Nga thắng hay bại trong chiến dịch quân sự tại Syria?

Các tướng Nga tuyên bố rằng nhóm khủng bố thực hiện cuộc tấn công này đã bị tiêu diệt, tuy nhiên điều này là không thể xác định được vì không nhóm nào nhận lỗi cho việc gây ra những thiệt hại này.

Cường kích Su-34 Nga tham chiến tại Syria

Cường kích Su-34 Nga tham chiến tại Syria

Theo truyền thông phương Tây, đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến ở Syria đã nhanh chóng bị dội nước lạnh.

Định nghĩa về chiến thắng của ông Putin bao gồm ba điểm chính: (1) khẳng định tính hợp pháp của chế độ Bashar al-Assad và sự kiểm soát của chính quyền đối với phần lớn lãnh thổ của Syria; (2) tăng cường quan hệ đối tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran như khuôn khổ chính để quản lý các xung đột còn sót lại; và (3) rút khoảng một nửa quân Nga, trong khi vẫn tiếp tục mở rộng căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân Khmeimim.

Tuy nhiên cả ba điều trên đều đã bị lung lay, nếu không muốn nói là không đạt mục tiêu. Hơn nữa, ông Putin muốn "bán" chiến thắng của Nga cho phương Tây, nhờ đó gây sức ép buộc Mỹ chấp nhận chế độ al-Assad và hợp tác với Nga, đồng thời lôi kéo Liên minh Châu Âu chi tiền cho việc tái thiết Syria sau chiến tranh. Vụ thương lượng này thật đáng tiếc đã chẳng đi đến đâu và căng thẳng giữa Nga và Mỹ ở Syria đã tăng lên một cấp độ mới.

Việc xác nhận tổng thống Assad tiếp tục nắm giữ quyền lực được cho là đã diễn ra tại cuộc họp mặt các nhóm đối lập cùng nhau thỏa thuận về “các khu vực ngừng leo thang” trong khuôn khổ mang tên “tiến trình Astana”. Ông Putin muốn thúc đẩy cuộc đại hội này ở Sochi ngay sau tuyên bố chiến thắng hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên có quá nhiều bên phản đối, do đó đại hội này đã phải lùi đến tận cuối tháng 1/2018.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết chống lại lực lượng người Kurd trong tiến trình này. Và nếu không có Ankara, kế hoạch hòa bình của Nga sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Để thúc đẩy các bên cùng tìm đến một giải pháp hòa bình, quân đội chính phủ Syria đã phát động cuộc tấn công ở tỉnh Idlib, đây là “khu vực ngừng leo thang” lớn nhất. Tuy nhiên, động thái này xâm phạm lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và có vẻ đã khiến tổng thống Recep Tayyip Erdoğan tức giận hơn.

Ông Putin đang cố giúp Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh, nhưng một vấn đề nghiêm trọng hơn đồng thời cũng đang xuất hiện trong quan hệ với Iran. Một phần là sự phụ thuộc ngày càng lớn của chế độ Assad vào lực lượng dân quân dòng Shia do Iran bảo trợ, lực lượng này kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn của Syria, bao gồm các các khu vực gần căn cứ của Nga.

Israel từ chối chấp nhận tình trạng hiện tại và tìm cách thực hiện các cuộc không kích vào căn cứ của Hezbollah. Nga không can thiệp cũng chẳng phản đối các cuộc tấn công này.

Một nhân tố mới và không ngờ tới liên quan đến vấn đề Iran là sự bùng phát các cuộc biểu tình đường phố ở Iran, khiến ông Putin càng thêm lo lắng. Đỉnh điểm của thời kỳ hỗn loạn này có thể đã qua đi, nhưng rõ ràng giới lãnh đạo Iran đã nhận thức được rằng sự can thiệp ở bên ngoài, đặc biệt là chi phí khổng lồ cho cuộc chiến ở Syria là một trong những nhân tố chính gây nên những bất mãn trong nước. Ông Putin không biết rõ về quá trình hoạch định chính sách ở Iran, do đó không thể biết liệu hành vi của đồng minh quan trọng nhưng khó đoán này có thể thay đổi hay không.

Cú đánh trực diện nhất vào chiến thắng của Nga là một loạt các cuộc tấn công vào căn cứ không quân Khmeimim, căn cứ chính của Nga ở Syria. Bộ Quốc phòng Nga đã thông tin về việc đánh chặn thành công cuộc tấn công bằng máy bay ném bom hôm 6/1, nhưng họ chỉ cung cấp rất ít thông tin về cuộc tấn công ồ ạt hôm 31/12.

Những chiếc UAV phiến quân Syria sử dụng để tấn công căn cứ không quân bị Nga chiếm giữ được

Vị chỉ huy cao cấp khẳng định những binh lính thực hiện vụ tấn công đã nhận được sự hậu thuẫn về công nghệ của bên ngoài, kể cả khi những máy bay không người lái này chỉ là những mô hình dán băng keo. Các tướng Nga cũng tuyên bố rằng rằng nhóm khủng bố thực hiện cuộc tấn công này đã bị tiêu diệt, tuy nhiên điều này là không thể xác định được vì không nhóm nào nhận lỗi cho việc gây ra những thiệt hại này.

Tình huống lộn xộn này đã minh chứng rõ rằng Nga khó có thể làm giảm lực lượng quân sự ở Syria, vì nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ này không thể giao cho quân đội Syria hay Iran được. Mátxcơva đã cáo buộc hàm ý vụ tấn công trên liên quan các hoạt động thù địch của Lực lượng đặc nhiệm Mỹ và lực lượng phiến quân do Mỹ hậu thuẫn. Nhưng đồng thời, Nga cũng cố duy trì các thỏa thuận “ngừng xung đột”, đặc biệt là từ khi một trong số các sự cố nguy hiểm nhất trên không đã diễn ra ngay sau khi ông Putin tuyên bố chiến thắng.

Trong khi truyền thông Nga nhấn mạnh vào sự tham gia của Mỹ trong cuộc tấn công vào căn cứ Khmeimim, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gennady Gerasimov và Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ đã có cuộc điện đàm về các vấn đề Syria.

Nga buộc tội Mỹ ngầm phá hoại cho mọi thất bại ở Syria, nhưng hai bên vẫn cần hợp tác vì Syria có lẽ là nơi duy nhất mà Nga có công cụ để mặc cả với Mỹ trong ván bài địa chính trị lớn này.

Nga không phản đối việc Mỹ tài trợ vũ khí cho Lực lượng tự vệ người Kurd (YPG), nhưng Nga cũng cần khuyên can Mỹ không biến các khu vực lãnh thổ do người Kurd kiểm soát thành căn cứ để huấn luyện cho các nhóm phiến quân chống Assad. Nga đã giành thêm thời gian cho chính quyền Assad, nhưng việc bảo đảm chế độ này tiếp tục nắm quyền vẫn chưa chắc chắn.

Ông Putin cần phải chứng minh rằng tuyên bố chiến thắng của ông không phải là một sự khoa trương mà chỉ là khẳng định hơi sớm trong một cuộc chiến kéo dài. Việc âm thầm tái xây dựng lực lượng ở Syria có thể là một phần của việc tái khẳng định chiến thắng. Nhưng chiến tranh là điều Nga càng ngày càng không mong muốn và mỗi tổn thất mới có thể sẽ là thêm một phiếu không thuận cho chiến dịch bầu cử sắp tới của ông Putin.

Đặng Phương Thảo

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nga-thang-hay-bai-trong-chien-dich-quan-su-tai-syria-163451.html