Nga thỏa thuận với Thổ, Syria hạ súng ở cửa ngõ Idlib

Sẽ không có chiến dịch giải phóng Idlib của Syria, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát quân sự Nga sẽ kiểm soát khu phi quân sự ở Idlib.

Sẽ không có chiến dịch giải phóng Idlib

Ngày 17/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông đã tổ chức các cuộc đàm phán có ý nghĩa và mang tính xây dựng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về vấn đề Syria, mà quan trọng nhất là “tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh” ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria.

Theo đó, hai vị Tổng thống đã đạt được thỏa thuận là đến ngày 15 tháng 10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành lập khu phi quân sự vào sâu 15-20 km dọc theo đường tiếp xúc giữa các lực lượng Syria và phe đối lập vũ trang.

"Trong cuộc họp vừa diễn ra, chúng tôi thảo luận chi tiết tình hình ở tỉnh Idlib và quyết định đến ngày 15 tháng 10 năm 2018 sẽ thành lập khu phi quân sự dọc theo đường tiếp xúc giữa các lực lượng đối lập có vũ trang và lực lượng chính phủ vào sâu 15-20 km” - Tổng thống Nga tuyên bố sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Theo đó, các nhóm chiến binh cực đoan, trong đó có cả tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra sẽ phải hạ súng và rút lui [không nói rõ là rút lui đến đâu]. (Jabhat al-Nusra là chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria, sau đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham, hiện nay là Hay’at Tahrir al-Sham-HTS, nhưng vẫn bị Nga gọi với tên gọi cũ).

Cùng thời điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng sẽ không có chiến dịch quân sự mới tại Idlib. Tuy nhiên, ông không đưa ra các vấn đề chi tiết trong kế hoạch này, bởi hai bên vẫn đang tiếp tục thương thảo, chưa đưa ra tuyên bố cuối cùng.

"Trong vài giờ tới, chúng tôi sẽ thỏa thuận với họ tất cả các luận điểm được nêu trong tài liệu này" - Bộ trưởng Shoigu bổ sung, khi đề cập đến vấn đề liệu phía Thổ Nhĩ Kỳ có đồng ý với kế hoạch của Nga hay không.

Như vậy là với tuyên bố mới nhất này của Nga, sẽ không có chiến dịch giải phóng Idlib để giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực tây bắc, mà Syria chờ đợi đã lâu và đang tích cực chuẩn bị.

Trong vài tuần qua, Quân đội Ả rập Syria đã huy động một lực lượng và phương tiện chiến đấu cực lớn đến Idlib, bao gồm Quân đoàn 5, Sư đoàn 3, Sư đoàn 4, Sư đoàn 11, đặc nhiệm Tiger, lực lượng Vệ binh Cộng hòa…, nhưng chiến dịch vẫn chưa nhận được lệnh mở màn.

Đã có nhiều lí giải về việc chiến dịch giải phóng Idlib bị trì hoãn, trong đó chủ yếu các ý kiến cho là về quân sự, nhưng thực tế, đây là vấn đề liên quan đến chính trị.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tung hơn 30.000 quân và hàng trăm xe tăng sang Idlib

Không mở chiến dịch Idlib vì lí do chính trị chứ không phải quân sự

Đã có những phân tích cho rằng, sở dĩ Syria chưa nổ súng là do còn chờ Nga tấn công hỏa lực “dọn bãi”, tiêu diệt các công sự, trận địa kiên cố của phiến quân để đến mùa đông Quân đội Syria sẽ tấn công tiêu diệt phiến quân ở tỉnh Idlib. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự đã phản bác quan điểm này.

Theo giới chuyên gia quân sự, tấn công dọn bãi mang tính chất phủ đầu và có tính thời điểm, nhằm nhanh chóng phá hủy các cấu trúc phòng thủ kiên cố và sinh lực địch, tạo điều kiện cho lực lượng mặt đất tấn công ngay sau đó.

Sau khi dọn bãi xong, lực lượng mặt đất cần phải lập tức tấn công để không cho đối thủ có thời gian xây dựng lại công sự trận địa và huy động lực lượng dự bị. Do đó, quan điểm “Nga dọn bãi đến mùa đông, Quân đội Syria mới nổ súng tiến công” là không hợp lý.

Thực tế, nguyên nhân thực tế của việc chiến dịch Idlib bị trì hoãn và không thể diễn ra là do những toan tính chính trị của tất cả các bên, trong đó Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sắm vai trò chủ đạo, chứ không phải Syria.

Trong mấy ngày qua, chính quyền Ankara đã tung ra hàng loạt động thái cả về chính trị lẫn quân sự để ngăn chặn chính quyền Damascus tung ra đòn tấn công quân sự vào Idlib.

Nước này đã gây sức ép mạnh với Nga về chính trị và ngoại giao với những tuyên bố vô cùng cứng rắn, bên cạnh đó là việc điều động thêm hàng ngàn quân (tổng quân số Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là hơn 30.000 quân) cùng với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép sang tỉnh Idlib.

Với mối quan hệ đang được coi là “tương đối tốt đẹp” với Thổ Nhĩ Kỳ, với sự xích lại gần về chính trị-ngoại giao, cùng với hàng loạt dự án hợp tác về kinh tế và kỹ thuật quân sự, Nga buộc phải tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu nước này cương quyết dùng biện pháp quân sự ngăn chặn Quân đội Syria mở chiến dịch giải phóng Idlib.

Do đó, Moscow đã có những nhượng bộ nhất định để tránh chiến sự bùng phát ở Idlib, rồi sau đó mới tính đến các giải pháp khác.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-thoa-thuan-voi-tho-syria-ha-sung-o-cua-ngo-idlib-3365673/