Nga tự tin nếu bị Mỹ ngắt kết nối với SWIFT

Chuyên gia Nga cho biết, từ năm 2014 nước này đã phát triển một giải pháp thay thế cho SWIFT.

Nga đã phát triển giải pháp thay thế SWIFT

Ngày 31/12/2020, tờ Sputnik (Nga) cho biết, Mỹ đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, viện cớ do cuộc tấn công của tin tặc. Người Mỹ đe dọa sẽ ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2020, các chuyên gia Nga cũng đã dự đoán, các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” sẽ nhằm vào Nga sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Theo đó, các chuyên gia nhận định, các hạn chế trong tương lai có thể ảnh hưởng đến những điểm kinh tế nhức nhối nhất. Đặc biệt, biện pháp trừng phạt có thể tạo ra các vấn đề đối với việc tiếp cận thị trường thế giới của các ngân hàng Nga, ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT, đưa ra lệnh cấm giao dịch với chứng khoán nợ của Nga và cấm các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào các dự án năng lượng của Moscow.

Trên thế giới đã có một số tiền lệ. Triều Tiên và Iran đã bị loại khỏi SWIFT, gây ra tác động lớn trong quá trình xử lý các giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế với hai nước này.

Một số ý kiến cho rằng, nguy cơ Nga rút khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là rất nghiêm trọng. Lý do là vì Nga là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về khối lượng hoạt động ngân hàng vận hành SWIFT, hệ thống này được khoảng 400 tổ chức tài chính trong nước sử dụng.

Ông Artem Tuzov, Giám đốc điều hành bộ phận thị trường vốn của công ty đầu tư Univer Capital nói với hãng tin Prime nhận định, nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến các vấn đề đối với Nga trong thanh toán quốc tế và cơn hoảng loạn trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, ngay cả Hoa Kỳ cũng sẽ gặp khó khăn, ông Tuzov nói.

Nga đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống thanh toán riêng của mình và nếu có điều gì xấu xảy ra, toàn bộ hoạt động theo định dạng SWIFT sẽ chạy ổn trong nước Nga. Ảnh: Reuters

Nga đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống thanh toán riêng của mình và nếu có điều gì xấu xảy ra, toàn bộ hoạt động theo định dạng SWIFT sẽ chạy ổn trong nước Nga. Ảnh: Reuters

"Thứ nhất, Mỹ chỉ có ảnh hưởng về giả thuyết đối với hệ thống SWIFT có trụ sở chính tại Bỉ. Thứ hai, Nga có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đủ cứng rắn đối với các ngân hàng và chính trị gia Mỹ, điều này sẽ bất lợi cho một đất nước đang hồi phục sau khủng hoảng", vị chuyên gia giải thích.

Theo ông, Nga có thể thích ứng không tệ với những hạn chế này - những trường hợp như vậy cũng đã có, ví dụ như Iran. Ngoài ra, vào năm 2014, Nga đã phát triển một giải pháp thay thế cho SWIFT - đó là hệ thống trao đổi tin nhắn tài chính SPFS (The financial messaging system of the Bank of Russia - FMS). Tất cả các ngân hàng và công ty hàng đầu của Nga, cũng như các ngân hàng nước ngoài thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đều được kết nối với hệ thống này.

Nếu như Nga vào năm tới theo kế hoạch sẽ phát hành đồng Rúp kỹ thuật số, thì nhu cầu về một hệ thống thanh toán quốc tế sẽ hoàn toàn biến mất, vì các đối tác sẽ có thể thực hiện thanh toán mà không cần đến nó, chuyên gia cho biết.

Theo ông, việc Nga đột ngột ngắt kết nối với SWIFT có thể gây ra tình trạng dao động tỷ giá dữ dội trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn bất ổn, tỷ giá USD/Ruble sẽ trở lại bình thường. Thanh toán sẽ được thực hiện bằng Euro và Nhân dân tệ thông qua các hệ thống thay thế, chuyên gia kết luận.

Hợp tác Nga-Trung giảm dần phụ thuộc vào USD

Không chỉ Nga, Trung Quốc cũng đã có bước chuẩn bị cho việc bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Washington dù nhiều ý kiến cho rằng viễn cảnh Mỹ cấm vận SWIFT nhằm vào Trung Quốc ít có khả năng xảy ra.

Ngày nay, phần lớn các giao dịch quốc tế của Trung Quốc được thực hiện bằng đồng USD. NDT chỉ chiếm khoảng 19% tổng thanh toán quốc tế của Trung Quốc trong năm 2019.

Hồi tháng 6/2020, ông Phạm Tây Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, đã lưu ý rằng trong tương lai có khả năng đồng USD mất giá mà như thế cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc vì Bắc Kinh có khoảng 2 nghìn tỷ USD dưới dạng đầu tư phi tài chính ở nước ngoài.

"Nếu tài sản nước ngoài của chúng tôi bằndãndT, thì sẽ không có nỗi sợ hãi như vậy", ông Phạm Tây Hải nói đồng thời nhấn mạnh “việc quốc tế hóa NDT sẽ cho phép chúng tôi bù đắp cho áp lực tài chính từ bên ngoài".

Trung Quốc đã xây dựng Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS), tuy nhiên, việc sử dụng CIPS vẫn chưa thực sự phổ biến. Đơn cử, CIPS mới chỉ xử lý khoảng 19,4 tỷ USD giao dịch/ngày trong năm ngoái, trong khi đó con số này của SWIFT là 5.000 tỷ USD/ngày.

Năm 2019, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Nga và Trung Quốc đã đồng ý hợp nhất hệ thống cho các khoản thanh toán quốc tế.

Theo đó, SFPS cung cấp các giao dịch bằng đồng Rúp, CIPS thì bằng NDT. Việc này đem lại niềm tin rằng người dùng không phụ thuộc vào Mỹ và SWIFT, đồng thời thoát khỏi nhu cầu thanh toán bằng USD, làm suy yếu vị thế của USD như là một đồng tiền dự trữ.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) trong nhiều năm qua cũng đã nghiên cứu phát triển đồng NDT kĩ thuật số. Đồng tiền điện tử này đã được thử nghiệm tronng phạm vi giới hạn ở bốn tỉnh, thành phố và sẵn sàng cho việc phát hành, lưu thông trên diện rộng.

Dự kiến, đồng NDT kĩ thuật số sẽ thay thế giao dịch tiền mặt và cũng là đồng tiền hiến định như đồng NDT thông thường. Nếu dự án này thành công, Trung Quốc sẽ là cường quốc tài chính lớn đầu tiên trên thế giới đưa đồng tiền kĩ thuật số quốc gia vào lưu thông. Nó sẽ mở ra một chân trời mới cho tiến trình quốc tế hóa đồng NDT.

Sự chi phối của Mỹ với SWIFT

SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication) là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế, giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin.

Thành lập năm 1973, hiện SWIFT có hơn 11 nghìn tổ chức tại 200 quốc gia. Kể từ đầu năm, hơn 4 tỷ thanh toán đã được chuyển qua hệ thống này.

SWIFT là một doanh nghiệp tư nhân, nhưng vì được thanh toán bằng đồng USD nên phụ thuộc rất nhiều vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Về mặt kĩ thuật, SWIFT là thiết chế đa phương, có trụ sở đặt tại Bỉ. Nhưng trên thực tế, Mỹ thể hiện sức mạnh tài phán ngày một lớn đối với SWIFT và sử dụng cơ chế này như là một công cụ để thực thi chính sách cấm vận. Vì lẽ đó SWIFT chịu ảnh hưởng lớn của Mỹ.

Theo ông Xu Xuemei, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, Mỹ đã từng nhiều lần ép buộc SWIFT thực thi cấm vận chống Triều Tiên và Iran. Do là phần quan trọng nhất trong hạ tầng tài chính quốc tế, SWIFT không thể phớt lờ các yếu tố chính trị và sự bá chủ của đồng USD.

SWIFT vì thế vẫn sẽ là cơ chế để Mỹ viện tới nhằm thực hiện các đòn cấm vận tài chính. Ông phân tích, Chủ tịch SWIFT là một đại diện của Mỹ, còn Giám đốc điều hành là một người châu Âu, một cơ chế như vậy không thể bảo đảm tính công bằng, trung lập cho SWIFT.

Tuy nhiên, xét dưới góc độ khung thể chế, SWIFT chính thức chịu quy định của pháp luật châu Âu, chứ không phải Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ, đồng USD vẫn có vị thế quá lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đó là lý do tại sao SWIFT cũng như nhiều tổ chức đa phương khác không thể phớt lờ ý kiến của Mỹ.

Theo Shi Jiayou, Giáo sư tại Trường Luật Đại học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhiệm vụ chủ chốt là phải giảm phụ thuộc vào đồng USD, tăng cường tính đa dạng cho hệ thống tài chính toàn cầu.

“Do phần lớn các giao dịch quốc tế gắn chặt với đồng USD, SWIFT sẽ không thể thoát khỏi lệ thuộc vào Mỹ. Rất khó để kỳ vọng vào bất kỳ cải cách thực sự nào đối với SWIFT trong tình hình hiện nay. Chúng ta cần chủ động thúc đẩy việc đa dạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu, chấm dứt sự bá chủ của đồng USD càng sớm càng tốt, cùng với đó là thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT”, ông Shi Jiayou nêu quan điểm.

Để chấm dứt thế bá chủ của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, điều cốt yếu nhất là phải định ra được các cơ chế mới về thanh toán quốc tế. Một trong những cơ chế đó có thể là đồng tiền điện tử (tiền kĩ thuật số), một công cụ cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới tức thời, không cần đến một hạ tầng tài chính phức tạp cùng với hệ thống ngân hàng tương ứng.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nga-tu-tin-neu-bi-my-ngat-ket-noi-voi-swift-3425305/