Nga – Trung trong “cuộc chơi lớn” tại Trung Á

Theo báo chí phương Tây, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) cho phép Trung Quốc "qua mặt" Nga trong "cuộc chơi lớn" giành quyền kiểm soát nguồn trữ lượng tài nguyên thiên nhiên giàu có ở Trung Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình( bên trái).

Theo báo “Độc lập” Nga, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) theo sáng kiến của Trung Quốc đã chính thức đăng ký hoạt động tại Bắc Kinh. Ngân hàng này có sự tham gia của 57 quốc gia.

Theo báo chí phương Tây, AIIB cho phép Trung Quốc "qua mặt" Nga trong "cuộc chơi lớn" giành quyền kiểm soát nguồn trữ lượng tài nguyên thiên nhiên giàu có ở Trung Á.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định điều này không làm suy giảm những ảnh hưởng chính trị của Moscow tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Trung Quốc đã vượt qua Nga và trở thành đối tác thương mại và nguồn cung cấp tín dụng lớn nhất của các quốc gia Trung Á. Các đường ống đang ngày càng bơm thêm nhiều dầu từ Kazakhstan, khí đốt từ Turmenia vào Trung Quốc.

Điều này gây ra nhiều bất lợi cho Nga trong các cuộc đàm phán cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Hơn nữa, hiện Bắc Kinh đang nắm giữ công cụ mới cho việc tăng cường mở rộng trong khu vực.

Đó là AIIB với số vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD. Giám đốc điều hành của Ngân hàng này là cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Kim Lập Quần. Hiện nay, AIIB đã trở thành một tổ chức tài chính có đăng ký và bắt đầu chính thức hoạt động vào đầu năm 2016.

Hơn nữa, từ các bản tin của Kênh truyền hình Bắc Kinh, có thể thấy rõ thể chế tài chính này sẽ sớm bắt đầu các khoản cho vay đầu tiên. Trước tiên, AIIB sẽ tạo ra các dự án giao thông và cải thiện cơ sở hạ tầng tại các thành phố ở nhiều quốc gia châu Á.

Dự kiến, các quốc gia cộng hòa châu Á thuộc Liên Xô cũ sẽ có một chiến thắng lớn từ việc AIIB được thành lập. Raffaello Pantuchi- Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng Gia ở London khẳng định: “Các quốc gia này đã từng là sân sau của Nga và hiện đang ngày càng bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc”.

Theo ông Raffaello, Trung Á đã trở thành nguồn gốc của sự nghi kỵ và e ngại giữa hai cường quốc này. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, khu vực sẽ mang đến nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cũng như thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Hồi tháng 9/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tại thủ đô Astana của Kazakhstan về chương trình xây dựng vành đai Con đường Tơ lụa, được coi là sẽ làm sống lại con đường thương mại cổ xưa và mang đến thịnh vượng cho các quốc gia Trung Á.

Với hứa hẹn sẽ đầu tư hàng trăm triệu USD cho việc cải tạo cơ sở hạ tầng, Bắc Kinh đồng thời đã tính đến cả lợi ích riêng của họ, bởi vì dự án này sẽ sử dụng xi măng, sắt thép vốn đang dư thừa và làm chậm sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, điển hình như tại Khorgos, nơi đang xây dựng khu vực thương mại tự do giữa Trung Quốc và Kazakhstan, rõ ràng các kế hoạch của Trung Quốc không phù hợp với quốc gia láng giềng này.

Yang Shu - Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Á tại Đại học Tổng hợp ở thành phố Lan Châu (Trung Quốc) gọi việc xây dựng khu vực thương mại tự do ở Khorgos là sai lầm vì dân số ở đây quá ít.

Theo ông Pantuchi, những khó khăn kinh tế và mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng đã đưa Moscow và Bắc Kinh hiện hữu trong khu vực. Theo một thỏa thuận trong khu vực, Moscow sẽ chịu trách nhiệm chính về giữ gìn an ninh, còn Bắc Kinh hứa sẽ hợp tác với Nga trong lĩnh vực kinh tế.

Nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu Aleksandr Isaev của Viện Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết sự "phân công lao động" giữa Nga và Trung Quốc đang gây ra sự nghi ngờ.

“Trên thực tế, Trung Á là một phần của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trung Á sẽ được cùng giải quyết các vấn đề về kinh tế và an ninh trong SCO. Chính bởi vậy, những mối đe dọa trong khu vực cũng chính là mối đe dọa đối với cả Nga và Trung Quốc. Lực lượng Hồi giáo cấp tiến hoạt động trên lãnh thổ Tajikistan đang tìm cách xâm nhập vùng tự trị Tân Cương của Trung Quốc. An ninh ở đây chính là sự quan tâm của cả Nga lẫn Trung Quốc”. Ông Isaev nhấn mạnh.

Khi đề cập đến nghi ngại Trung Quốc đang muốn lật đổ Nga, chuyên gia này cho rằng điều này không đáng tin cậy. Bắc Kinh không có mục đích như vậy. Vấn đề ở chỗ tình hình kinh tế nước Nga hiện nay không cho phép gia tăng sự hiện diện của mình trong khu vực.

Mặt khác,chính Trung Quốc cũng đang đối mặt với những khó khăn lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Kazakhstan đã giảm tới 40%.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất tại Nga.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nga-trung-trong-cuoc-choi-lon-tai-trung-a-post190912.info