Nga vẫn bán RD-180 cho Mỹ, vậy dùng đòn nào đáp trả?

Nga tuyên bố không có kế hoạch đáp trả trừng phạt Mỹ bằng cách tạm ngừng cấp động cơ tên lửa RD-180.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 23/8 cho biết, nước này không có kế hoạch tạm ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ như một cách đáp trả đợt trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào nước này.

Nga tuyên bố không áp đòn nặng nhất với Mỹ.

Ý tưởng ngừng cung cấp động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ đã được một Nghị sĩ Nga tuyên bố khi thấy rằng, khả năng Washington sẽ tăng đòn trừng phạt đối với Moscow.

Dẫu vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Aleksey Kondrachev cũng cho biết Nga sẽ không trì hoãn lời đáp trả đối với gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Ông Kondrachev khẳng định: “Sẽ không phải chờ đợi lâu câu trả lời của Nga, 100% là như vậy. Không thể bay vào vũ trụ bằng động cơ của Nga đồng thời lại áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga".

Ngoài động cơ tên lửa, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng tuyên bố Moscow sẽ không tạm ngừng xuất khẩu titan sang Mỹ để sử dụng trong ngành công nghiệp hàng không, như một phần trong bất kỳ sự trả đũa trừng phạt nào.

Chưa rõ Moscow sẽ lựa chọn phương án nào để đáp trả Washington.

Ngoài tạm ngừng xuất khẩu RD-180 và titan, Moscow đã dự định sẽ đáp trả Mỹ bằng việc hạn chế nhập khẩu các linh kiện phụ tùng điện tử bị cấm nhập từ Mỹ.

"Chúng tôi đã soạn thảo các biện pháp đối phó để làm giảm tác động của lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ. Những linh kiện phụ tùng điện tử sẽ bị cấm nhập từ Mỹ... Bản thân các sản phẩm công nghệ cao có thành phần điện tử mang tính quân sự và vũ trụ của nước ngoài cũng đã chịu hạn chế nghiêm ngặt" - Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov tuyên bố.

Moscow dường như đã xác định các biện pháp đáp trả của mình song hiệu quả của biện pháp này được dự báo là ít có tác động tiêu cực đến tình hình ở Mỹ.

Trước đó, các tuyên bố của giới chức Nga, đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov đã khẳng định việc sẽ loại bỏ khả năng ngừng hoạt động của những công ty Mỹ hiện đang kinh doanh tại Nga.

Thực tế, trong thời điểm Nga phải chịu đựng các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trong nước là một trong những biện pháp giúp Nga chống chọi sức suy giảm của nền kinh tế.

Trước đây, ở thời điểm Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt, Nga cũng đã tiến hành việc kiểm tra hành chính trên 430 cửa hàng McDonald's và đã phải đóng cửa 4 nhà hàng của hãng này ở trung tâm Moscow. Song khả năng ngừng hoạt động của các công ty Mỹ kinh doanh ở Nga là cực thấp.

Một trong những biện pháp có thể giúp Nga đáp trả trừng phạt của Mỹ là đóng cửa không phận với Washington hoặc áp đặt mức thuế cao hơn cho việc sử dụng không phận đối với các máy bay chở khách và vận tải của Mỹ.

Song, điều này cũng có thể khiến Moscow thiệt hại bởi Washington hoàn toàn có thể đáp trả bằng biện pháp tương đương. Hơn nữa, Moscow sẽ mất đi thị trường của chính mình.

Mỹ nhập khẩu dầu từ Nga, Washington còn có thể mua LNG từ Nga thông qua nước thứ ba.

Biện pháp có thể khiến Nga "mạnh tay" hơn với Mỹ là ngưng xuất dầu và hóa dầu sang Mỹ.

Theo các báo cáo, xuất khẩu dầu và hóa dầu của Nga sang Mỹ chiếm 8 tỷ USD, chỉ bằng 4,6% tổng xuất khẩu năng lượng của Nga. Nga xuất khẩu sang vùng Tây Bắc của Mỹ nửa triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỗi ngày, chiếm dưới 4% tổng sản lượng nhập khẩu của Mỹ.

Nếu ngừng xuất khẩu các mặt hàng năng lượng cho Mỹ, Moscow vẫn còn khả năng chuyển sang các thị trường khác như ở châu Á, châu Âu, Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đường ống dẫn khí đốt của Nga tỏa đi các hướng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và châu Âu đang có xu hướng thuận lợi, khả năng dùng ván bài năng lượng này có vẻ sẽ "dễ thở" hơn với nền kinh tế Nga.

Có điều, nếu lựa chọn phương án ngừng xuất khẩu các sản phẩm dầu cho Mỹ, Moscow có thể làm chậm lại tiến trình thoát "lời nguyền dầu mỏ" của mình.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-van-ban-rd-180-cho-my-vay-dung-don-nao-dap-tra-3364228/