cách dưới thời Đặng Tiểu Bình”, ông nói.

Alexander Lukin, một học giả về Trung Quốc tại Trường Kinh tế (Nga) cũng bày tỏ ý kiến tương tự. Theo ông Lukin, bất đồng chính trị với phương Tây liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 đã khiến Nga sẵn sàng chấp nhận cái giá của việc hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

“Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần Trung Quốc”. Tuy nhiên “Họ [điện Kremlin] hiểu rõ rằng, một ngày nào đó Trung Quốc có thể dấy lên một vấn đề, nhưng ngay thời điểm này, những lo ngại đó vẫn ít hơn nhiều so với những lo ngại về phương Tây”, ông Lukin nhận định.

“Ta có thể đặt ra giả thuyết, nếu các mối quan hệ với phương Tây tốt đẹp hơn, thì cách tiếp cận với Trung Quốc có thể sẽ khác”, ông Lukin nói. “Nhưng vì các mối quan hệ đang không tốt đẹp và khó có khả năng sẽ tốt đẹp hơn, thì xu hướng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn”.

Hợp tác nhưng dè chừng

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua vũ khí Nga từ năm 1999-2006, và Trung Quốc chiếm tới 60% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga trong năm 2005. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, thị phần của Trung Quốc trong doanh số bán vũ khí của Nga lại giảm mạnh. Đến năm 2012, con số này chỉ là 8,7%.

Nguyên nhân của sự suy giảm mạnh này là do Nga lo ngại về công nghệ sao chép của Trung Quốc. Ví dụ, trong những năm 1990, Nga bán cho Trung Quốc một số máy bay chiến đấu hàng đầu của nước này – Su-27 và cấp giấy phép cho Trung Quốc lắp ráp nội địa. Trung Quốc sau đó đã hủy hợp đồng và sử dụng công nghệ mà họ nắm được trong việc chế tạo Su-27 để áp dụng vào máy bay chiến đấu J-11, một bản sao gần như hoàn hảo của máy bay Nga.

Tuy nhiên, buôn bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc lại bắt đầu tăng trở lại trong những năm gần đây. Năm 2015, Nga ký thỏa thuận về việc cung cấp cho Trung Quốc hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 - những loại hiện đại nhất trong kho vũ khí của Nga. Moscow được cho là cũng quan tâm tới việc bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, Su-57, cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Nga không ảo tưởng về việc Trung Quốc sẽ sao chép công nghệ vũ khí của mình trong tương lai. Vadim Kozyulin, Giám đốc Dự án An ninh châu Á tại Trung tâm PIR có trụ sở tại Moscow thừa nhận: “Những gì chúng tôi thỏa thuận với Trung Quốc, chúng tôi đều luôn ghi nhớ trong đầu rằng điều mà Trung Quốc muốn trước tiên là sao chép vũ khí của Nga”.

Cùng với đó, giới phân tích Nga cũng ngày càng tin tưởng về khả năng của nước này trong việc duy trì vị thế đi đầu trong công nghệ quốc phòng. Ông Tavrovsky nói rằng, công nghệ sao chép của Trung Quốc giờ ít đáng lo ngại hơn so với những năm 1990 vì không giống như trước kia, “ngành công nghiệp quốc phòng của Nga và các nghiên cứu quân sự của Nga ngày nay nhận được đủ nguồn quỹ từ chính phủ”.

Ông giải thích rằng, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga giờ đây đã “cảm thấy khá tự tin” và “bán các vũ khí và các công nghệ quốc phòng tiên tiến cho Trung Quốc với sự chắc chắn rằng các phiên bản của mình sẽ tiến tiến hơn so với các phiên bản bán cho Trung Quốc hay nước khác”.

Ông Murakhovsky nói thêm: “Trung Quốc sẽ khó vượt được Nga trong việc chế tạo hệ thống vũ khí quân sự chủ chốt. Chúng ta có một năng lực kỹ thuật quân sự vượt trội và nó sẽ liên tục được hiện đại hóa. Điều đó cho phép Nga nhìn về tương lai với sự tự tin”.

Nga muốn tận dụng sức mạnh của Trung Quốc

Các nhà quan sát cho rằng, thực tế, Nga đang cố tận dụng sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc.

Nhìn chung, giới phân tích Nga mà The National Interest đã trao đổi đều không coi việc xây dựng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với Nga.

Viktor Murakhovksy, Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc (Arsenal of the Fatherland) nói rằng, các nỗ lực của Trung Quốc rõ ràng là nhằm vào Mỹ, chứ không phải Nga.

Theo chuyên gia Tavrovsky, Nga sẽ hưởng lợi từ một Trung Quốc mạnh mẽ hơn – điều có thể là thách thức lớn hơn đối với Mỹ. Việc Mỹ ngày càng chú trọng vào kiềm chế Trung Quốc “ở một mức độ nhất định nào đó sẽ làm giảm bớt những áp lực nhằm vào Nga”.

Ở thời điểm hiện tại, một mặt Nga dè chừng sức mạnh quân sự Trung Quốc cũng như “tiền sử” sao chép công nghệ nước ngoài, mặt khác, Nga muốn thành lập một mặt trận liên kết với Trung Quốc để đối trọng với phương Tây. Câu hỏi duy nhất còn lại là liệu sự liên kết giữa hai bên có thể tồn tại lâu dài hay không?./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo National Interest

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nga-tang-cuong-hop-tac-nhung-van-de-chung-trung-quoc-938753.vov