Nga tung bằng chứng Su-35 'tóm sống' tiêm kích tàng hình F-22

Không quân Nga vừa công bố một bức ảnh chụp cho thấy tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ đã lộ diện hoàn toàn trước hệ thống chỉ thị mục tiêu của chiến đấu cơ Su-35.

F-22 Raptor là chiếc tiêm kích tàng hình tối tân nhất hiện nay của Không quân Mỹ, sức mạnh chủ yếu của nó ở khả năng tán xạ sóng radar và che giấu tín hiệu hồng ngoại khiến đối phương không thể phát hiện ra mình.

Tuy nhiên người Nga luôn cho rằng F-22 mặc dù có lợi thế nhưng tiêm kích tiên tiến nhất hiện nay của họ là Su-35 hoàn toàn đủ khả năng phát hiện ra F-22 trong điều kiện không chiến.

Radar mảng pha quét thụ động N035 Irbis trang bị cho Su-35 có tầm trinh sát tối đa lên tới 400 km, nó có thể phát hiện ra chiếc F-22 khi ở trong một cự ly phù hợp.

Bên cạnh radar N035 Irbis, trên tiêm kích Su-35 còn có hệ thống trinh sát quang điện tử OLS-35, đây cũng là phương tiện đủ khả năng nhận diện sát thủ tàng hình của Mỹ, thậm chí còn tốt hơn radar Irbis.

Mặc dù Nga vẫn tuyên bố như trên, tuy nhiên trước đó chưa có bằng chứng nào cho thấy chiến đấu cơ Su-35 thực sự có khả năng làm được điều này.

Phải tới cuộc chiến Syria thì mới xảy ra một tình huống như vậy, khi máy bay cường kích Su-25 của Nga bị F-22 của Mỹ bám sát, phi công lái Su-25 đã cấp tốc báo về căn cứ xin chi viện.

Nhận được tín hiệu cầu cứu, một tốp tiêm kích Su-35 của Nga đã lập tức bay lên tiếp ứng, trước tình hình trên thì chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ đã bỏ đi.

Mặc dù vậy, tiêm kích Su-35 vẫn kịp thực hiện thao tác "khóa cứng" chiếc F-22 của Mỹ bằng hệ thống trinh sát quang điện tử OLS-35 của mình, chứng minh Su-35 thực sự đủ khả năng nhận diện F-22.

Vụ việc trên làm nhớ lại sự kiện máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ cũng đã bị tiêm kích Eurofighter Typhoon dùng camera hồng ngoại nhận diện khi nó tham gia một cuộc tập trận với đồng minh.

Tuy nhiên vấn đề gây tranh cãi hiện nay lại xoay quanh việc tình huống mà Su-35 nhận diện được F-22 bằng OLS-35 không nói lên nhiều ý nghĩa trong thực chiến vì cự ly tiếp cận là quá gần.

Hơn nữa hiện nay khi hoạt động thì các tiêm kích tàng hình đều đeo thiết bị làm tăng diện tích phản xạ radar mang tên Luneberg Lens nhằm che giấu chỉ số RCS thật của mình.

Trong một cuộc tập trận của tiêm kích J-20, mặc dù nó bị Su-30MKI của Ấn Độ nhận biết từ bên kia biên giới nhưng các tướng lĩnh Trung Quốc không e ngại điều này, bởi khi bỏ Luneberg Lens ra thì cự ly J-20 có thể bị phát hiện không đủ bảo đảm an toàn cho đối phương.

Với việc được lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động, các tiêm kích thế hệ 5 có khả năng thấy trước và bắn trước tiêm kích đối phương từ cự ly rất xa so với khoảng cách mà nó có thể bị nhận biết.

Bởi vậy có lẽ phía Mỹ cũng không cảm thấy phải băn khoăn khi F-22 của họ bị Su-35 "tóm sống" bằng thiết bị trinh sát quang học OLS-35 ở cự ly gần như vậy.

Trong tác chiến thực tế, cơ hội để Su-35 tiếp cận F-22 trong khoảng cách có thể nhìn thấy bằng mắt thường như khi nó lên hỗ trợ cho Su-25 là không thể xảy ra.

Về phần mình, khi đã chứng minh rằng Su-35 có thể dùng OLS-35 để phát hiện F-22 thì bước tiếp theo mà người Nga cần làm chính là mở rộng phạm vi hoạt động cho nó thêm nhiều lần so với hiện nay.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-tung-bang-chung-su35-tom-song-tiem-kich-tang-hinh-f22/784087.antd