Nga - Triều Tiên sẽ thành lập phi đội tiêm kích phòng không chung?

Báo chí Mỹ cho rằng, Nga có thể cung cấp cho Triều Tiên những tiêm kích phòng không tối tân nhằm thành lập phi đội chung giữa hai nước.

Thành lập phi đội tiêm kích phòng không chung giữa Nga và Triều Tiên là viễn cảnh mà tạp chí Mỹ Military Watch (MW) nhắc tới khi hai nước tăng cường hợp tác quân sự trong thời gian qua.

Ấn phẩm lưu ý rằng kể từ năm 2021, Triều Tiên đã đầu tư vào việc hiện đại hóa lực lượng không quân và giới thiệu các tên lửa không đối không mới do chính họ sản xuất.

Tại sân bay Sunchon (cách thủ đô Bình Nhưỡng 45 km về phía Đông Bắc), đường băng đã được kéo dài, nhà chờ máy bay, sân đỗ và đường lăn cũng được cải tạo.

"Do Triều Tiên đã hiện đại hóa toàn diện hệ thống phòng không mặt đất bằng các hệ thống tên lửa đất đối không mới ngày càng hiệu quả, nên có khả năng nước này sẽ tìm cách đầu tư vào việc mua thêm máy bay chiến đấu để đóng vai trò hỗ trợ trên không", tờ MW nhận định.

Cần lưu ý rằng thương vụ mua máy bay chiến đấu gần đây nhất của là 30 tiêm kích đánh chặn MiG-21bis từ Kazakhstan vào năm 1997. Tuy vậy đơn đặt hàng chưa bao giờ được hoàn thành do sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ.

Thực tế trên nêu bật những khó khăn mà Bình Nhưỡng phải đối mặt trong thời kỳ hậu Xô Viết, khi tất cả các đối tác thương mại lớn ngoại trừ Tehran đều cảnh giác không muốn làm mất lòng Washington.

Theo phía Hàn Quốc, cho đến đầu những năm 2000, việc sản xuất máy bay chiến đấu MiG-29 theo giấy phép vẫn được thực hiện tại Triều Tiên với sự hỗ trợ từ Liên bang Nga. Kể từ năm 1993, 15 tiêm kích như vậy đã cất cánh.

Một thập kỷ sau, Bình Nhưỡng muốn mua tiêm kích Su-35 hạng nặng, nhưng do nhu cầu duy trì quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ, cũng như các nghị quyết số 1718 và 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên bang Nga đã không bán loại máy bay này.

Theo chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên - ông A. B. Abrams, Nga có thể sẽ cố gắng "lách" lệnh cấm vận vũ khí, và Moskva có hai cách để thực hiện điều này.

"Xuất khẩu chiến đấu cơ thuộc các loại mà Triều Tiên đã có, chẳng hạn như MiG-29, khi đó bất kỳ nâng cấp bề ngoài nào có thể nhận dạng được đều sẽ bị phủ nhận một cách chính đáng là do Bình Nhưỡng tự thực hiện", vị chuyên gia cho biết.

Giải pháp thứ hai có thể mang lại những hậu quả mang tính biến đổi hơn nhiều đối với cán cân quyền lực ở Đông Á, trong đó bao gồm việc thành lập một phi đội tiêm kích phòng không chung giữa hai quốc gia.

"Nếu Triều Tiên mua máy bay chiến đấu của Nga ngoài MiG-29, chẳng hạn như tiêm kích Su-35 và Su-57 tiên tiến hơn mà ông Kim Jong Un đã tham quan trong chuyến thăm Nga vào tháng 9/2023, chúng có thể được tháp tùng bởi các quân nhân Nga tới Triều Tiên".

"Các căn cứ của Triều Tiên sẽ được trình bày là địa điểm đóng quân của một đơn vị chung dưới sự lãnh đạo của Moskva - bất kể cơ cấu chỉ huy của họ thực sự hoạt động như thế nào", vị chuyên gia nói thêm.

Ông Abrams nhấn mạnh rằng những chiếc tiêm kích như vậy sẽ có khả năng đánh chặn máy bay ném bom Mỹ gần Bán đảo Triều Tiên và thực hiện một số chức năng phòng không khác.

Tức là những máy bay nói trên thuần túy làm nhiệm vụ phòng thủ, chúng sẽ không được trang bị vũ khí hạt nhân và có lẽ sẽ không có bất cứ tên lửa không đối đất nào cả.

Theo ước tính của chuyên gia Abrams, vào năm 2023, Liên bang Nga đã tăng gấp đôi sản lượng máy bay chiến đấu Su-57 (lên tới 12 chiếc) và đến năm 2024, công suất sẽ tăng thêm 80 - 90%.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-trieu-tien-se-thanh-lap-phi-doi-tiem-kich-phong-khong-chung-post565656.antd