Nga tìm được khách hàng mua nốt 6 chiếc tiêm kích Su-30K tồn kho

Sau rất nhiều nỗ lực, Nga có vẻ như đã tìm được quốc gia mua hết số tiêm kích Su-30K còn đang lưu kho tại Belarus.

Trong 15 năm qua, Nga đã tìm cách bán hết 18 tiêm kích Su-30K đã qua sử dụng do Ấn Độ trả lại và đích đến của chúng đều là những quốc gia thuộc châu Phi. Thông qua thương vụ trên, Moskva cho thấy họ vẫn cố gắng định hình vị trí của mình trên thị trường vũ khí quốc tế.

Không quân Ethiopia mới đây thông báo họ đã nhận được 2 tiêm kích Su-30K mang số hiệu chiến thuật 2401 và 2402, một số hình ảnh về những chiến đấu cơ này trong biên chế lực lượng vũ trang đất nước châu Phi nói trên đã được đăng tải.

Do hiện nay trên thế giới không có bất cứ quốc gia nào sản xuất hay vận hành Su-30K, cho nên lô tiêm kích trên chỉ có thể đến từ một nơi duy nhất - Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 tại Baranovichi - Belarus.

Hiện tại cơ sở trên đang lưu kho nốt 6 chiếc Su-30K còn lại sau khi đã bán 12 máy bay cho Không quân Angola vào giai đoạn 2017 - 2019, như vậy Nga đã tìm được khách hàng cuối cùng cho số tiêm kích Su-30K đã "ế ẩm" suốt 15 năm qua.

Su-30K được phát triển trên cơ sở biến thể Su-27PU của Không quân Nga. Đây là phiên bản tiêm kích phòng không, được trang bị radar xung Doppler N001V có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu, nhưng chỉ có thể dẫn tên lửa tấn công một mục tiêu duy nhất.

Phạm vi trinh sát tối đa của radar N001V là 240 km, theo dõi đối tượng từ cự ly 100 km, nó sử dụng được bom và tên lửa dẫn đường, nhưng không phải là những loại tối tân nhất hiện nay.

Nguồn gốc của lô chiến đấu cơ Su-30K trên là từ hợp đồng cung cấp tiêm kích đa năng Su-30MKI được Nga ký với Ấn Độ vào cuối năm 1996.

Tuy nhiên khi đó Moskva chưa đủ điều kiện để lắp ráp chiếc máy bay tối tân như Su-30MKI, bởi vậy họ đã phải đề nghị New Delhi dùng tạm Su-30K như biện pháp "chữa cháy".

Vào tháng 12/1998, Nga đã bàn giao cho Ấn Độ 8 chiếc Su-30K đầu tiên. Sang tới năm 1999, hợp đồng bổ sung về việc cung cấp 10 máy bay chiến đấu Su-30K đã được thực hiện như một phần của khoản vay do chính phủ Nga hỗ trợ Ấn Độ.

Sau khi giao đủ số lượng tiêm kích Su-30MKI tối tân cho Ấn Độ thì tất cả 18 chiến đấu cơ Su-30K này đã được trả lại cho Moskva, chúng được đưa đến Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 nằm trên đất Belarus để Tập đoàn Irkut tránh phải trả thuế cho việc nhập khẩu vào Nga.

Tiêm kích Su-30K sau đó được hiện đại hóa lên chuẩn Su-30KN nhằm tích hợp các loại tên lửa không đối không và không đối đất thế hệ mới, đi kèm radar cải tiến để xác định và theo dõi mục tiêu với độ chính xác cao hơn.

Những loại vũ khí mà Su-30KN mang được bao gồm: tên lửa không đối không RVV-AE; tên lửa không đối đất Kh-25ML, Kh-29T, Kh-29L, Kh-31A, Kh-31P; bom dẫn đường thông minh KAB-1500Kr, KAB-1500L, KAB-500Kr, KAB-500L; cũng như các thiết bị đối kháng điện tử mới.

Việc nhiều khách hàng tiềm năng đã từng tiếp xúc với Su-30K nhưng rồi lại không mua theo giải thích là bởi giá thành nâng cấp lên chuẩn Su-30KN lên tới 45 triệu USD, gần bằng giá thành Su-30MK2 sản xuất mới.

Trong khi đó, nếu giữ nguyên cấu hình Su-30K, không đại tu và nâng cấp thì tình trạng kỹ thuật của máy bay ở mức rất tồi, khó lòng phục vụ thêm quá 10 năm. Được biết hai khách hàng Angola và Ethiopia đã được Nga cấp tín dụng để mang nốt số chiến đấu cơ này về.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-tim-duoc-khach-hang-mua-not-6-chiec-tiem-kich-su-30k-ton-kho-post564705.antd