Nga tinh quái ủng hộ quân đội châu Âu

Quân đội châu Âu nếu có được thành lập cũng không thể hiệu quả như NATO, thậm chí còn gây chia rẽ và bất hòa trong nội bộ phương Tây.

Nga ủng hộ...

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngần ngại tuyên bố ủng hộ ý tưởng thành lập quân đội châu Âu. Động thái của nhà lãnh đạo Nga đang khiến phương Tây, nhất là Anh và Mỹ, cảm thấy bối rối.

Khi đưa ra sáng kiến này nhân dịp kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố châu Âu cần phải có quân đội “để bảo vệ trước Trung Quốc, Nga và thậm chí Mỹ”.

Về phần mình, Pháp có nhiều lý do để thúc đẩy một sáng kiến như vậy. Trước hết, khoản chi quốc phòng ngày càng phình to của Pháp do cam kết trong khuôn khổ NATO có nguy cơ “rơi” vào túi Mỹ. Theo tính toán, ngân sách quốc phòng của Pháp đến năm 2025 sẽ đạt 50 tỷ euro/năm.

Tổng thống Pháp E. Macron (phải) cùng Thủ tướng Đức A. Merkel (giữa) và Tổng thống Mỹ D. Trump và phu nhân tại lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến I tại Paris

Với sáng kiến hành lập quân đội châu Âu, lãnh đạo Pháp muốn “chuyển đổi chi phí quốc phòng của mình thành đồng vốn đối ngoại” nhằm củng cố vị thế chính trị trong NATO cũng như trong Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, sáng kiến của ông Macron có tính toán đến nội tình châu Âu. Sự kiện Brexit sẽ hối thúc nước Anh củng cố hơn nữa quan hệ với Mỹ, trong khi đó, trong tương lai không xa châu Âu sẽ không còn Merkel, người nỗ lực rất lớn cho sự thống nhất châu Âu trong những năm khủng hoảng. Những điều này được cho là sẽ khiến EU suy yếu. Ý tưởng về một quân đội chung châu Âu sẽ củng cố sự thống nhất của EU.

Còn nhiều lý do khác được giới phân tích liệt kê nhưng đáng chú ý nhất là yếu tố nước Mỹ. Từ thời Thế chiến I, Mỹ chưa bao giờ tiến hành cuộc chiến đơn độc, luôn dựa vào các đồng minh, vì vậy không thể đánh giá thấp ý nghĩa của quân đội cho dù nhỏ nhất của bất kỳ nước châu Âu nào. Tổng thống Macron hiểu rõ điều đó, và khi đề xuất thành lập quân đội chung châu Âu, ông càng nâng cao giá trị của quan hệ đồng minh ở cả hai phía của Đại Tây Dương.

Về mặt cá nhân nhà lãnh đạo Pháp, có ý kiến cho rằng ông Macron đang “say sưa” với vai “niềm hy vọng của châu Âu”. Theo đó, ông muốn ghi danh vào lịch sử khi là người đứng ra thành lập quân đội châu Âu.

Bản thân nước Pháp vẫn có những “tham vọng” của mình mà theo các nhà phân tích Nga muốn dự phần vào việc phân chia thế giới tương lai. Kể từ sau Thế chiến I tới nay, Pháp đang mất dần những “dấu vết vàng son” ít ỏi còn sót lại của một đại cường quốc.

Tham vọng của Pháp được thể hiện rõ qua sự kiện gần đây với Lybia. Pháp chính là nước đầu tiên bắt đầu chiến dịch thiết lập khu vực cấm bay trên bầu trời Lybia, mở đường cho cuộc chiến đẫm máu của phương Tây chống lại quốc gia Bắc Phi này.

Tổng thống Pháp trong chuyến thăm tới Mali hồi tháng 5/2017

Các nhà phân tích Nga cũng nhìn ra cái lợi lâu dài từ việc thiết lập quân đội châu Âu do cách tiếp cận trái ngược của hai đầu tàu Pháp và Đức. Theo đó, Pháp muốn “khoe cơ bắp” còn Đức lại tỏ ra điềm đạm và muốn cầm cương EU về an ninh và kỷ luật.

Sự đối lập này, theo các nhà phân tích Nga, sẽ khiến quân đội châu Âu nếu có được thành lập cũng không thể hiệu quả như NATO ngoài “lợi ích” đáng kể nhất là ít phụ thuộc hơn vào Mỹ. Đây được cho là lý do khiến Tổng thống Putin ngay lập tức lên tiếng ủng hộ một quân đội của riêng châu Âu dù nó đã tuyên bố rõ lý do chống lại nước Nga.

...chờ phương Tây lục đục

Nhân dịp nước Pháp kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I vừa qua, Pháp cùng 9 nước châu Âu đã cho ra mắt Liên minh phòng thủ châu Âu hay còn có tên gọi chính thức là Sáng kiến Can thiệp châu Âu (IEI).

Theo các nhà phân tích Pháp, việc Tổng thống Macron sử dụng cụm từ “quân đội châu Âu” chỉ đơn thuần là cách diễn đạt về việc xây dựng châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng.

Nói cách khác, điều mà nhà lãnh đạo Pháp muốn nhấn mạnh là “châu Âu cần tự bảo đảm phòng thủ cho mình”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/nga-tinh-quai-ung-ho-quan-doi-chau-au-3369415/