Nga thay toàn bộ hệ thống phân biệt địch-ta

Sau vụ MiG-25P hạ cánh xuống Nhật Bản, Liên Xô đã thay toàn bộ hệ thống phân biệt địch-ta và điều này được cho là có liên quan đến S-200 của Syria.

Liên Xô dâng hiến bí mật cho Mỹ

Việc phi công Viktor Belenko lái chiếc MiG-25P đào tẩu và hạ cánh xuống sân bay Hakodate ở Nhật Bản và những bí mật của chiếc máy bay bị phanh phui được coi là sự kiện động trời thời Chiến tranh lạnh của Liên Xô. Ngày 6/9/1976, viên phi công Viktor Belenko, đã đào ngũ sang Phương Tây, chiếc MiG-25P "Foxbat-A" này đã hạ cánh tại sân bay Hakodate ở Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên các chuyên gia phương Tây có thể nghiên cứu gần chiếc máy bay này, và nó hé lộ nhiều bí mật cũng như bất ngờ. Belenko được trao quy chế tị nạn bởi Tổng thống Mỹ khi ấy là Gerald Ford thực hiện và một quỹ "đen" đã được lập ra cho ông ta, trao cho ông một cuộc sống rất dễ chịu trong những năm sau đó.

Chuyên gia Mỹ-Nhật phẫu thuật chiếc MiG-25P.

Mỹ đã phỏng vấn và thẩm vấn ông trong năm tháng sau vụ đào tẩu, và sử dụng ông như một chuyên gia tư vấn trong nhiều năm sau. Cùng với chiếc MiG-25 huyền thoại, Belenko còn mang theo cuốn sách hướng dẫn sử dụng cho phi công MiG-25, hy vọng giúp các phi công Mỹ trong việc đánh giá và thử nghiệm máy bay.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản chỉ cho phép Mỹ xem xét chiếc máy bay và thực hiện các thí nghiệm trên mặt đất với radar và động cơ. Sau khi tất cả những bí mật của chiếc MiG-25 bị moi hết, người Mỹ đã tìm được tất cả những điểm mạnh, điểm yếu của MiG-25.

Kết quả kiểm tra được người Mỹ công bố rằng tính năng kỹ thuật máy bay MiG-25 mà họ phát hiện chỉ ngang bằng máy bay chiến đấu F-4 của Mỹ và nó không phải là đối thủ ngang tầm đối với các loại máy bay chiến đấu như F-15 và F-16 mới nhất mà Mỹ nghiên cứu, chế tạo ra.

Vì vậy, ngày 12/11 năm đó, Mỹ – Nhật đã đáp ứng các yêu cầu của Liên Xô đòi đưa chiếc máy bay MiG-25 đó về nước. Ngày 15/11, tám xe tải chở các bộ phận linh kiện của MiG-25 đã được đưa lên tàu chở về Liên Xô. Nhưng khi những thiết bị này được đưa đến vị trí đã sắp xếp, người Liên Xô phát hiện ra "bảo bối" của mình chỉ còn là đống sắt vụn.

Và trên thực tế, trước khi trao trả cho Liên Xô, chiếc máy bay đã được tháo ra và nghiên cứu cẩn thận từng chi tiết để phân tích bởi Bộ phận công nghệ tại nước ngoài (giờ là Trung tâm tình báo không trung và không gian quốc gia) của Không quân Hoa Kỳ, tại căn cứ không quân Wright-Patterson gần Dayton, Ohio.

Sau 67 ngày, chiếc máy bay đã được trở về Liên Xô với những kết luận phân tích đáng ngạc nhiên được Mỹ và Nhật đưa ra: Chiếc MiG-25 là loại máy bay đời mới, đại diện cho công nghệ Xô Viết mới nhất. Máy bay được lắp ráp rất nhanh, và thực chất được xây dựng xung quanh động cơ phản lực Tumansky của máy bay.

Máy bay được chế tạo từ hợp kim thép niken và không phải là titan như người ta vẫn nhầm lúc đầu (tuy nhiên titan đã được sử dụng trong những bề mặt chịu nhiệt cao). Cấu trúc thép thiết kế đã góp phần tạo ra trọng lượng không có vũ khí lên tới 64,000 lb (29 tấn).

Đặc biệt, phần lớn thiết bị điện tử trên máy bay được chế tạo dựa trên công nghệ đèn chân không, chiếc MiG-25 đã không sử dụng thiết bị điện tử bán dẫn.

Có vẻ khá lỗi thời, nhưng cách sử dụng đèn chân không rất khéo léo bởi vì những ống chân không ít bị ảnh hưởng bởi xung điện từ (EMP) sinh ra khi có vụ nổ hạt nhân và chịu nhiệt tốt hơn, do đó, loại bỏ những nhu cầu về môi trường điều khiển phức tạp bên trong khaong điện tử của máy bay.

Ngoài ra, những đèn chân không dễ dàng để thay thế tại những sân bay quân sự xa xôi ở phía Bắc, nơi mà những bóng bán dẫn tinh vi không luôn có sẵn để thay thế. Như mọi máy bay Xô Viết, MiG-25 được thiết kế càng khỏe càng tốt.

Nhờ việc sử dụng đèn chân không, chiếc MiG-25P có một rada rất mạnh loại Smerch-A (Tornado, tên ký hiệu của NATO "Foxfire") - công suất khoảng 600 kW - với radar này thì mọi biện pháp phòng thủ điện tử của quân địch (EMC) đều trở nên vô dụng.

Cùng với sự đào tẩu của Belenko là hầu hết những bí mật về hệ thống radar, tên lửa, đặc biệt là hệ thống phân biệt địch-ta của MiG-25P và của cả quân đội Liên Xô vào thời kỳ đó đã bị Phương Tây khám phá.

Và ngay lập tức trong năm 1978, Liên Xô đã phát triển một phiên bản cải tiến mới, MiG-25PD ("Foxbat-E") với những thay đối đáng kể. Cũng chính trong giai đoạn này, toàn bộ hệ thống phân biệt địch-ta của vũ khí đã được thay đổi theo.

S-200 Syria không có hệ thống phân biệt địch-ta

Theo những thông tin được công khai, những hệ thống S-200 của Syria cũng đã được Liên Xô chuyển giao trong giai đoạn này nhưng vì lý do đảm bảo an ninh, hệ thống phân biệt địch-ta không được Liên Xô chuyển giao.

Và điều này đã được khẳng định qua tuyên bố của phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov hôm 20/9, mỗi đất nước có một hệ thống nhận diện địch-ta và Nga không áp đặt hệ thống định danh này lên các vũ khí xuất khẩu ra nước ngoài.

Vị phát ngôn viên Nga cho biết: "Nhận diện là hệ thống hoàn toàn thuộc sở hữu riêng của mỗi quốc gia, thậm chí những loại vũ khí và thiết bị quân sự được xuất khẩu từ Nga theo chương trình hợp tác kỹ thuật-quân sự cũng chưa bao giờ được lắp đặt thiết bị này. Nguyên tắc đó cũng được áp dụng với tất cả các hệ thống phòng không nội địa mà Nga chuyển giao cho Syria".

"Hệ thống IFF mà Nga sử dụng chỉ được áp dụng đối với các máy bay, hệ thống phòng không, được xác định là của Nga. Chưa hề có tiền lệ chuyển giao bất cứ hệ thông nào như vậy cùng các mã định danh của Nga cho các nước khác. Và theo nguyên tắc là không thể", ông Konashenkov tuyên bố.

Clip Mỹ-Nhật phẫu thuật chiếc MiG-25P

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-thay-toan-bo-he-thong-phan-biet-dich-ta-3365878/