Nga, Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc đua thống lĩnh Bắc Cực

Sau Nga - quốc gia tích cực nhất ở Bắc Cực, Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng hoạt động nhằm tạo ảnh hưởng tại khu vực này.

Vào tháng 1/2018, Bắc Kinh đã xuất bản sách trắng chiến lược Bắc Cực đầu tiên, trong đó tự nhận là một "quốc gia gần Bắc Cực", nói rằng những thay đổi môi trường ở Bắc Cực có "tác động trực tiếp đến hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái của Trung Quốc".

Sách trắng nêu chi tiết kế hoạch của Bắc Kinh về "Con đường tơ lụa Bắc Cực" như một phần của chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhằm xây dựng hành lang thương mại khắp thế giới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường bị phương Tây chỉ trích do lo ngại Trung Quốc khiến các nước đang phát triển rơi vào bẫy nợ, chuyên gia Marc Lanteigne đến từ Đại học Massey ở New Zealand nói rằng một số nước nhỏ ở Bắc Cực muốn xây dựng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Ý tưởng về mối quan hệ đối tác cùng có lợi chính là thông điệp trấn an mà Trung Quốc tìm cách tuyên truyền trong chính sách Bắc Cực của họ, với việc liên tục đề cập đến từ "hợp tác".

Bắc Kinh tuyên bố lý do chính cho mối quan tâm của họ đối với Bắc Cực là nghiên cứu khoa học. Trong sách trắng, Trung Quốc nêu chi tiết mong muốn điều tra các tác động của biến đổi khí hậu để "giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu".

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, lý do thực sự khiến Trung Quốc quan tâm tới Bắc Cực là vì nguồn dầu mỏ, khí đốt tiềm tàng còn nguyên vẹn trong khu vực.

Trung Quốc lần đầu hạ thủy một tàu phá băng.

Một báo cáo của Rachael Gosnell ở Đại học Marland, Mỹ, cho biết Bắc Cực có thể chứa tới một phần ba trữ lượng khí tự nhiên toàn cầu và 13% lượng dầu mỏ toàn cầu.

Gosnell ước tính kim ngạch thương mại hàng năm ở Bắc Cực có thể lên tới 450 tỷ USD, khi những con đường giao thương hàng hải dần lộ diện.

Để cụ thể hóa tham vọng, Trung Quốc đã hạ thủy tàu phá băng thứ hai mang tên Xue Long 2. Chuyến thám hiểm đầu tiên của tàu này dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2019.

Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc nói họ đủ sức tạo ra tàu phá băng có thể phá vỡ được những tảng băng lớn, hoạt động bền bỉ hơn các tàu đóng của nước ngoài trước đây.

Chuyên gia Lanteigne cũng cho rằng, Trung Quốc thực sự muốn chiếm được vị trí mà nước này có thể tranh giành và khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực. "Trung Quốc sẽ ở vị trí rất thuận lợi để tận dụng lợi thế đó", ông nói.

Sự tham gia ngày càng nhiều của Trung Quốc tại Bắc Cực cũng trùng hợp với việc Washington ngày càng ít quan tâm tới khu vực này.

Sau Thế chiến 2, Mỹ có 7 tàu phá băng. Nhưng đến năm 2018, con số này chỉ còn 2 và vẫn cần phải nâng cấp, bảo dưỡng mới có thể hoạt động dài ngày.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Obama từng lên kế hoạch thay thế các tàu phá băng vào năm 2020. Nhưng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, kế hoạch này rơi vào quên lãng.

Lực lượng tuần duyên Mỹ phụ trách các tàu phá băng rơi vào tình trạng cắt giảm ngân sách để tập trung cho an ninh biên giới.

“Bởi vì Bắc Cực không phải ưu tiên của chính quyền Trump nên Trung Quốc coi đây là cơ hội”, ông Lanteigne nói.

Trong khi đó, Nga vẫn là nước tích cực nhất ở Bắc Cực với 40 tàu phá băng. Nhưng vì quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng nên Nga có thể mở đường để Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn ở Bắc Cực.

“Nga nhận ra Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia còn lại có thể giúp phát triển khu vực Siberia”, Lanteigne nói. “Hai quốc gia này đã và đang hợp tác trong các dự án ở Bắc Cực, bao gồm dự án khai thác khí tự nhiên”.

Nga đã mở một chuỗi các căn cứ quân sự và cơ sở khoa học ở Bắc Cực trong những năm gần đây, khi sự quan tâm đến khu vực này đang tăng lên do nhiệt độ ấm lên, băng tan chảy – điều mở ra các tuyến đường vận chuyển và làm cho tài nguyên khoáng sản nơi đây – vốn không thể tiếp cận được – trở nên khai thác dễ dàng hơn.

Ông Putin cũng đã thực hiện một số chuyến đi đến Bắc Cực và vào năm ngoái cho biết, việc thăm dò và khai thác thêm nguyên liệu thô từ khu vực này là "cực kỳ quan trọng".

Hiện kế hoạch xây dựng cảng biển ở khu vực cực bắc của Nga cũng đã được hồi sinh. Dự án trị giá 4 tỷ USD ở vùng Nenets là một trong những kế hoạch chiến lược nhằm mở đường vận tải chạy qua Bắc Cực.

Ước tính, lượng hàng hóa lưu thông qua đây có thể đạt 70 triệu tấn/năm, trong đó 50 triệu tấn là vận chuyển than, được khai thác từ các mỏ lớn nhất của Nga ở vùng lòng chảo Kuznetsk, tây nam Siberia.

Cảng biển này sẽ được huy động vốn cho xây dựng từ cả các nhà đầu tư cá nhân và quốc doanh. Những nhà đầu tư cá nhân được cho là sẽ đóng góp 900 triệu USD vào dự án và còn lại 3 tỷ USD đến từ chính quyền Nga.

Rõ ràng, cả Nga và Trung Quốc đều nhận ra rằng, đầu tư vào Bắc Cực vào thời điểm ít người tham gia và còn ít luật lệ sẽ giúp các nước này có thể thiết lập luật chơi ở Bắc Cực theo hướng có lợi cho mình.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-trung-quoc-vuot-my-trong-cuoc-dua-thong-linh-bac-cuc-3372071/