Nga tìm cách trở lại Afghanistan, xóa bỏ sai lầm thời Liên Xô

Như Liên Xô đã từng làm trong chiến tranh Lạnh, Nga đã một lần nữa xác định Afghanistan là một 'sân khấu' để thách thức Mỹ.

New York Times hôm 26/6 dẫn thông tin từ các quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho hay điệp viên Nga đã treo thưởng cho các tay súng Taliban, nhằm khuyến khích phiến quân tấn công lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã được các quan chức tình báo báo cáo thông tin này nhưng chưa ra quyết định đáp trả.

Tuy nhiên sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông không biết tin Nga treo thưởng cho Taliban, trong khi Nhà Trắng và Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ đều phủ nhận thông tin này. Điện Kremlin cũng nói rằng thông tin của New York Times là hoàn toàn không đúng sự thật. Đại sứ quán Nga tại Washington gọi đây là “cáo buộc vô căn cứ và nặc danh”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Thượng đỉnh SCO ở Ufa, Nga tháng 7/2015. Ảnh: Reuters

Dù vậy, những thông tin này khiến dư luận phải đặt câu hỏi về vai trò của Nga tại Afghanistan trong bối cảnh tháng 2/2020, Mỹ và Taliban đã ký thỏa thuận hòa bình ở Doha, Quatar. Theo thỏa thuận này, NATO trong đó có Mỹ sẽ rút các binh sỹ khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng, đổi lại Taliban phải giữ đúng cam kết ngăn Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tổ chức các cuộc tấn công, đe dọa tới an ninh của Mỹ cùng các đồng minh.

Xóa bỏ sai lầm quá khứ?

Giữa các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ bảo trợ, có một góc khuất mà hầu hết các nhà quan sát về Afghanistan đã bỏ qua, đó chính là vai trò của Nga – nước vốn ủng hộ nhiệt tình thỏa thuận hòa bình .

Cùng với Pakistan, Nga là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất nếu NATO (trong đó có Mỹ) rút quân. Trong những năm qua, Nga đã âm thầm củng cố các mối quan hệ với Taliban, với mục đích mở rộng lợi ích chiến lược tại Afghanitan cũng như nỗ lực xóa bỏ tai tiếng thất bại của Liên Xô ở quốc gia Nam Á này những năm 1980.

Một khi các lực lượng NATO và Mỹ rời đi, Nga sẽ có cơ hội “nhảy vào”. Và trong trường hợp đó, những tiết lộ gần đây liên quan tới “sự dàn xếp”, dù đã bị bác bỏ, giữa Nga với Taliban không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Sau khi mất hơn 13.000 binh sỹ trong cuộc chiến 10 năm ở Afghnistan, Liên Xô rút quân trong bẽ bàng. Suốt nhiều năm, dư luận Liên Xô cho rằng cuộc chiến ở Afghanistan là một sai lầm tốn kém. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng thống Putin, chính phủ Nga bắt đầu đánh giá lại và cho rằng cuộc can thiệp [khi đó] là nằm trong khuôn khổ lủa luật pháp quốc tế.

Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin có thể đã can thiệp vào Syria vì những mối lo ngại an ninh hợp pháp, tình hữu nghị với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và vì cơ hội nước này có thể đối trọng với các lợi ích của Mỹ. Moscow đã tránh được “tiếng xấu” rằng việc can thiệp vào Syria là tương tự với những gì đa từng xảy ra ở Afghanistan thời Liên Xô. Và giờ Nga sử dụng kinh nghiệm “chiến thắng” ở Syria để gia tăng ảnh hưởng lợi ích của mình ở Afghanistan.

Năm 2014 đã cho thấy sự chuyển đổi rõ ràng trong chính sách ngoại giao Nga sau khi Điện Kremlin tìm cách thể hiện vai trò của mình trong vấn đề Afghanistan, đặc biệt với vai trò là nhà kiến tạo hòa bình.

Ngoài mặt, Nga gia tăng sự hiện diện ở Afghanistan vì mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorsan (ISKP). Với Nga, ISKP dấy lên nhiều thách thức đối với các lợi ích chiến lược của Moscow.

Âm thầm gia tăng ảnh hưởng ở Afghanistan

Nga thừa nhận mối quan hệ chiến lược của nước này với Taliban năm 2015, khi người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng Nga đang chia sẻ thông tin tình báo với Taliban liên quan tới các hoạt động của ISKP.

Như đã từng làm trong chiến tranh Lạnh, Nga đã một lần nữa xác định Afghanistan là một “sân khấu” để thách thức Mỹ. Ở cả mối quan hệ ngoại giao và các cấp độ an ninh, các hoạt động của Nga ở Afghnistan là “sản phẩm” của các chiến lược nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ. Một trong những bài học quan trọng nhất mà các nhà hoạch định chính sách Nga học được từ kinh nghiệm của Liên Xô ở Afghanistan là cần phải thúc đẩy các đối tác ở bất cứ đâu có lợi ích chung. Trong trường hợp này là Taliban.

Nga vẫn khẳng định quan hệ với Taliban chỉ hạn chế ở việc chống ISKP và hòa giải ở Afghanistan. Tuy nhiên, vai trò của Nga có lẽ còn nhiều hơn thế.

Tháng 5/2019, chính quyền Tổng thống Nga Putin đã mời các thành viên cấp cao của chính phủ Afghanistan cũng như Taliban tới Moscow để chào mừng “100 năm quan hệ Nga-Afghanistan”. Tại cuộc gặp đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi việc rút hoàn toàn các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan.

Dù vậy, để thành công ở Afghanistan, Nga cũng cần phải điều chỉnh mối quan hệ với Pakistan - một “cựu thù” thời Chiến tranh Lạnh. Hội tụ lợi ích ở Afghanistan là 1 yếu tố chủ chốt trong việc hâm nóng quan hệ giữa Moscow và Islamabad, và cả 2 đều lên tiếng khẳng định hợp tác song phương, trong đó có các vấn đề liên quan đến Taliban.

Sự khởi đầu của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban vào tháng 10/2018 là một trong những thành công cho cả Nga và Pakistan - 2 nước vốn cho rằng Taliban phải là một thành phần quan trọng trong tương lai của Afghanistan.

Nga đã sắp xếp các cuộc đàm phán ở Moscow để thúc đẩy đàm phán Mỹ-Taliban. Điều này được nhấn mạnh một lần nữa vào tháng 9/2019, khi Nga lại mời các thành viên Taliban tới Moscow. Tại cuộc gặp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng việc chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của quân đội nước ngoài là điều kiện không thể nhân nhượng đối với hòa bình lâu dài ở Afghanistan”. Trong khi đó, Pakistan cũng tiếp đón Zalmay Khalilzad, đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, và lãnh đạo Taliban ở Islamabad.

Đối với Nga, vấn đề Afghanistan còn có thể giúp Moscow đạt được mục tiêu tác động chính sách ngoại giao Mỹ trước thêm bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Nga trở lại Afghanistan để thắng?

Nga đã có những bước tiến quan trọng hướng tới thực hiện cả các mục tiêu chiến lược ở Syria và Afghanistan bằng cách duy trì ảnh hưởng đối với chính trị khu vực.

Các nhà quan sát cho rằng, Taliban chắc chắn sẽ tìm cách mở rộng sự kiểm soát ở Afghanistan bằng nhiều cách. Điều này có thể sẽ “khởi động” lại một cuộc nội chiến, khiến nhiều dân thường thiệt mạng hay dấy lên làn sóng tị nạn chạy khỏi Afghanistan.

Việc Mỹ và NATO rút các lực lượng khỏi Afghanistan khi đó có lẽ sẽ để lại hậu quả khôn lường đối với người dân, bởi việc đảm bảo an ninh vốn lâu nay do các lực lượng hỗ trợ của nước ngoài. Hơn nữa, bất cứ cam kết nào của Taliban về việc ngăn chặn al Qaeda hay các nhánh khác lợi dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố đều cần phải được hiện thực hóa.

Nga đang ở một vị trí thuận lợi, khi ủng hộ cả Taliban và chính phủ Afghanistan. Và vai trò này sẽ giúp Moscow đảm bảo những lợi ích chiến lược của mình trong khu vực.

Nhiều người đặt câu hỏi phương Tây sẽ điều chỉnh việc rút quân khỏi Afghaniftan thế nào khi rõ ràng có khả năng chủ nghĩa khủng bố sẽ trỗi dậy? Kết quả có thể sẽ tương tự như những gì diễn ra ở Syria và Iraq với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, lần này, Mỹ và phương Tây sẽ thấy mình khó trở lại Afghanistan hơn khi mà “sân chơi” sẽ vô cùng đông đúc với Pakistan, Iran, Nga và Trung Quốc, tất cả đều miễn cưỡng chấp nhận có thêm một bên nữa. Và nếu khi đó có một cuộc cạnh tranh lớn giữa các bên ở Afghanistan thì lần này Nga sẽ ở đó để chiến thắng./.

Hoàng Phạm/VOV.VN
Theo Foreign Policy

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nga-tim-cach-tro-lai-afghanistan-xoa-bo-sai-lam-thoi-lien-xo-1066753.vov