Nga xuống nước nộp tiền vì bê bối doping

Nga thanh toán 15 triệu USD tiền phạt cho IOC về bê bối sử dụng doping, cả VĐV Nga bị nghi ngờ dùng meldonium cũng đã trả lại huy chương.

Truyền thông Pháp thông tin, Nga đã nộp khoản tiền phạt 15 triệu USD cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) liên quan tới bê bối sử dụng doping quy mô lớn vào hôm 21/2.

Việc thanh toán khoản tiền phạt của Ủy ban Olympic Nga được xem là một trong những điều kiện chính để IOC quyết định có nên dỡ bỏ lệnh cấm tham dự Olympic đối với Nga trước khi bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Nga đã nộp phạt vì bê bối sử dụng doping quy mô lớn theo như cáo buộc của IOC.

Thông tin này đã góp phần khẳng định từ phía Nga về việc sử dụng doping quy mô lớn cho các VĐV của mình.

Thêm vào thông tin này, bê bối sử dụng doping trong thể thao của Nga lại được xoáy sâu hơn sau khi VĐV bi đá trên băng Alexander Krushelnitsky của Nga vừa chính thức thừa nhạn đã sử dụng meldonium - một chất bị cấm trong thi đấu thể thao - khi tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Truyền thông Nga hôm 21/2 đồng loạt thông tin VĐV Krushelnitsky thừa nhận đã sử dụng meldonium - một chất bị cấm trong thi đấu thể thao khi đang tham gia Thế Vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc.

Đồng thời, Krushelnitsky cũng tự giác trao trả tấm Huy chương Đồng mà anh cùng vợ là VĐV Anastasia Bryzgalova đã giành được cách đây vài ngày ở nội dung đôi nam nữ bi đá trên băng.

Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Liên đoàn bi đá trên băng của Nga - bà Valentina Parinova, cho biết cùng với lời thú nhận trên, VĐV Krushelnitsky tuyên bố sẽ không xuất hiện trong phiên điều trần của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) dự kiến diễn ra ngày 22/2, vì cho rằng sự hiện diện của anh lúc này "là vô nghĩa".

Kênh RT của Nga dẫn lời tuyên bố của Krushelnitsky cho biết: “Tôi có thể công khai khẳng định rằng kể từ khi tham gia thể thao, tôi chưa bao giờ sử dụng bất kỳ chất cấm hay bất kỳ cách thức không trung thực nào trong thi đấu. Đó là một đòn nặng giáng vào dành tiếng của tôi và sự nghiệp của tôi.

Đó là còn chưa kể đến việc chỉ có người hoàn toàn mất hết lý trí mới sử dụng doping dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là meldonium, trong thời gian trước khi tham gia Olympic, giải thể thao mà việc xét nghiệm doping được tiến hành ở mức độ cao nhất".

Chủ tịch Liên đoàn Curling Nga Dmitry Svishchev đã bóng gió rằng vụ tai tiếng doping liên quan đến VĐV curling đoạt HCĐ Olympic Alexander Krushelnitsky là 'hành động của người ngoài' mà động cơ là sự ghen tị với vẻ đẹp của vợ Krushelnitsky.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo thể thao Nga Sovetsky Sport, Chủ tịch Liên đoàn curling Nga Dmitry Svishchev nói: “Tại Olympic 2018, Anastasia trở nên nổi tiếng khắp thế giới và có thêm nhiều người hâm mộ cô ấy ở nhiều nước và rồi xảy ra vụ tai tiếng doping. Tôi không cho rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

Theo quan chức này, doping không có tác dụng đối với curling bởi môn thể thao này không phải là loại hình thi đấu cần sự bền bỉ mà chỉ cần sự tập trung.

VĐV bi đá trên băng Alexander Krushelnitsky đã bị phát hiện sử dụng doping trong môn bi đá trên băng qua 2 mẫu thử.

Hôm 19/2, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) thông báo mẫu thử A của Krushelnitsky dương tính với meldonium. Sang ngày 20/2, trang web của Ủy ban Olympic Nga thông báo mẫu thử B của Krushelnitsky có sự hiện diện của chất cấm.

Trước đó, IOC để ngỏ khả năng các VĐV Olympic từ Nga sẽ được rước quốc kỳ trong đêm bế mạc nếu họ tôn trọng và tuyệt đối tuân thủ các quy định mà tổ chức này đề ra.

Ngày 5/12/2017, IOC đã cấm Nga tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc do liên quan bê bối mà IOC gọi là "chương trình doping quy mô lớn do Chính phủ Nga bảo trợ" tại Olympic Sochi 2014.

Một nhóm 168 vận động viên Nga được IOC coi là có tiểu sử trong sạch đã tham gia thi đấu tại Olympic Pyeongchang 2018 với tư cách vận động viên độc lập và không dưới màu cờ sắc áo của Nga.

Có thể bê bối doping của Alexander Krushelnitsky sẽ khiến lá cờ Nga không thể tung bay tại lễ bế mạc Olympic PyeongChang 2018

Tính đến nay, đã có 3 trường hợp bị phát hiện sử dụng doping tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, bao gồm VĐV trượt băng tốc độ người Nhật Bản Kei Saito, VĐV khúc côn cầu trên băng người Slovenia Ziga Jeglic và Alexander Krushelnitsky.

Trước khi kỳ Olympic này khởi tranh, Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) nêu rõ đã tiến hành 17.000 xét nghiệm kể từ tháng 4/2017 và 2.500 mẫu nước tiểu và mẫu máu sẽ được xét nghiệm trong 17 ngày thi đấu của Olympic PyeongChang 2018.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-thao/ben-le-tran-dau/nga-xuong-nuoc-nop-tien-vi-be-boi-doping-3353202/