Nga thắng lớn thương vụ tàu đổ bộ trực thăng Mistral

Chậm nhất vào cuối tháng này (5/2017), Ai Cập sẽ đưa ra quyết định về việc mua máy bay lên thẳng Ka - 52K của Nga để trang bị cho hai tàu chở máy bay lên thẳng Mistral mua của Pháp. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga thắng lớn trong thương vụ này, kể cả về tài chính lẫn nhận chuyển giao công nghệ.

Máy bay lên thẳng Ka - 52K

Máy bay lên thẳng Ka - 52K

Tạp chí Egypt Independent vừa thông báo, thương vụ mua bán các máy bay lên thẳng Ka -52K (phiên bản hải quân) dành cho hai tàu chở máy bay đổ bộ lớp Mistral đã bước vào giai đoạn quyết định. Chậm nhất là cuối tháng Năm 2017, nước Cộng hòa A rập Ai Cập sẽ đưa ra quyết định cuối cùng, cũng là quyết định được mong đợi.

Tàu chở máy bay lên thẳng đổi bộ lớp Mistral, có thể chở tới 16 máy bay lên thẳng, tuy nhiên có lẽ Cai rô chỉ đặt hàng 8 chiếc cho mỗi tàu mà thôi. Theo những thông tin có được, hiện đang tiến hành các công việc cải tạo Ka -52K theo yêu cầu của phía Ai Cập.

Ngoài việc tham gia trang bị các máy bay lên thẳng “Cá sấu” (Ka - 52K), Moscow còn chuyển lại cho tàu Mistral các thiết bị đã bị dỡ bỏ sau khi hợp đồng tai tiếng bị hủy, tiếp nữa là cùng với Pháp đảm bảo việc bảo trì kỹ thuật cho tàu và cuối cùng là huấn luyện kíp tàu cho phía Ai Cập. Như vậy hoàn toàn có thể nói tới sự hình thành của một liên minh chiến lược mới tại Trung Đông.

Ai Cập đã nhận hai tàu Mistral từ Pháp

Như mọi người đều biết, tháng 1/2017, Ai Cập tuyên bố thành lập Hạm đội Phương Nam của mình. Ngoài các tàu Mistral do công ty STX có trụ sở tại Saint-Nazaire của Pháp đóng, trong biên chế còn có tàu khu trục đa nhiệm FREMM do Pháp - Italalia sản xuất, 4 tàu hộ vệ lớp Gowind 2500 và 4 tàu ngầm điện diezel thuộc dự án 209 do Đức đóng. Một điều rõ ràng là năng lực của cụm tàu chiến này sẽ không đảm bảo được tham vọng địa chính trị mà Ai Cập đã tuyên bố nếu không có sự yểm trợ từ trên không.

Trong vấn đề này, vai trò của Nga là cực kỳ quan trọng. Đó là vì Nga đã cùng Pháp thống nhất chỉ bán những con tàu Mistral “từng thuộc sở hữu của mình” duy nhất cho Ai Cập, trong lúc mối quan hệ của nước này với Mỹ đã bị xuống cấp do vào mùa hè năm 2013, đã xảy ra cuộc lật đổ chính phủ của tổng thống Hồi giáo Muhammed Mursi. Việc nước Mỹ can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Ai Cập thông qua ủng hộ cái gọi là “mùa xuân A rập” đã dội gáo nước lạnh vào suy nghĩ của đa số người dân Ai Cập, khi hiểu ra rằng, người Mỹ đã đẩy đất nước họ vào một vực sâu ngăn cách thế nào.

Vì thế, một điều hoàn toàn logic là trong hợp tác quân sự, Cai rô đặt ưu tiên đối với Pháp và Nga, hai nước đã bảo toàn được những quan hệ làm ăn mặc dù Mỹ ra sức gây sức ép. Nhà báo Ai Cập Ahmed Said , người theo dõi thương vụ tàu chở máy bay lên thẳng đổ bộ đã nhận thấy rằng, mối quan hệ giữa các chuyên gia Ai Cập, Pháp và Nga cùng làm việc trên tàu là rất gần gũi.

Nguyên nhân là vì việc Pháp từ chối giao các tàu Mistral đã ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của Công ty STX nói riêng và hình ảnh của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Pháp nói chung. Điều này đã được phản ánh qua cuộc thăm dò dư luận xã hội Pháp năm 2015 khi có tới 72% số người Pháp cho rằng việc thực thi các hợp đồng quân sự là phù hợp với lợi ích quốc gia, còn nếu hủy bỏ thì sẽ đưa lại những rủi ro lớn về kinh tế.

Chính vì thế, Paris đã phải làm tất cả để cả làng ai nấy đều có phần. Pháp trả lại cho Nga 949,7 triệu euro tạm ứng, trong khi thực tế đã trao cho Nga ba công nghệ chủ chốt, bao gồm công nghệ đóng tàu chở máy bay cỡ lớn và công nghệ chống thấm nước. Báo Le Monde đánh giá, trị giá những hồ sơ thiết kế mà Moscow nhận được lên đến 220 triệu euro.

Làm như vậy, về danh nghĩa, Pháp đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của “cấp trên” ở Washington về việc trừng phạt Moscow mà cuối cùng vẫn khôi phục được danh tiếng là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy, nhờ thế cũng đảm bảo được những kết quả kinh doanh khả quan của hệ thống xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài.

Ngay từ thời điểm ban đầu thỏa thuận các chi tiết thương vụ Mistral, Ai Cập đã biết là các thủy thủ của họ rất cần đến sự trợ giúp tích cực của Bộ Quốc phòng Nga. Các con tàu chở máy bay lên thẳng được đóng sau khi có tham khảo các yêu cầu của Nga và theo hệ thống của Nga. Nếu cải tạo lại theo các tiêu chuẩn của NATO thì về mặt kỹ thuật có thể không có vấn đề gì, nhưng xét ở góc độ kinh tế thì không thể chấp nhận, thà đem bán sắt vụn còn rẻ hơn.

Dù sao đi nữa, Tổng Thư ký về Quốc phòng và An ninh Quốc gia Cộng hòa Pháp Louis Gautier, nhà thương lượng chính từ phía Pháp đã thừa nhận rằng có rất nhiều thỏa thuận đã được tiến hành sau cánh gà mà ngay cả những đại diện của Obama cũng không được vào. Nhưng cũng cần phải nói rằng, ngay từ đầu, mục chuyển giao công nghệ đã được coi như một phần không thể thiếu được trong hợp đồng giữa Pháp và Nga về tàu Mistral.

Nếu như Nga thắng trong vụ đấu thầu cung cấp máy bay (khả năng đó là rất cao) thì các chuyên gia Ai Cập sẽ cho phép các kỹ sư hải quân Nga tiếp cận toàn bộ hệ thống của Mistral. Điều đó cho phép các chuyên gia Nga hiểu rõ trên thực tế các tàu chở máy bay lên thẳng của NATO hoạt động như thế nào. Tại Bộ Quốc phòng Nga, người ta không hề giấu giếm rằng các kinh nghiệm đó sẽ được sử dụng để thiết kế các con tàu tương tự.

Như vậy, có thể thấy, tất cả các bên của thương vụ này đã bỏ qua những lời phàn nàn của Washington và đều giữ kín các điều khoản đã thỏa thuận sau cánh gà.

Theo tính toán lâu dài, Liên bang Nga từ đầu đã lên kế hoạch đóng những con tàu theo thiết kế của Pháp tại các xưởng đóng tàu của mình. Có thể coi việc đặt hàng một chiếc ban đầu, sau đó nâng thành hai chiếc giống như một sự nhượng bộ về thương mại. Còn nếu gọi đúng tên bản chất sự việc thì Moscow đã nhận được hồ sơ thiết kế của tàu Mistral mà không phải trả đồng nào. Chính xác hơn là trả bằng tiền của Ai Cập.

Tàu Mistral giờ đã thuộc quyền sở hữu của Ai Cập và được biên chế vào Hạm đội Phương Nam

Cũng lại phải thấy rằng, Ai Cập không thiệt mà còn trở thành bên được hưởng lợi nhiều nhất. Sau khi triển khai Hạm đội Phương Nam, Ai Cập sẽ trở thành cường quốc biển khu vực và có thể bảo vệ được mỏ khí khổng lồ mới được phát hiện tại khu vực gần với đặc khu kinh tế của họ. Hiện các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Sip và Hy Lạp đều tuyên bố quyền lợi ở mỏ này. Kinh nghiệm qua việc giải quyết các cuộc tranh cãi kiểu này tốt nhất là thông qua các chiến hạm.

Ai Cập cần các tàu Mistral để giải quyết các nhiệm vụ đang đặt ra, trong đó có việc bảo vệ đường thương mại hàng hải tại vùng biển vịnh Aden, cũng như kiềm chế Iran và Ả rập Xê út trong cuộc xung đột xung quanh cộng đồng người Houthi tại Yemen.

Thế là cả làng đều có phần. Bỏ qua Mỹ, Pháp nhận được thêm các hợp đồng quân sự mới; Nga có được hồ sơ thiết kế tàu Mistral và có thêm đồng minh chiến lược mới, còn Ai Cập thì có được vai trò của một cường quốc biển mới trong khu vực.

Hà Khoa

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/thuong-vu-tau-cho-may-bay-truc-thang-mistral-nga-thang-to-122652.html