Nga,Trung, EU...thủ sẵn kịch bản 'out' khỏi SWIFT

Mỹ có thể sẽ gạch tên Nga khỏi hệ thống mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT và Nga đã lường trước từ 7 năm trước.

Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov mới đây cho biết ông không loại trừ khả năng Nga bị rút khỏi mạng lưới tài chính SWIFT.

Nga dự định sẵn kịch bản bị Mỹ trừng phạt.

Nga dự định sẵn kịch bản bị Mỹ trừng phạt.

Khi được các phóng viên hỏi về khả năng Nga mất kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu hay không, ông Peskov đã trả lời: "Chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào... Những hành động này là không hợp lý và không thể đoán trước, do đó, tất nhiên, tình huống này buộc chúng tôi phải cảnh giác."

Washington đã đe dọa ngắt kết nối Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) trong nhiều năm. Moscow đã phản ứng bằng cách tạo ra một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán có tên là SPFS, hay Hệ thống chuyển thông điệp tài chính.

Nga bắt đầu phát triển SPFS vào năm 2014 trong bối cảnh Washington đe dọa ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Giao dịch đầu tiên trên mạng SPFS liên quan đến một doanh nghiệp phi ngân hàng được thực hiện vào tháng 12/2017.

Hệ thống thanh toán của Nga đã được thúc đẩy bởi các thành viên của khối thương mại BRICS là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Hệ thống nhắn tin tài chính SPFS của Nga sẽ được liên kết với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS của Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ chưa có hệ thống nhắn tin tài chính trong nước, nhưng nước này có kế hoạch kết hợp nền tảng của Ngân hàng Trung ương Nga với một dịch vụ nội địa đang được phát triển.

Hệ thống được thiết lập để được liên kết với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS của Trung Quốc và cơ chế thanh toán trong tương lai của Ấn Độ. Hệ thống thanh toán của Nga cũng sẽ hoạt động với SEPAM của Iran, vì các ngân hàng Iran đã không có quyền truy cập vào SWIFT kể từ năm 2018 sau khi Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt.

Hệ thống mới dự kiến sẽ hoạt động như một mô hình "cổng" khi các thông điệp về thanh toán được chuyển mã phù hợp với một hệ thống tài chính nhất định. Theo Izvestia, các bên liên quan sẽ hoạt động trên một nền tảng duy nhất, không gặp bất kỳ khó khăn nào trong giao dịch.

Liên minh châu Âu cũng đang nghiên cứu một giải pháp thay thế cho SWIFT. Dự án do Đức xúc tiến sẽ giúp Brussels vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã ký năm 2015.

Tuy vậy hệ thống thanh toán này được sử dụng không liên tục và nhận phản hồi không mấy tích cực của Iran. Nếu Mỹ có thể ban hành các lệnh trừng phạt nhằm vào châu Âu thì liên minh có thể sử dụng hệ thống thanh toán này để "lách luật".

SWIFT là một mạng lưới tài chính cung cấp chuyển khoản xuyên biên giới có giá trị cao cho các thành viên trên toàn thế giới. Nó có trụ sở tại Bỉ, nhưng hội đồng quản trị của nó bao gồm các giám đốc điều hành từ các ngân hàng Hoa Kỳ với luật liên bang Hoa Kỳ cho phép chính quyền hành động chống lại các ngân hàng và cơ quan quản lý trên toàn cầu.

Hệ thống này hỗ trợ hầu hết các tin nhắn liên ngân hàng, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nga thoát đồng USD, tự tin "out" khỏi SWIFT

Một số ý kiến cho rằng, nguy cơ Nga rút khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là rất nghiêm trọng. Lý do là vì Nga là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về khối lượng hoạt động ngân hàng vận hành SWIFT, hệ thống này được khoảng 400 tổ chức tài chính trong nước sử dụng.

Nga- Trung thúc đẩy giảm phụ thuộc đồng USD.

Ông Artem Tuzov, Giám đốc điều hành bộ phận thị trường vốn của công ty đầu tư Univer Capital nói với hãng tin Prime nhận định, nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến các vấn đề đối với Nga trong thanh toán quốc tế và cơn hoảng loạn trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, ngay cả Hoa Kỳ cũng sẽ gặp khó khăn, ông Tuzov nói.

"Thứ nhất, Mỹ chỉ có ảnh hưởng về giả thuyết đối với hệ thống SWIFT có trụ sở chính tại Bỉ. Thứ hai, Nga có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đủ cứng rắn đối với các ngân hàng và chính trị gia Mỹ, điều này sẽ bất lợi cho một đất nước đang hồi phục sau khủng hoảng" - vị chuyên gia giải thích.

Theo ông, Nga có thể thích ứng không tệ với những hạn chế này - những trường hợp như vậy cũng đã có, ví dụ như Iran. Ngoài ra, vào năm 2014, Nga đã phát triển một giải pháp thay thế cho SWIFT - đó là hệ thống trao đổi tin nhắn tài chính SPFS (The financial messaging system of the Bank of Russia - FMS). Tất cả các ngân hàng và công ty hàng đầu của Nga, cũng như các ngân hàng nước ngoài thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đều được kết nối với hệ thống này.

Nếu như Nga vào năm tới theo kế hoạch sẽ phát hành đồng Rúp kỹ thuật số, thì nhu cầu về một hệ thống thanh toán quốc tế sẽ hoàn toàn biến mất, vì các đối tác sẽ có thể thực hiện thanh toán mà không cần đến nó, chuyên gia cho biết.

Theo ông, việc Nga đột ngột ngắt kết nối với SWIFT có thể gây ra tình trạng dao động tỷ giá dữ dội trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn bất ổn, tỷ giá USD/Ruble sẽ trở lại bình thường. Thanh toán sẽ được thực hiện bằng Euro và Nhân dân tệ thông qua các hệ thống thay thế, chuyên gia kết luận.

Theo Shi Jiayou, Giáo sư tại Trường Luật Đại học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhiệm vụ chủ chốt là phải giảm phụ thuộc vào đồng USD, tăng cường tính đa dạng cho hệ thống tài chính toàn cầu.

“Do phần lớn các giao dịch quốc tế gắn chặt với đồng USD, SWIFT sẽ không thể thoát khỏi lệ thuộc vào Mỹ. Rất khó để kỳ vọng vào bất kỳ cải cách thực sự nào đối với SWIFT trong tình hình hiện nay. Chúng ta cần chủ động thúc đẩy việc đa dạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu, chấm dứt sự bá chủ của đồng USD càng sớm càng tốt, cùng với đó là thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT”, ông Shi Jiayou nêu quan điểm.

Để chấm dứt thế bá chủ của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, điều cốt yếu nhất là phải định ra được các cơ chế mới về thanh toán quốc tế. Một trong những cơ chế đó có thể là đồng tiền điện tử (tiền kĩ thuật số), một công cụ cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới tức thời, không cần đến một hạ tầng tài chính phức tạp cùng với hệ thống ngân hàng tương ứng.

Hôm 22/3 vừa qua, trong cuộc họp trực tuyến với các phóng viên trước chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề cập đến việc Nga- Trung thúc đẩy giảm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào đồng USD, là một quyết định đúng đắn và phù hợp với sự phát triển chủ nghĩa bá quyền của Mỹ thời điểm này và trong tương lai.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ngatrung-euthu-san-kich-ban-out-khoi-swift-3429460/