Nga xây dựng nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực ở Ai Cập

Nhà sản xuất xe ô tô tải hạng nặng Ural Automotive Plan của Nga hôm 27-3 đã công bố kế hoạch thành lập một nhà máy ở Ai Cập để lắp ráp 40 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK, Báo Ai Cập độc lập đưa tin.

Xe tăng T-90 còn được biết đến với tên gọi “Vladimir” là một loại xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga, mang tên nhà thiết kế Vladimir Ivonovich Butkin. Cỗ máy chiến đấu là một trong những phần cứng quân sự bán chạy nhất trên thế giới từ năm 2001 đến 2010, với trị giá tương đương khoảng 4 tỷ USD.

T-90 là một phiên bản cải tiến của xe tăng-72 được phát triển trong thời Xô Viết, đi vào phục vụ Quân đội Nga từ cuối năm 1992. Quy trình tái thiết kế T-72 bắt đầu vào năm 1989 theo mẫu thiết kế kỹ thuật của kỹ sư khoa học quân sự Butkin.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga. Ảnh: TASS

Xe tăng nặng 46,5 tấn và được trang bị một pháo 125mm, cùng với động cơ xi-lanh hoạt động bằng diesel tạo ra 1.000 sức ngựa.

Trong những loại vũ khí quan trọng nhất của xe tăng cần kể đến trọng pháo 125mm có thể bắn đạn phân mảnh nổ cực mạnh, tên lửa điều hướng Reflex và Cobra để chống xe bọc thép và trực thăng chiến đấu.

Trong những năm gần đây, Ai Cập tìm cách đa dạng hóa quan hệ quân sự nhằm đảm bảo nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội nước này. Bên cạnh Nga, Pháp là các nhà cung cấp vũ khí lớn, hàng loạt thỏa thuận lớn đã được ký kết.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Abdel Fattah al Sisi đến Nga vào năm 2014, cả 2 nước ký hợp đồng mua bán vũ khí trị giá gần 3,5 tỷ USD nhằm nâng cấp hệ thống tên lửa ở Ai Cập thông qua việc mua hệ thống tên lửa S-300.

Nga cũng sẽ cung cấp các máy bay phản lực chiến đấu MiG-29, MiG-35 và Su-30 để giúp Ai Cập nâng cao hiệu quả hoạt động của Lực lượng Không quân.

Thông tấn TASS gần đây đưa tin Ai Cập sẽ tiếp nhận 50 máy bay chiến đấu MiG-29 theo nhiều đợt khác nhau, được phân phối đều theo cơ sở hàng năm. Hợp đồng được ký sau cuộc họp của Tổng thống Putin với người đồng cấp Ai Cập Sis vào tháng 2-2014, và đây cũng là hợp đồng quốc phòng lớn nhất giữa 2 quốc gia trong thời kỳ hậu Xô Viết.

Phạm Trúc

Nguồn SGGP: http://cand.com.vn/vu-khi-chien-tranh/nga-xay-dung-nha-may-san-xuat-xe-tang-chien-dau-chu-luc-o-ai-cap-483915/