Nga - Trung Quốc tăng cường quan hệ 'hữu nghị' xây cầu cao tốc mở lưu thông hàng hóa

Hôm qua (10/6), hãng thông tấn TASS đưa tin Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác 'hữu nghị' sau khi bắt đầu lưu thông hàng hóa trên cây cầu đầu tiên bắc qua sông Amur nối Nga với Trung Quốc.

Được biết, cây cầu bắc qua sông Amur nối thành phố Blagoveshchensk của Nga với thành phố Heihe của Trung Quốc. Cây cầu dài hơn 1200m nối giữa thành phố Blagoveshchensk của Nga bắc qua sông Amur, hay Hắc Long Giang theo cách gọi của Trung Quốc, đến thành phố Hắc Hà, Đông Bắc Trung Quốc. Cầu gồm 2 làn xe lưu thông với kinh phi xây dựng khoảng 19 tỷ Ruble (tương đương khoảng 328 triệu USD).

Khánh thành cầu đường bộ đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc. Ảnh: Báo Thái Bình.

Nga, nước đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc tấn công lên Ukraine mà chịu ảnh hưởng không hề nhỏ. Vận chuyển thêm hàng hóa và tăng cường thương mại với một quốc gia "thân thiện" là Trung Quốc, đó là mục đích cây cầu trên được xây dựng.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi hầu hết các đồng minh phương Tây là "không thân thiện", bao gồm Hoa Kỳ, tất cả các nước thành viên EU, Australia, Canada, Nhật Bản và nhiều nước khác. Kể từ đó, bức tranh thương mại được coi là “gắn bó keo sơn” đã chuyển dịch.

Theo TASS, Phó Thủ tướng kiêm Đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Đặc khu Liên bang Viễn Đông Yury Trutnev đã bình luận về việc khánh thành cây cầu sông Amur: "Trong quả địa cầu nứt nẻ ngày nay, cây cầu Blagoveshchensk-Heihe nối giữa Nga và Trung Quốc có một ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt." Đây sẽ là cầu nối hữu nghị mới gắn kết các dân tộc Nga và Trung Quốc khăng khít, bền chặt hơn. "

Những chiếc xe đầu tiên lưu thông qua cầu đường bộ nối Nga và Trung Quốc ngày 10/6. Ảnh: TASS.

Theo một quan chức Nga, cây cầu cao tốc không chỉ có ý nghĩa gắn kết tình cảm của hai dân tộc trên, nó còn sẽ cải thiện mối liên kết hậu cần giữa Nga và Trung Quốc.

Bị phương Tây cô lập, Nga đang ngày càng chuyển hướng nhìn về phía Đông để có quan hệ chặt chẽ hơn với một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Ở châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những khách hàng quan trọng mua dầu của Nga, sau khi châu Âu - khách hàng dầu lớn nhất của nước này trước cuộc xung đột Ukraine đã bắt đầu bật chế độ xa lánh, đồng thời thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu đường biển của Nga sẽ được tuyên bố trong tuần này, điều này sẽ có hiệu lực sau tám tháng.

Các nhà phân tích nghi ngờ rằng thị trường châu Á có thể nhập khẩu toàn bộ 4 triệu thùng/ngày dầu mà Nga đang cung cấp cho châu Âu trước chiến tranh, đặc biệt là vì lệnh cấm dầu đường biển đi đôi với việc cấm các nhà khai thác EU bảo hiểm và tài trợ cho việc vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia thứ ba.

Lê Na (Theo Oil Price)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga--trung-quoc-tang-cuong-quan-he-huu-nghi-xay-cau-cao-toc-mo-luu-thong-hang-hoa-post198670.html