Nga thách thức vị thế của Mỹ trên thị trường vũ khí Trung Đông

Trong 5 năm qua, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm quân sự của Nga sang các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đạt ít nhất 6 tỷ USD/năm. Báo cáo của Cơ quan Hợp tác kỹ thuật-quân sự Liên bang Nga nhấn mạnh, mức này chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nga đang ngày càng gia tăng doanh thu bán vũ khí và ảnh hưởng địa chính trị với các khách hàng như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria.

Hàng chục tỷ USD doanh thu trong 5 năm

Tháng 2 vừa qua, tại triển lãm vũ khí quốc tế IDEX-2021 diễn ra ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga đã có thêm nhiều hợp đồng mua bán vũ khí béo bở khi mang đến những sản phẩm quân sự hàng đầu gồm: xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-ME trang bị cho tàu chiến, tên lửa phòng không Viking và S-400 Triumph, tiêm kích Su-35, MiG-29M, trực thăng chiến đấu Mi-28NE và Ka-52...

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập và người đồng cấp Nga gặp mặt đàm phán về mua bán vũ khí, tháng 8-2018. Ảnh: Mil.

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập và người đồng cấp Nga gặp mặt đàm phán về mua bán vũ khí, tháng 8-2018. Ảnh: Mil.

Hãng AP bình luận rằng, kể từ sau các cuộc chiến ở Iraq và Libya, hoạt động của Nga ở khu vực này thể hiện rõ nét ở 2 mục tiêu chiến lược: kiềm chế sự can thiệp quân sự của phương Tây và củng cố chủ quyền của các thể chế nhà nước ở Trung Đông. Từ cuối những năm 2000, Nga đã quyết định bán vũ khí phòng thủ cho các quốc gia trong khu vực để đề phòng một cuộc không kích lớn do Mỹ hoặc NATO dàn dựng, cũng như để tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ của những nước này.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, khi đặt lại căn cứ quân sự ở Syria, Nga đã tiến vào các thị trường vũ khí do Mỹ bỏ trống và tăng cường bán cho các khách hàng truyền thống. Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Moscow vẫn đạt được nhiều bước tiến theo mục tiêu, kế hoạch của mình. Cụ thể, ngày 25-2, Nga chính thức thông báo rằng Ai Cập nhận được 5 máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến Sukhoi-35, những chiếc đầu tiên trong đơn đặt hàng 24 chiếc.

Các bộ phận của hệ thống phòng không S-400 được dỡ xuống từ một máy bay vận tải của Nga, tại sân bay quân sự Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Ai Cập đã đặt mua các máy bay này bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ sau khi Washington từ chối bán cho Cairo máy bay ném bom thế hệ thứ 5 F-35. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, đang đàm phán với Nga để mua SU-35 và cuối cùng là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 SU-57 tối tân, sau khi ngừng chương trình F-35 của Mỹ. Ngày 12-3, Nga tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc đàm phán chính thức với Ankara và giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình, TF-X. Algeria, khách hàng lớn nhất của Nga (theo thống kê của Mena Defence) cũng sẽ nhận được 14 máy bay ném bom hạng nhẹ Sukhoi-34 nâng cấp trong năm nay và được cho là đang quan tâm đến SU-57.

Iran, một khách hàng lịch sử của vũ khí Nga, được tự do xem xét lại hàng hóa của Nga, kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 1 thập niên của Liên Hợp Quốc đối với nước Cộng hòa Hồi giáo hết hiệu lực vào tháng 10-2020... Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga là 21% trong giai đoạn 2015-2019, khiến nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Cú xoay trục thành công

Thực tế, việc hàng loạt các nước Trung Đông xếp hàng quan tâm đến các loại vũ khí của Nga, trong đó có cả đồng minh và đối tác mua vũ khí truyền thống của Mỹ đang chứng minh cú xoay trục thành công của Nga, không chỉ xác lập vị thế quan trọng tại khu vực địa chính trị này, mà còn tạo cơ hội cho Nga giành giật cả những thị trường vũ khí truyền thống có tầm quan trọng sống còn đối với ngành công nghiệp Mỹ. Ai Cập là một ví dụ điển hình.

Hiệp định Trại David năm 1979, lần đầu tiên trao cho Israel sự công nhận ngoại giao từ một quốc gia Arab, đã nâng Ai Cập lên vị thế của một đồng minh quan trọng của Mỹ. Kể từ đó, Mỹ đã viện trợ quân sự và kinh tế hơn 80 tỷ USD cho Ai Cập.

Algeria đặt mua xe bọc thép BMPT-72 của Nga. Ảnh: AR.

Nhưng, điều này đã thay đổi vào năm 2011, khi Tổng thống Ai Cập lúc đó là Hosni Mubarak bị lật đổ và cuộc bầu cử năm 2012 chứng kiến Mohamed Morsi giành chiến thắng. Sau đó, Mỹ từ chối giao các hệ thống vũ khí, vì lo ngại có mối đe dọa đối với Israel.

Việc Morsi bị phế truất bởi một cuộc đảo chính quân sự sau 1 năm tại vị không làm xoa dịu những lo ngại của Mỹ về bất ổn chính trị tiềm ẩn mà còn có thêm những lo lắng về cuộc đàn áp của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo mà Morsi ca ngợi. Lấy lý do vi phạm nhân quyền, Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ai Cập trong 2 năm, trị giá ước tính 1,3 tỷ USD/năm.

Sự sụp đổ trong quan hệ Mỹ-Ai Cập giờ đây trái ngược với mối quan hệ Mỹ-Israel. Tháng 3- 2011, khi các cuộc cách mạng càn quét qua Bắc Phi và Syria, Israel tuyên bố sẽ mua 19 chiếc F-35 và hiện nước này có 2 phi đội sẵn sàng chiến đấu, mỗi phi đội gồm 24 chiếc. Tháng 2 vừa qua, Washington và Tel Aviv lại phê duyệt việc mua phi đội thứ 3 cùng với các máy bay tiếp dầu để tăng tầm hoạt động.

Ai Cập cho biết cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết bán 20 máy bay F-35 cho Cairo khi hai người gặp nhau tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24-9-2018 nhưng sau đó Mỹ lại từ chối. Washington dường như đã thay thế Ai Cập, trở thành người bạn mẫu mực của Israel trong thế giới Arab. Và việc bình thường hóa quan hệ với Israel vào tháng 9 năm ngoái đang mở ra cánh cửa ngoại giao cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất với Washington. Năm ngoái, chính quyền ông Trump đã thông báo không chính thức cho quốc hội về kế hoạch bán 50 máy bay chiến đấu F-35 cho UAE, với giá lên tới 10,4 tỷ USD.

Trong giai đoạn này, Nga trở thành quốc gia đối thoại mới của Ai Cập. Năm 2014, khi việc mua sắm quân sự với Mỹ bị đình chỉ, Ai Cập và Nga đã đồng ý về một thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD để cung cấp cho Ai Cập 46 máy bay trực thăng tấn công Ka-52 và 46 máy bay chiến đấu MiG-29. Năm 2014, khi việc mua sắm quân sự với Mỹ bị đình chỉ, Ai Cập và Nga đã đồng ý về một thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD để cung cấp cho Ai Cập 46 máy bay trực thăng tấn công Ka-52 và 46 máy bay chiến đấu MiG-29.

Năm 2019, sau khi Tổng thống Trump được cho là đã từ chối lời nói của mình tại Liên Hợp Quốc, Ai Cập đã ký một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu SU-35 của Nga. Còn hiện giờ, chính quyền Tổng thống Biden đã đóng băng việc bán F-35 cho UAE, dấu hiệu báo động có thể xảy ra trước viễn cảnh một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Đông tạo ra cơ hội cho Nga.

Máy bay chiến đấu Sukhoi-35 trong buổi trình diễn trên không ở Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Algeria từ năm 2010 đến năm 2014 đã tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng, lên 10 tỷ USD. Chính quyền Algeria đang phải đối phó với các cuộc nổi dậy vũ trang nên có lẽ việc chia trả một nửa tiền ngân sách quốc phòng cho việc mua sắm vũ khí cũng là chuyện đương nhiên để tránh nguy cơ bị như Libya. Năm 1991, Chính phủ Algeria từng hủy bỏ các cuộc bầu cử mà Mặt trận Cứu nguy Hồi giáo (FIS) có thể giành được, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và thành lập một chính phủ quân sự để chống lại một cuộc nổi dậy vũ trang của FIS và các nhóm khác.

Trong chuyến thăm Algeria năm 2006, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ khoản nợ 4,7 tỷ USD cho nước này để đổi lấy các hợp đồng vũ khí trị giá 7,5 tỷ USD. Algeria, quốc gia dành 15,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, có tham vọng địa chính trị của riêng mình ở Địa Trung Hải, hiện hầu như chỉ trang bị vũ khí của Nga.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một người chơi mới trong khu vực thông qua xuất khẩu vũ khí, giống như Nga. Máy bay không người lái của nước này đã lật ngược tình thế của cuộc chiến ở Libya. Tháng 12-2019, Quốc hội Mỹ đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất, nói rằng chúng gây ra mối đe dọa đối với F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng sản xuất với Lockheed Martin.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được phép mua 100 máy bay và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này mất khoảng 10 tỷ USD trong các hợp đồng sản xuất các bộ phận. Sau đó, các phương tiện và thiết bị quân sự, các bộ phận của hệ thống phòng không S-400, được dỡ xuống từ một máy bay vận tải của Nga, tại sân bay quân sự Murted ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ.

Khánh Chi

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/nga-thach-thuc-vi-the-cua-my-tren-thi-truong-vu-khi-trung-dong-639869/