Nâng cao ý thức về phòng, chống cháy rừng của chủ rừng, người dân sống ven rừng

Thời gian qua, nhờ nâng cao ý thức về phòng chống cháy rừng từ các chủ rừng, người dân sống ven rừng nên số vụ cháy rừng giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019, tỉnh Bình Định xảy ra 21 vụ, năm 2020 xảy ra 8 vụ thì từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng nhỏ.

Tỉnh Bình Định đang đối mặt với nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao lại ít mưa khiến nhiều cánh rừng trong tình trạng nguy cơ cháy rất cao. Trong số 157 xã, phường, thị trấn ở tỉnh Bình Định thì 133 xã có rừng. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng kiểm lâm thì sẽ rất khó khăn trong phòng, chống cháy rừng. Các địa phương phải xác định tuyên truyền người dân, các chủ rừng thực hiện tốt biện pháp chăm sóc, quản lý và chủ động phòng chống cháy rừng.

Những cánh rừng khô, nguy cơ cháy rất cao.

Những cánh rừng khô, nguy cơ cháy rất cao.

Các huyện miền núi như Vân Canh, Hoài Ân, An Lão... là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu dựa vào rừng. Bà con đi làm nương rẫy, săn bắt, vào rừng lấy mật ong và hay đốt lửa trong rừng, nguy cơ cháy rất cao. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở bà con không đốt thực bì, nhóm lửa trong rừng.

Mặt khác, từ khi nhận giao khoán bảo vệ rừng, người dân có trách nhiệm hơn trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại khu vực rừng phòng hộ Hồ chứa nước An Đôn, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân rộng gần 150 ha, trong 5 năm qua, từ khi Tổ quản lý bảo vệ rừng thôn An Đôn nhận giao khoán bảo vệ, không xảy ra vụ cháy rừng nào. Ông Lê Thanh Bình, trưởng thôn An Đôn, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân cho biết: Tổ gồm 8 thành viên thường xuyên nhắc nhở bà con cùng tham gia bảo vệ rừng: "Chúng tôi mỗi tháng là tuần tra, truy quét 1 lần, 6 tháng ra 1 đường băng cản lửa để làm nghiệm thu, trong năm làm 2 lượt. Với tinh thần nhận khoán này thì các rừng của địa bàn xã khi phát hiện cháy rừng thì chúng tôi trong tổ cùng với UBND xã và rừng phòng hộ để chữa cháy".

Kiểm lâm và người dân dùng máy thổi phát quang các thảm thực vật khô nỏ và tạo đường băng cản lửa.

Hiện nay, cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện Phù Mỹ và một số địa phương ở tỉnh Bình Định đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm về cháy rừng. Diện tích rừng dễ cháy tập trung ở các khu rừng phi lao ven biển và các khu rừng trồng đầu nguồn. Huyện Phù Mỹ nhanh chóng củng cố hệ thống đường băng cản lửa, thu dọn vật liệu dễ cháy tại tất cả các nơi có nguy cơ cao về cháy rừng. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng bám sát địa bàn, phối hợp với chủ rừng tuần tra kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng.

Ông Trương Tân Lực, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: "Chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ huy bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phân công các thành viên trong ban chỉ huy chúng tôi đứng từng địa bàn từng xã, phân công cụ thể. Dưới Ban Chỉ huy chúng tôi kiện toàn các tổ đội bảo vệ rừng- phòng cháy chữa cháy rừng, có lịch phân công các tổ bảo vệ rừng cơ sở, trong mùa nắng nóng hàng ngày đều có người đi tuần tra trong rừng".

Thực tế cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng, nơi đó việc quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện hiệu quả. Trong những năm gần đây, số vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019 xảy ra 21 vụ thiệt hại gần 170ha rừng thì năm 2020, số vụ cháy rừng giảm xuống còn 8 vụ khiến 16 ha bị cháy và từ đầu năm đến nay, cả tỉnh Bình Định mới xảy ra 3 vụ cháy rừng nhỏ.

Kiểm lâm và người dân dùng máy thổi phát quang các thảm thực vật khô nỏ và tạo đường băng cản lửa.

Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, trang thiết bị chữa cháy chủ yếu là thô sơ, địa điểm xảy ra cháy ở rừng cao, phương tiện chữa cháy khó tiếp cận. Việc dập lửa rất khó khăn và mất nhiều thời gian khi xảy ra cháy rừng.

Vì vậy, theo ông Lê Đức Sáu, tỉnh Bình Định nên chủ động triển khai phương án phòng cháy và chữa cháy tại chỗ: "Chi cục Kiểm lâm xác định công tác phòng là chính, kiện toàn tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng để khi có cháy rừng xảy ra thì triển khai lực lượng kịp thời. Bên cạnh đó chỉ đạo Hạt kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy. Phải xác định được vùng có nguy cơ trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để bố trí phương tiện và lực lượng hậu cần tại chỗ để chữa cháy rừng kịp thời"./.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nang-cao-y-thuc-ve-phong-chong-chay-rung-cua-chu-rung-nguoi-dan-song-ven-rung-874448.vov