Nga thất thế dù tung siêu vũ khí ở Balkan

Nga đang thất thế trong cuộc chiến với phương Tây tại khu vực Balkan, ngay cả với loại “siêu” vũ khĩ là năng lượng.

Hãng tin của Pháp nhận định Nga đang thất thế tại khu vực Balkan. Montenegro vừa gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tại Macedonia, phe xã hội-dân chủ mới lên nắm quyền dường như đang tìm cách thoát ra khỏi thiên hướng thân Nga của chính quyền cánh hữu tiền nhiệm.

Croatia đã chính thức là thành viên của EU, trong khi các quốc gia khác cũng đang khát khao trở thành thành viên của khối này và hiện đang ở trong giai đoạn có bước tiến triển trong tiến trình gia nhập, dù bước tiến này có sự khác nhau.

Thủ tướng Montenegro Milo Dukanovic và TTK NATO Jens Stoltenberg

Để tiếp tục cuộc chiến với phương Tây tại Balkan, Nga tiếp tục cần đến vũ khí chủ lực là năng lượng. Lượng khí đốt của Nga cung cấp hiện chiếm 1/4 lượng tiêu thụ năng lượng của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, vào năm 2016, tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố đã cung cấp 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu.

Tại khu vực Balkan, sự phụ thuộc vào khí đốt được cho là tăng lên do các nhà máy nhiệt điện phải giảm sản lượng điện năng theo đòi hỏi của EU. Timothy Less, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Nova Europa, nói: “Trong cách hiểu mang tính rộng hơn của cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây, vấn đề năng lượng là một yếu tố gây bất ổn tại khu vực này”, và “tại Serbia, Bosnia, Bulgaria, Macedonia, Nga đang tìm cách biến sự phụ thuộc vào khí đốt trở thành sự phụ thuộc về chính trị nhằm ngăn cản các nước này hội nhập vào phương Tây”.

Theo chuyên gia Less, ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng của Nga bị hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng, đó là thiếu đường ống dẫn khí, do đó khí đốt của Nga không thể đến được hầu hết các nước trong khu vực. Và vì vậy, các nước phương Tây hy vọng “ra tay trước” Moscow thông qua việc ủng hộ xây dựng các mạng lưới cạnh tranh.

Đức, Italy, và Pháp vừa tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Tây Balkans

Cựu Ngoại trưởng Albania Paskal Milo cho biết “khu vực Đông Nam châu Âu ở ngã tư của các hành lang năng lượng, nối phía Đông và phía Tây” và “việc quan tâm đến khu vực này không xuất phát từ tiềm năng kinh tế của nó mà từ vị trí của khu vực, là khu vực trung chuyển sang những thị trường chiến lược khác, và vị trí của khu vực là dự trữ khí đốt".

Ông Less đánh giá rằng “sau một số năm, dường như Nga giành được thắng lợi trong cuộc chiến năng lượng, song hiện tại phương Tây dường như giành lại được lợi thế”.

Được sự ủng hộ của EU, đường ống dẫn khí xuyên biển Adriatic (TAP) dự kiến bắt đầu từ năm 2020 sẽ chuyển khí đốt Azerbaijan đi từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Hy Lạp, sau đó là Albania, đi qua biển Adriatic, đến Italy. Dự án này đã bắt đầu triển khai tại Albania.

Chuyên gia Nicolas Mazzucchi thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Iris) cho rằng dự án này có thể cải thiện, kể cả ở mức độ tối thiểu, an ninh năng lượng khí đốt của EU.

Đối với châu Âu, dự án này vẫn là chưa đủ. Một dự án xây dựng đường ống khí đốt ngoại vi khác mang tên Ionian-Adriatic Pipeline (IAP) cũng được thiết lập nhằm cung cấp khí đốt cho Bosnia, Montenegro, Albania và Croatia. Khi IAP được kết nối với một trạm khí hóa lỏng tại đảo Krk, nằm ở phía Bắc Croatia, dự án này sẽ cạnh tranh mạnh với khí đốt của Nga.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Nabuco (đỏ) do EU và Mỹ hậu thuẫn và Dòng chày phương Nam (xanh) của Nga

Vào tháng 5/2017, dưới sự ủng hộ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), 7 quốc gia bao gồm Albania, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Kosovo, Macedonia và Montenegro đã ký kết một thỏa thuận về phát triển mạng lưới vận chuyển khí đốt nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga. Chỉ có Serbia và Romania không tham gia ký kết.

Nga sẽ đáp trả bằng cách nào? Dự án dòng chảy Phương Nam, dự kiến ban đầu sẽ đưa khí đốt Nga đến tận Áo, đã bị “bỏ rơi” vào năm 2014. Dự án thay thế mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đã được ký kết vào tháng 10/2016 với Ankara trong bối cảnh cải thiện quan hệ song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tuần trước, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bày tỏ mong muốn đường ống khí đốt này sẽ kết nối với Serbia. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá dự án này “rất tế nhị về mặt kỹ thuật” vì hệ thống đường ống cần phải nằm sâu 2 km tại Biển Đen.

Hãng tin của Pháp cho rằng, trên hết dự án này vẫn phụ thuộc vào những yếu tố bất ngờ về địa chính trị quan trọng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và EU, vấn đề người nhập cư, tình hình Syria…Điều này đồng nghĩa với một tương lai rất khó đoán định.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-that-the-du-tung-sieu-vu-khi-o-balkan-3339205/