Nga từng bước hiện đại hóa hệ thống cảnh báo sớm tên lửa

Theo kết quả mới nhất của các giai đoạn hiện đại hóa, hệ thống tên lửa cảnh báo sớm của Nga đã vượt qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và đang sẵn sàng cho các nhiệm vụ chiến đấu thực tiễn.

Việc triển khai một chương trình quy mô lớn nhằm hiện đại hóa hệ thống cảnh báo tấn công bằng tên lửa (EWS) vẫn đang được tiếp tục ở Nga. Theo kế hoạch, nước này tiến hành xây dựng các cơ sở mới song song với việc cải tạo các cơ sở hiện có.

Trạm radar Voronezh-M gần Mishelevka, vùng Irkutsk. (Nguồn: Top War)

“Thay máu” hệ thống radar lỗi thời

Trong những năm gần đây, nhằm thực hiện cập nhật hệ thống cảnh báo sớm thành công, Bộ Quốc phòng Nga đã triển khai một số biện pháp phòng bị quan trọng, trong đó, đặc biệt chú trọng việc tái cấu trúc nền tảng của hệ thống như thay loại radar lỗi thời, xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm radar dòng Voronezh.

Bên cạnh đó, Nga cũng triển khai đơn vị vũ trụ, đổi mới các sở chỉ huy, thiết bị thông tin liên lạc,...

Hồi đầu tháng 1, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã hoàn thành quá trình cải tạo hoàn chỉnh trung tâm điều khiển cấp độ không gian của hệ thống cảnh báo sớm. Quy mô và hiệu quả của hệ thống này hứa hẹn phát triển chỉ trong một vài năm tới.

Gần đây, quân đội Nga và một tập đoàn công nghiệp quốc phòng của nước này đã hoàn thành các thử nghiệm cấp nhà nước đối với việc cập nhật hệ thống cảnh báo sớm và bộ chỉ huy trung tâm. Ở giai đoạn hiện tại, hệ thống với cấu hình hiện có sẽ tiếp quản nhiệm vụ ở tình trạng cảnh báo.

Một đặc điểm quan trọng của quá trình hiện đại hóa hiện nay là vẫn đảm bảo nhiệm vụ, đồng thời thay thế thiết bị mà không cần loại bỏ các tổ hợp khỏi nhiệm vụ chiến đấu.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga năm 2020, hệ thống cảnh báo sớm đã phát hiện và theo dõi hơn 80 vụ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa không gian ở một số quốc gia.

Kế hoạch cho tương lai

Những thành công gần đây góp phần khẳng định tiềm năng và tính hiệu quả khi theo đuổi kế hoạch cải thiện hệ thống cảnh báo sớm tên lửa.

Nga cũng chú trọng xây dựng các trạm radar đường chân trời thuộc dòng Voronezh. Các trạm radar kiểu Voronezh-SM mọc lên gần khu vực Vorkuta và Sevastopol. Trong đó, trạm Voronezh-VP hoạt động gần thành phố Olenegorsk, còn các trạm ở Voronezh, Vorkuta và Olenegorsk sẽ nhận nhiệm vụ vào năm sau... Các trạm radar mới sẽ mô phỏng hoặc thay thế các trạm hiện có.

Như vậy, sự xuất hiện của Voronezh-VP ở Olenegorsk hoàn toàn có thể dẫn tới khả năng đóng cửa trạm radar lớp Dnepr.

Ngoài ra, các kế hoạch triển khai cấp độ không gian của hệ thống cảnh báo sớm cũng sẽ được tiến hành trong thời gian tới đây. Năm ngoái, Nga phóng vệ tinh thứ tư thuộc dòng 14F142 Tundra và đã đi vào quỹ đạo, hoạt động như một phần của Hệ thống Không gian Thống nhất Kupol.

Về trung tâm điều khiển, theo kế hoạch đề ra đến năm 2024, Nga sẽ bổ sung 10 đơn vị điều khiển, cho phép vệ tinh Tundra giám sát toàn bộ bề mặt của hành tinh.

Triển vọng cảnh báo phòng không

Chương trình hiện đại hóa hệ thống cảnh báo sớm được bắt đầu nửa thế kỷ trước, từ việc xây dựng các cơ sở mới trên mặt đất. Đến nay, một trường radar khép kín đã được hình thành dọc theo chu vi đất nước với khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 6.000km.

Voronezh là loại radar có độ nhạy rất cao, giúp đơn giản hóa công việc xây dựng và lắp đặt thiết bị, đẩy nhanh quá trình xây dựng. Dự kiến, 3 trạm Voronezh nữa sẽ được đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Các radar cảnh báo sớm có khả năng theo dõi tình hình trên bề mặt Trái đất, bầu khí quyển và các yếu tố khác. Nhiệm vụ của chúng là phát hiện các vụ phóng tên lửa hoặc các vũ khí trên không dựa trên các dữ liệu thu thập được.

Hơn nữa, những dữ liệu này còn liên kết hệ thống phòng thủ tên lửa của thủ đô Moscow và vùng công nghiệp trọng điểm khắp cả nước.

Phương tiện răn đe

Năm 2014, các vệ tinh của dòng Oko-1 đã đi vào hoạt động, có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa trên lãnh thổ của kẻ thù tiềm ẩn. Kể từ năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu triển khai thêm hệ thống phát hiện Tundra hiện đại hòa vào mạng lưới hàng chục vệ tinh ngoài vũ trụ.

Các vệ tinh Tundra được bố trí trong các quỹ đạo khác nhau, nhằm đảm bảo lãnh thổ của kẻ thù tiềm ẩn luôn nằm dưới sự giám sát của quân đội Nga. Thiết bị có thể phát hiện lửa phát ra từ động cơ tên lửa, địa điểm phóng, đưa ra dự đoán chính xác quỹ đạo và xác định khu vực gần đúng nơi đầu đạn rơi.

Có thông tin cho rằng, Tundra có khả năng hoạt động như một bộ khuếch đại tín hiệu điều khiển cho các lực lượng hạt nhân.

Vào giai đoạn 2021-2024, 6 vệ tinh 14F142 mới sẽ được phóng lên quỹ đạo nhằm tạo ra một trường quan sát liên tục trên toàn bộ bề mặt hành tinh. Nhờ đó, cấp độ không gian của hệ thống tên lửa cảnh báo sớm sẽ có thể giám sát không chỉ các hệ thống tên lửa trên mặt đất thuộc lãnh thổ của kẻ thù tiềm ẩn, mà còn có thể phát hiện các vụ phóng từ tàu ngầm ở bất kỳ vùng biển nào.

Các biện pháp này sẽ làm giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công tên lửa từ kẻ thù. Có nguồn tin cho rằng, Bộ Quốc phòng Nga sẽ phát triển hệ thống cảnh báo sớm thế hệ tiếp theo kết hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa, tức là sẽ không chỉ là hệ thống cảnh báo đơn thuần, mà còn là phương tiện răn đe kẻ thù tiềm ẩn.

(theo Top War)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-tung-buoc-hien-dai-hoa-he-thong-canh-bao-som-ten-lua-138003.html