Nga tự cô lập hay cảnh giác đúng lúc?

Nga muốn ngăn chặn những hậu quả tiêu cực trong trường hợp bị ngắt kết nối từ mạng lưới toàn cầu, vốn chỉ được quản lý chủ yếu ở nước ngoài.

Nga phòng bị ngắt Internet

Ngày 23/12, Nga đã thực hiện các cuộc thử nghiệm để đảm bảo "an ninh" hạ tầng Internet của nước này trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công mạng từ nước ngoài. Dự kiến, hệ thống mới của Nga sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021.

Phát biểu trước báo giới ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ Truyền thông Nga Alexei Sokolov cho biết kết quả thử nghiệm cho thấy cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Nga được trang bị đầy đủ năng lực sẵn sàng ứng phó với mọi nguy cơ cũng như các mối đe dọa, đồng thời bảo toàn hệ thống Internet và mạng viễn thông nước này.

Theo kế hoạch, các kết quả thử nghiệm sẽ được đệ trình Tổng thống Nga Vladimir Putin và cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành thêm nhiều cuộc thử nghiệm trong tương lai.

Nga cảnh giác khả năng bị ngắt kết nối Internet từ bên trong và từ bên ngoài

Kênh truyền hình quốc gia Rossiya 24 của Nga đưa tin, các cuộc thử nghiệm trên thực tế đã diễn ra trong 2 tuần qua. Ngoài việc xác định mức độ an toàn của hệ thống Internet trước mối đe dọa tấn công, các cuộc thử nghiệm còn nhằm đảm bảo sự an toàn đối của người sử dụng thiết bị di động và xác định liệu trong trường hợp các vụ tấn công xảy ra có làm gián đoạn hoạt động gửi tin nhắn văn bản hay không.

Các cuộc thử nghiệm diễn ra sau khi luật Internet mới của Nga có hiệu lực từ tháng 11/2019, theo đó yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet của Nga lắp đặt các thiết bị có khả năng kiểm soát lưu lượng thông tin dữ liệu do chính phủ cung cấp. Ngoài ra, các thiết bị này sẽ lọc nội dung để ngăn chặn người dùng Internet tiếp cận các trang thông tin thuộc dạng cấm.

Ngoài ra, Nga cũng đã ban hành luật quản lý thiết bị điện tử thông minh, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2020. Những người ủng hộ dự luật cho rằng đây là biện pháp của Chính phủ Nga nhằm đảm bảo các trang thông tin điện tử của nước này có thể hoạt động trong trường hợp không thể kết nối với máy chủ ở nước ngoài hoặc trong trường hợp bị tấn công từ nước ngoài.

Nga đánh giá chiến lược an ninh mạng của Mỹ là "hung hăng"

Riêng luật “Internet chủ quyền” được Nga ban hành vào tháng 11 vừa qua nhằm chống lại “bản chất hung hăng” của chiến lược an ninh mạng quốc gia Mỹ, từng cáo buộc Moscow thực hiện các cuộc tấn công mạng. Theo luật, tất cả các nhà khai thác truyền thông, người đưa tin và nhà cung cấp thư điện tử, cũng như các tổ chức nhà nước và dịch vụ bảo mật đều phải tham gia vào các cuộc thử nghiệm.

Trong cuộc họp báo thường niên hôm 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận việc Chính phủ của ông đang tìm cách hạn chế tự do Internet, đồng thời nhấn mạnh rằng một mạng lưới Internet tự do và một mạng lưới Internet chủ quyền không mâu thuẫn với nhau.

Ông nói: “Luật này chỉ nhắm vào một điều - ngăn chặn những hậu quả tiêu cực của việc bị ngắt kết nối từ mạng lưới toàn cầu, vốn chỉ được quản lý chủ yếu ở nước ngoài. Chúng tôi không tiến tới việc ngắt Internet và không có ý định làm việc đó”.

Quân nhân Nga sử dụng điện thoại thông minh

Vấn đề gây tranh cãi hiện nay là việc luật yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Nga phải cài đặt thiết bị có khả năng xác định và lọc lưu lượng truy cập mạng từ bên ngoài quốc gia. Điều đó về mặt lý thuyết giúp Chính phủ Nga có thể ngắt Internet Nga khỏi phần còn lại của mạng lưới toàn cầu, tương tự như cái được gọi là “Tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, mạng lưới Internet nội địa của Nga được đánh giá là không phát triển dựa trên mạng lưới tập trung. Điều này khiến việc ngắt Internet Nga ra khỏi mạng toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

Cái lý của người Nga

Theo luật “Internet chủ quyền”, trong trường hợp có mối đe dọa, cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor của Nga có thể quản lý tập trung mạng lưới Internet toàn quốc. Reuters trích dẫn một số nguồn tin cho biết trong bài thử nghiệm hồi tháng 9, các nhà khai thác lớn đã bắt đầu cài đặt thiết bị trên mạng của họ ở thành phố Tyumen của Siberia, theo yêu cầu của luật “Internet chủ quyền”. Một trong những nguồn tin này phản ảnh rằng chất lượng thông tin liên lạc khi thực hiện các bài thử nghiệm này giảm đi đáng kể.

Bất chấp những ý kiến lo ngại, ông Guy Willner – người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Cơ quan điều hành trung tâm dữ liệu trung lập Ixcellerate (Nga) lại cảm thấy lạc quan hơn nhiều. Theo ông, đầu tiên, cần làm rõ sự khác biệt giữa "chủ quyền dữ liệu" và "chủ quyền Internet".

Người Nga có lý khi tự vệ trên môi trường mạng

Luật về chủ quyền dữ liệu đã được ban hành vào năm 2015 nhằm hướng dẫn và bảo vệ các quyền pháp lý của công dân Nga. Nó đảm bảo rằng bản sao chính của dữ liệu này được đặt, thường là trên một máy chủ vật lý, ở trong nước Nga.

Tất cả các doanh nghiệp quốc tế muốn hoạt động trong thị trường Internet lớn nhất châu Âu này phải tuân thủ luật này. Do đó, việc ban hành luật này mang lại một sự thúc đẩy đáng kể cho ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu trong nước.

Còn chủ quyền Internet là về các mạng lưới theo dõi lưu lượng truy cập mạng, hạ tầng Internet và việc bảo vệ khỏi ngắt kết nối mạng bất ngờ từ bên ngoài hoặc bên trong nước Nga.

Quá trình được phản ánh trong luật “Internet chủ quyền” nhằm mục đích khiến cho Internet Nga trở nên linh hoạt hơn, điều này là bình thường và được mong đợi trong môi trường toàn cầu hiện nay.

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia ban hành luật chủ quyền dữ liệu, trong đó có Mỹ, Brazil, Indonesia, Đức, Pháp và các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). Sự ra đời của các luật như vậy là một quá trình bình thường để tái cân bằng năng lực của Internet và chia sẻ nó đồng đều hơn trên hơn 200 quốc gia toàn cầu.

Nga tự cô lập vì quá cảnh giác?

Internet Nga rất lớn và được tích hợp hoàn toàn vào mạng lưới toàn cầu, với phần lớn các doanh nghiệp và thậm chí các tổ chức chính phủ phụ thuộc vào các dịch vụ đám mây từ cả các nhà cung cấp trong nước và quốc tế. Trong những trường hợp này, việc chặn Internet sẽ đồng nghĩa với sự gián đoạn đáng kể đối với nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, có những lợi ích rõ ràng về chủ quyền Internet đối với Nga vượt ra ngoài an ninh quốc gia. Hạ tầng Internet mạnh hơn sẽ khuyến khích các công ty quốc tế thiết lập hệ thống của họ ở trong nước Nga, dẫn đến sự gia tăng việc làm và đầu tư trong ngành công nghệ cũng như sự phát triển của thị trường trung tâm dữ liệu.

Nga hiện là thị trường Internet lớn nhất ở châu Âu. Giới chuyên gia đánh giá đây là một không gian thú vị bởi vì một mặt nó được bảo vệ, một phần do ngôn ngữ và bộ ký tự, một phần do các doanh nghiệp gia đình tạo lập. Ngoài ra, Nga nằm trên tuyến đường trực tiếp từ châu Á đến châu Âu, và Moscow là một trung tâm quan trọng.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-tu-co-lap-hay-canh-giac-dung-luc-3393931/