Nga trở thành cứu cánh cho EU tái cân bằng với Mỹ

Để thoát khỏi cái bóng của Mỹ thì EU cần đối tác mới và Nga chính là đối tác phù hợp nhất - Nga là cứu cánh cho EU cân bằng với Mỹ...

Washington ngày càng tạo ra sự lệch pha cho quan hệ Mỹ-EU

Những tưởng chiến lược xoay trục của cựu Tổng thống Obama, chuyển trọng tâm đối ngoại của Mỹ từ Đại Tây Dương-Địa Trung Hải về Châu Á-Thái Bình Dương khiến quan hệ Mỹ-EU bị hạ tầm, sẽ được khắc phục dưới thời Tổng thống Trump.

Bởi lẽ, vị tổng thống doanh nhân đã chấm dứt chiến lược xoay trục nửa vời của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, sau hơn một năm chính quyền Mỹ nhiệm kỳ 57 nắm quyền, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương còn bị hạ thấp hơn nữa, thậm chí đã lệch pha.

Theo RT, gần đây trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại của EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu không thể dựa dẫm vào Mỹ trong vấn đề an ninh được nữa, mà cần phải tìm đối tác mới.

Đây là điều rất bất ngờ. Nếu đây là phát biểu của Thủ tướng Đức hay Thủ tướng Italy thì có thể hiểu được, bởi quan hệ giữa Berlin với Washington hay Rome với Washington trong thời gian qua có biểu hiện "cơm không lành, canh không ngọt".

Đã đến lúc EU cần phải có sự thay đổi trong hợp tác với Mỹ

Còn quan hệ Mỹ-Pháp hồi đầu năm nay đã có một khởi đầu đầy hứa hẹn. Các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Macron đã hình thành một mối hữu hảo giữa Washington và Paris.

Vì vậy, khi người đứng đầu Điện Elysees thể hiện thái độ bất bình và ngờ vực người đồng minh lớn cho thấy "Tam đầu chế" của EU thời hậu Brexit đã có sự lệch pha với Mỹ và đây cũng là biểu hiện của xu thế EU đang ngày càng xa Mỹ.

Có thể nhận diện, dù EU thể hiện sự lệch pha với Mỹ, song chính những hành động của Washington trong thời gian qua mới là nguyên nhân tạo ra sự lệch pha với đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương.

Thứ nhất, việc Washington luật hóa trừng phạt Nga khiến EU từ chỗ phụ thuộc Mỹ - bị ràng buộc, bị chi phối bởi Mỹ - sang lệ thuộc Mỹ - mất tự chủ trong chính hành động của mình.

Mỹ luật hóa trừng phạt Nga đã khiến EU thất vọng. "Luật trừng phạt Nga có thể gây ra hậu quả khôn lường với an ninh năng lượng và lợi ích kinh tế của EU. Ảnh hưởng của biện pháp trừng phạt rất rộng", lời người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC).

Theo Brussels, việc luật hóa trừng phạt Nga là liên quan tới các vấn đề của riêng Washington - cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ - chứ không phải là vấn đề quốc tế cần sự phối hợp của EU, nên Mỹ không thể buộc đồng minh đánh đổi lợi ích.

Giới chức tại Đức thể hiện sự phẫn nộ khi cho rằng luật tạo ra sức ép lên chính phủ Mỹ buộc phải ưu tiên xuất khẩu năng lượng Mỹ, tạo việc làm cho người Mỹ, đặt lợi ích Mỹ lên trên lợi ích của các đồng minh, theo Financial Times.

Sau khi lệnh trừng phạt Nga được luật hóa tại Mỹ thì việc xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách từ kinh tế - thương mại đến hợp tác - đầu tư của EU đã gần như rơi vào thế bị động hoàn toàn.

Khi luật hóa trừng phạt Nga, Mỹ quên mất lợi ích và vị thế của EU

Khi tham gia liên minh cấm vận Nga với lệnh trừng phạt mà chính quyền Obama áp đặt, EU không mất thế chủ động của mình, bởi thời gian và cách thức áp đặt lệnh trừng phạt được linh hoạt trên cơ sở so sánh tương quan lợi - hại.

Tuy nhiên, khi lệnh trừng phạt được luật hóa bởi Mỹ thì điều đó hoàn toàn do người Mỹ quyết định, mà lợi ích trong quan hệ Nga - Mỹ không tương đồng với lợi ích trong quan hệ Nga - EU.

Trong khi tính chất của việc luật hóa trừng phạt Nga đưa EU vào chỗ mất tự chủ, song trong cách thức thực thi Washington cũng không xem trọng đồng minh. Mỹ đã quá quyết liệt trong việc tước bỏ quyền lợi của EU.

Chưa khi nào Washington xem thường đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương như trong việc luật hóa trừng phạt Nga. Ngay cả khi Mỹ cứu giúp Châu Âu trong Kế hoạch Marshall vĩ đại thì đồng minh cũng không bị Wahington xem thường như vậy.

Thứ hai, việc Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran không những tước bỏ nhiều lợi ích của EU, mà còn khiến Brussels bị thu hẹp mặt bằng trên sân khấu chính trị thế giới.

Phải thấy rằng trong thành phần P5+1 thì EU và các thành viên EU là các bên được lợi nhiều nhất sau khi thuyết phục được Tehran ký vào thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Nó không chỉ là lợi ích kinh tế, mà là quan trọng hơn là vị thế chính trị.

Có thể thấy rằng, dù là một liên minh kinh tế hùng mạnh, song mặt bằng sân khấu chính trị thế giới dành cho EU lại rất hạn hẹp, mà nguyên nhân là do EU bị che phủ bởi cái bóng quá lớn của Mỹ.

Khi tham gia vào kiến tạo một thỏa thuận hạt nhân lịch sử, vị thế của EU trên trường quốc tế cũng được nâng lên, từ đó tạo nền tảng cho Brussels thực hiện những hành động nâng tầm tiếp theo, như khát vọng kiến tạo nền hòa bình ủy nhiệm cho Syria.

Rút Mỹ khỏi Thỏa thuật hạt nhân Iran, Trump đã tước bỏ vị thế của EU trên trường quốc tế

Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran thì vị thế của EU đã sụt giảm ngay. Nga, Trung Quốc và cả Iran đều không mất vị thế khi Thỏa thuận hạt nhân Iran bị vô hiệu, vì đây đều là các thực thể đối nghịch của Mỹ.

Trong khi EU là đồng minh của Mỹ nên vị thế phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Khi Mỹ có ý định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran thì EU, hoặc phải thuyết phục Mỹ, hoặc phải hành động theo Mỹ.

Brussles chọn thuyết phục Mỹ, nhưng đã thất bại, nên cố gắng hành động độc lập với Washington, song khi Mỹ tái trừng phạt Iran đã khiến cho mọi quyết tâm của EU trở nên mờ nhạt. Bởi EU phải tuân thủ trừng phạt của Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-tro-thanh-cuu-canh-cho-eu-tai-can-bang-voi-my-3364915/