Nga thừa nhận từng tuyệt vọng đấu Mỹ

Đây là điều tồi tệ bởi Liên Xô 'phải chạy thật nhanh để đứng im một chỗ' và có những thế lực không có kế hoạch để Liên Xô sống sót.

Tất yếu...

Tờ Bình luận quân sự của Nga ngày 19/8 có bài viết phân tích về kết cục Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ.

Bài viết khẳng định chỉ cần phân tích chính sách đối ngoại trước đây và xem xét chính sách đối ngoại hiện nay của Nga là có thể hiểu được một sự thật đơn giản: Chúng ta không thể không thua Chiến tranh Lạnh.

Tờ báo Nga đặt câu hỏi: Tại sao lại có sự tuyệt vọng đến như vậy? Kết luận trên được rút ra không chỉ căn cứ trên các nguyên nhân vốn phụ thuộc vào các quyết định cụ thể.

Điều đầu tiên, tờ báo Nga đánh giá, Mỹ đã thắng trong Chiến tranh Lạnh vì có điều kiện xuất phát tốt hơn. “Cuộc chiến” bắt đầu từ năm 1946 và khi đó nếu so sánh Mỹ với Liên Xô, hai bên còn lâu mới “bình đẳng”.

Để đuổi kịp hình mẫu của Mỹ vào năm 1946, Liên Xô phải trải qua một thập kỷ nhưng khi đó Mỹ đã bước sang những năm 1950.

Bài viết trên tờ Bình luận quân sự của Nga

Bài viết trên tờ Bình luận quân sự của Nga

Ưu thế về điều kiện xuất phát của Mỹ không chỉ nằm ở việc xuất phát trước mà nhờ vào nguồn dự trữ vật chất lớn, Mỹ còn đi nhanh hơn, đồng thời “chặn nguồn sống” của Liên Xô.

Sau năm 1945, Mỹ là quốc gia giàu nhất, phát triển nhất và hùng cường nhất trên hành tinh. Đấu tranh với một quốc gia như vậy trong điều kiện bị tàn phá và đói kém là tương đối phức tạp, nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn.

Tờ Bình luận quân sự Nga cho rằng sau Thế chiến II, Liên Xô còn gặp thêm bất lợi khi phương Tây hình thành được một khối duy nhất (bao gồm cả Đức, Nhật, Italy và sau đó là Hàn Quốc) trong khi Liên Xô chưa hẳn đã kiểm soát được Đông Âu.

Rất khó để đánh giá “lợi ích” của Liên Xô sau “chiến thắng vĩ đại” khi cái mà Moscow nhận được là một khối NATO thống nhất với nguyên tắc quân sự cứng rắn.

Tờ báo Nga viết: “Chúng ta đã buộc phải lao vào một cuộc đối đầu ở quy mô toàn cầu mà chúng ta hoàn toàn không cần đến và hoàn toàn không chuẩn bị”.

Liên Xô thường bị chỉ trích vì thúc đẩy hệ tư tưởng của mình nhưng theo tờ Bình luận quân sự, ngay cả khi từ bỏ điều đó, Liên Xô cũng không thể trở thành bạn của người Mỹ.

Ngày nay, khi vấn đề hệ tư tưởng không còn nữa thì thế giới vẫn đang bên bờ vực của một cuộc chiến hạt nhân. Do đó, tờ báo Nga khẳng định vấn đề không nằm ở hệ tư tưởng.

Tổng thống Mỹ R. Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô M. Gorbachev trên Quảng trường Đỏ năm 1988

Nước Mỹ cũng đang thay đổi cơ sở tư tưởng xã hội của mình, nhất là sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001. Nếu như vào những năm 1950, nước Mỹ được nhìn nhận với những giá trị gia đình và tôn giáo thì ngày nay được đánh giá hoàn toàn cởi mở. Như vậy, chỉ có việc thúc đẩy lợi ích là không thay đổi!

Việc Mỹ quan tâm bảo vệ tôn giáo và “quyền con người” không nằm ở vấn đề hệ tư tưởng mà thực chất là có tính toán nhằm tác động vào quá trình bên trong, theo đánh giá của tờ Bình luận quân sự.

Tờ báo này nhấn mạnh ngay cả khi Liên Xô là một cường quốc thị trường và “dân chủ” vào những năm 1940 thì cũng không trở thành bạn của Mỹ như việc Nga không trở thành bạn của Mỹ trong những năm 1990.

Tờ báo Nga khẳng định: Nhìn chung, người Mỹ không có bạn.

Mỹ xuất phát ở vạch đích?

Theo tờ Bình luận quân sự, những điều trên thật là “kỳ lạ” bởi ngày 22/6/1941 (ngày Đức bắt đầu tấn công Liên Xô - PV), Liên Xô phải tham gia chiến tranh không phải để giành vị trí lãnh đạo thế giới tuyệt đối vốn không cần thiết đối với mình. Liên Xô không có lựa chọn nào khác. Theo tờ báo Nga thì hiệp ước với Hitler chính là quyết định hợp lý nhằm “nhảy khỏi con tàu phiêu lưu toàn cầu”.

Do đó, Liên Xô không cần phải đánh bại nước Đức phát xít và nước Nhật quân phiệt vì những tính toán của riêng mình. Tờ báo Nga cho rằng hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Nhật Bản cũng có chung mục đích như vậy và Liên Xô không hề muốn tham gia vào cuộc đấu toàn cầu.

Nga tổ chức lễ duyệt binh ngày 9/5 hàng năm kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến II

Bị chiến tranh tàn phá, một Liên Xô Năm không có vũ khí hạt nhân hoàn toàn không có chỗ dựa. Thêm vào đó, năm 1947 là một năm “đói kém”. Vậy thì Chiến tranh Lạnh để làm gì khi Liên Xô sẽ được lợi tối đa nếu có quan hệ tốt với phương Tây. Tuy nhiên, điều đó lại không chỉ phụ thuộc vào Liên Xô.

Tờ Bình luận quân sự viết: “Chiến tranh Lạnh bắt đầu bởi vì Liên Xô không sụp đổ trong Thế chiến II, không sụp đổ ngay lập tức sau cuộc chiến này mà lại còn nhanh chóng chế tạo được vũ khí hạt nhân”.

Tờ báo Nga cho rằng chính vì thế mà tuyên truyền của phương Tây đã tô vẽ hình ảnh của nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin như một người không thể thỏa hiệp và “đe dọa thế giới tự do”.

Khi đó, Liên Xô buộc phải phản ứng trước việc phương Tây tuyên bố Chiến tranh Lạnh và xây dựng khối NATO cũng như việc trước đó phải phản ứng trước sự trỗi dậy của nước Đức phát xít.

Tổng thống Nga V. Putin (phía sau là cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev) tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5/2019

Trong những năm cuối của thập niên 40 thế kỷ trước, Liên Xô đã phải nhanh chóng chế tạo vũ khí hạt nhân. Tờ Bình luận quân sự Nga cho rằng đây là một điều tồi tệ bởi thực chất Liên Xô khi đó “phải chạy thật nhanh để đứng im một chỗ” bởi vì “có những thế lực nhất định trên hành tinh này có kế hoạch không để chúng ta sống sót”.

Theo tờ báo Nga, như vậy Chiến tranh Lạnh đã không cho Liên Xô cơ hội chiến thắng. Nguyên nhân thì có nhiều song như đã nói thì Mỹ có điều kiện xuất phát tốt hơn sau Thế chiến II.

Thực chất thì khi đó toàn bộ nền công nghiệp đều tập trung trong tay Mỹ và các nước phát triển đều nằm trong một khối.

Trong khi đó, như vẫn thường nói, khối phương Đông dựa vào kỹ năng quản lý của người Ba Lan và điện của Mông Cổ!

Không những thế, tờ báo Nga còn cho rằng nước Mỹ đơn giản là không phải “nuôi” ai hay giúp đỡ nước nào. Hỗ trợ kinh tế của Mỹ được cho là con ngựa thành Troy và Mỹ “kiếm lời” trên lưng các đồng minh.

Cũng chính vì người Mỹ sống giàu sang hơn các đồng minh nên họ có thể sử dụng điều kiện sống của mình nhằm mục đích tuyên truyền. Tờ báo Nga viết: “Không có gì ngạc nhiên khi nó hiệu quả và đến ngày nay vẫn đang hiệu quả”.

Bảo Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-thua-nhan-tung-tuyet-vong-dau-my-3386027/