Nga tự tin sở hữu vũ khí 'chưa nước nào có'

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đang sở hữu các loại vũ khí tiên tiến mà chưa nước nào có khả năng chế tạo, đặc biệt là vũ khí siêu thanh.

“Vũ khí chưa nước nào có”

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định mặc dù Nga đang sở hữu nhiều mẫu vũ khí mà các nước khác không có, như vũ khí siêu thanh, các chuyên gia của nước này vẫn tiếp tục tiến hành chế tạo thêm các loại vũ khí tiên tiến khác.

Trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình RT, Al Arabiya và Sky News Arabia mới đây, ông Putin cho biết: “Đó là các tổ hợp tên lửa có thể bay theo quỹ đạo phẳng với tốc độ siêu thanh. Đây là các loại mà chưa nước nào có. Trong quân đội của các quốc gia hàng đầu trên thế giới, trước sau gì cũng sẽ có loại vũ khí này. Nhưng khi đó, chúng tôi đã có loại vũ khí khác rồi. Tôi biết các nhà khoa học, các công trình sư và các kỹ sử của chúng tôi đang nghiên cứu các loại vũ khí nào”.

Tổng thống Nga V. Putin trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình RT, Al Arabiya và Sky News Arabia hôm 13/10

Trả lời câu hỏi về việc Mỹ tiếp tục bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa sát biên giới Nga, Tổng thống Putin nhấn mạnh đây là nỗ lực nhằm vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của Nga nhưng không có tác dụng. Bên cạnh đó, ông Putin cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ đơn thuần là một công cụ chính trị của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nga nói: “Chúng rất gần với biên giới của chúng tôi. Và điều này, tất nhiên, đặt ra một mối đe dọa cho chúng tôi, bởi vì đó là nỗ lực nhằm san bằng tiềm năng hạt nhân chiến lược của chúng tôi. Nhưng nỗ lực này rõ ràng đã thất bại”.

Những đánh giá trên được Tổng thống Putin đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Mỹ quyết tâm trong cuộc “đua” tên lửa với Nga và cả Trung Quốc sau khi đơn phương hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi đầu tháng 8. Hiệp ước này quy định hai bên hủy bỏ việc sử dụng các loại tên lửa thông thường và hạt nhân có tầm bắn từ 500-5.000 km. Một cột trụ khác, Hiệp ước New Start, sắp hết hạn vào năm 2021, cũng đang bị đe dọa.

Ngày 18/8, Mỹ tiến hành đợt thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Một nước thứ ba quan trọng cũng bước vào cuộc chơi này là Trung Quốc, vốn sở hữu đến hơn 2.600 tên lửa tầm trung. Một kho vũ khí có thể gây khó khăn cho sự thống trị của Mỹ tại Thái Bình Dương, đồng thời cũng có thể nhắm đến sườn phía đông của Nga.

Các loại siêu vũ khí được Tổng thống Nga giới thiệu hồi tháng 3/2018

Trong Thông điệp liên bang ngày 1/3/2018, Tổng thống Putin đã dành một chương dài nói về việc phát triển các loại tên lửa mới. Khi đó, ông Putin tiết lộ một bộ vũ khí vốn chỉ có trong các bộ phim viễn tưởng "Chiến tranh giữa các vì sao" như ngư lôi hạt nhân Poseidon (Thần biển), tàu lượn siêu thanh Avangard, vũ khí laser Peresvet, tên lửa siêu thanh Kinzhal, tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat, tên lửa có động cơ hạt nhân Burevestnik.

Phương Tây đặc biệt chú ý tới loại tên lửa Burevestnik với thông tin rằng nó có khả năng bay rất thấp, từ 50-100m, khó bị phát hiện, có khả năng tránh được các hệ thống chống tên lửa và có tầm bắn gần như vô hạn. Theo ông Putin, đây là một loại vũ khí bất khả chiến bại.

Phương Tây nữa tin nửa ngờ...

Đánh giá về các loại vũ khí mới mà Nga công khai phát triển, chuyên gia Dmitry Stefanovich thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách an ninh (IFSH) của trường Đại học Hambourg (Đức) tỏ ra hoài nghi. Ông nói: “Các thông số kỹ thuật của những loại vũ khí này không được công bố, nhưng tôi cho rằng chúng không có sự đột phá về công nghệ và chiến lược. Đó chẳng qua là vì những thứ vũ khí này khai thác được một cách tốt nhất các khái niệm và khả năng hiện có, được tối ưu hóa nhờ những chất liệu mới và khả năng thu nhỏ”.

Còn chuyên gia Igor Delanoe cho rằng “nước Nga đang trong một logic đối thoại có tính toán với Mỹ. Vấn đề không chỉ là tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang bằng cách chế tạo các loại tên lửa mà Nga còn muốn chứng tỏ với Mỹ rằng Nga có thể tránh được hệ thống phòng không của Mỹ, và mọi nỗ lực của Washington nhằm củng cố hệ thống này chỉ tốn công vô sức mà thôi”.

Nga muốn chứng minh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là vô giá trị?

Giới phân tích phương Tây cũng nghi ngờ khả năng thực sự của Nga trong việc phát triển các mẫu vũ khí mới, nhất là sau vụ nổ gây chết người tại bãi thử hạt nhân Nyonoksa của Nga hôm 8/8. Vụ nổ ngay lập tức được liên hệ với tên lửa hành trình có năng lực hạt nhân 9M730 Burevestnik được Tổng thống Putin tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2018.

Chuyên gia người Pháp Corentin Brustlein khi đó đã đưa ra đánh giá: “Về lý thuyết, điều này cũng giải phóng bạn khỏi sự hạn chế về số lượng nhiên liệu mà bạn có thể mang theo. Với tầm bắn không giới hạn này, bạn có thể thực hiện các cuộc chuyển hướng quan trọng để tấn công đối thủ tại các khu vực sơ hở, sử dụng các đường đạn không bị giám sát và cản trở, đột kích các radar của Mỹ cũng như các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của họ”.

Theo chuyên gia Pháp, “Tổng thống Putin muốn cho thấy rằng Nga đang phát triển những hệ thống mà Mỹ không có, và rằng họ đang duy trì một sự cạnh tranh công nghệ”.

Các chuyên gia Mỹ cũng tin rằng tên lửa gặp sự cố là loại siêu thanh 9M730 Burevestnik hay còn gọi là "chim bão", còn NATO định danh là SSC-X-9 Skyfall. Kênh CNBC của Mỹ thì bình luận vụ nổ này xảy ra trong cái dường như là vụ thử tên lửa hạt nhân của Nga cho thấy Moscow có thể đang theo đuổi công nghệ nguy hiểm nhằm đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tên lửa Sarmat của Nga được phóng từ hầm phóng cố định

Cheryl Rofer, nhà hóa học nghỉ hưu từng làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, nơi “khai sinh” ra bom nguyên tử của Mỹ, cho rằng Nga sẽ không bao giờ thành công. Bà viết: “Các tính toán cơ bản về kỹ thuật cho thấy một tên lửa sử dụng động cơ hạt nhân với nguồn năng lượng rất nhỏ như vậy sẽ rất khó khăn hoặc không thể chế tạo được”.

Chuyên gia này cho rằng Nga vẫn ôm một nỗi “ám ảnh” về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ từ suốt Chiến tranh Lạnh và từ thời của cựu Tổng thống Ronald Reagan, người đã ca ngợi chương trình Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, hay còn gọi là “Chiến tranh giữa các Vì sao”. Ông nói thêm: “Họ lo ngại rằng một ngày nào đó Mỹ sẽ có khả năng vô hiệu hóa kho vũ khí của họ bằng các phương tiện phòng thủ và tấn công. Nga đang gia tăng các lựa chọn để chắc chắn về khả năng xâp nhập hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”.

Sau vụ nổ hôm 8/8 ở Nga, trong một tuyên bố trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ đã nắm khá rõ về vụ nổ của một tên lửa bị lỗi ở Nga, đồng thời khẳng định Mỹ có một công nghệ tương tự nhưng tiên tiến hơn của Nga. Vào những năm 1960, Mỹ từng nghiên cứu một loại tên lửa hạt nhân tương tự, được gọi là Dự án Pluton (Dự án sao Diêm Vương), nhưng nhanh chóng bị quên lãng.

Tại Nga, chuyên gia quân sự nổi tiếng Alexander Golts mô tả tên lửa này là “hoàn toàn vô dụng và không cần thiết”. Ông cho rằng mục đích của Kremlin có thể vượt lên trên chiến lược quân sự đơn thuần. Theo đó, việc thể hiện sự vượt trội trong quân sự luôn là một lá bài quan trọng của Nga.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-tu-tin-so-huu-vu-khi-chua-nuoc-nao-co-3389516/