Ngạc nhiên chưa mắt rồng ?

Trung dược thú thoại ghi: Thời xưa, người ta còn phân loại nhãn theo kích thước: loại to gọi là 'Hổ nhãn' (mắt hổ), quả kích thước trung bình gọi là 'Long nhãn' (mắt rồng) khi làm dược liệu. Ngày nay, ít ai nói về dược tính của loại cây này. Phần lớn chỉ nói về giá bán.

Ông Út Hiện và các con tập trung đổi mới nông trại để mở rộng hợp tác nông trại trồng nhãn Phát Tài - được Nhà nước bảo hộ giống cây trồng.

►Bán nhãn thu về 1 triệu USD/tháng

Trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam giảm liên tục trong 3 tháng qua thì nhãn các loại (bao gồm nhãn tươi, khô, đông lạnh, long nhãn) đã đạt kim ngạch xuất khẩu 1,17 triệu USD trong tháng 6-2020 khi bán sang thị trường ASEAN, Mỹ và EU. Trong đó, có phần đóng góp của nhãn Phát Tài.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung trong tháng 6 là 1,76 tỉ USD, tuy nhãn tươi xuất khẩu chỉ chiếm hơn 1 triệu USD, nhưng đó là mặt hàng hiếm hoi có mức tăng trưởng 39% so với tháng trước và tăng 10,7% so cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu nhãn tươi bình quân 3.730 USD/ tấn, nhãn đông lạnh 3.600 USD/ tấn, nhãn khô 3.200 USD/ tấn.

Miền Tây nổi tiếng với nhãn Bạc Liêu, thanh nhãn, nhãn tím. Tiền Giang có nhãn da bò. Ðồng Tháp có nhãn Ido, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhãn xuồng cơm vàng… Xứ Huế có nhãn tiêu quế cũng là loại ngon nức tiếng không kém nhãn lồng Hưng Yên… là những tên tuổi "cao thủ đại nội" đã phá vòng vây "chổi rồng" cùng đẩy giá trị kim ngạch lên đỉnh cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhấn chìm kinh tế toàn cầu.

Nổi lên như một nhân tố mới có tính vượt trội hơn cả giống Ido của Thái Lan, ông Phạm Hữu Hiện (Út Hiện ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp), người được Nhà nước bảo hộ giống nhãn Phát Tài, nói: "Nhãn thế hệ mới là quà tặng của tạo hóa. Là sự hiển linh của điều ước. Chưa bao giờ thấy vui như bây giờ khi tui có thể nói với mọi người về giống nhãn thế hệ mới có gốc gác từ Châu Thành, Ðồng Tháp".

"Ido là giống vay mượn, trước đây, khi tui đem từ Thái về Việt Nam, người ta đòi bắt vì cây trồng bất hợp pháp. Mấy năm sau, giống này hợp vùng đất phù sa, phát dữ lắm. Ai nấy đua nhau trồng. Là đồ vay mượn mà nên tui cứ ao ước có cái gì đó của xứ sở mình" - ông Út Hiện nói.

►"Hoàn tác" điều ước

Giữa vườn nhãn Ido và xuồng cơm vàng hiện lên một cây nhãn có sức sống vượt trội. Phát hiện, theo dõi sự sống, sinh trưởng, ra hoa kết trái từng ngày, từng mùa một cây nhãn đang "phát sáng" - ông Út Hiện nhận ra rằng điều ước lâu nay đã xuất hiện.

Ðối với người làm vườn, kinh doanh cây giống cây trồng, từng ủ ê với thăng trầm biết bao nhiêu dòng nhãn, ông hiểu điều ước cần phải "hoàn tác".

Ông nhờ Trường Ðại học Cần Thơ phân tích gen, nhờ Viện Cây ăn quả miền Nam phân tích giống cây trồng. Tới khi mọi người chia vui với ông về mẫu phân tích với những giá trị khác biệt, nhiều ưu thế, Viện Cây ăn quả miền Nam xác định cây đầu dòng nhãn thế hệ mới. Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp bằng chứng nhận bảo hộ tác quyền nhãn Phát Tài (Dimocarplus longan Lour), thời hạn bảo hộ 25 năm kể từ năm 2019 - điều kỳ diệu thứ hai xuất hiện. 8 tấn trái đầu tiên đã được Công ty xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tháng 6-2020, lần thứ hai, Công ty Chánh Thu (Bến Tre) xuất khẩu thành công 4 tấn nhãn Phát Tài sang thị trường này.

Con trai út của ông Út Hiện đã thuê 4ha đất trồng nhãn Phát Tài, nâng tổng diện tích trồng nhãn Phát Tài lên 10ha. Hiện nay, khoảng 1.670 gốc trên nền đất thuê đang cho trái, năng suất bình quân 50 kg/cây. 10 tấn trái thu trong tháng 8-2020 sẽ được Công ty Vina T&T xuất sang Hoa Kỳ.

Ths. Nhiệm, cán bộ nông nghiệp địa phương tham gia việc nghiên cứu dòng nhãn mới khẳng định ưu thế của nhãn Phát Tài: Trái to, dày cơm, ráo hoảnh. Trái loại 1 đường kính 2,4cm, độ ngọt (Brix) 20-23%, giá bán 70.000 đồng/kg, cao hơn 40.000 đồng/kg so với nhiều loại nhãn ngon phổ biến trên thị trường nội địa. Theo ông Út Hiện, áp dụng kỹ thuật cân đối dinh dưỡng, tỉa trái để nâng cao tỷ lệ trái loại I, có thể đạt 30-40 trái/kg.

"Với ưu điểm vỏ dày có thể bảo quản, vận chuyển lâu đang mở ra hướng xuất khẩu nhãn đường biển thay vì vận chuyển đường hàng không. Khi doanh nghiệp giảm chi phí logistics thì lượng xuất khẩu nhiều hơn" - ông Út Hiện hy vọng giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Giống mới có bản quyền, nhiều ưu điểm: khả năng chống chịu sâu bệnh, ít rụng trái sinh lý, năng suất tương đương nhãn Ido nhưng ít công chăm sóc, có khả năng xử lý ra hoa luân phiên trên từng vùng trồng để duy trì nguồn cung suốt năm.

Từ lúc bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch khoảng 2-3 năm, Ths. Nhiệm, cán bộ nông nghiệp địa phương nhiều kinh nghiệm đã cùng gia đình ông tìm ra công thức dinh dưỡng, quy trình canh tác thích hợp, năng suất, chất lượng, hiệu quả đều tốt. Ðó mới chính là: "bí quyết" của trang trại Út Hiện.

►Bảo vệ tác quyền

Là loài cây nhiệt đới lâu năm, nhãn (Dimocarpus longan) thuộc họ Bồ Hòn Sapindaceae có tuổi thọ khá cao (danh pháp khoa học: Dimocarpus longan). Nhưng không sống nổi khi những nhà vườn nghe lan truyền giống nhãn mới mau làm giàu đã xách búa, mang cưa đốn hạ những dòng nhãn cũ.

Những cuộc "thảm sát" nhãn khi lòng bất an sẽ đi tới đâu? Hiện nay, giá cây giống 300.000 đồng/gốc, nhiều người quá giỏi "tiểu xảo" nói họ sẽ mua giống về rồi tự làm giống bán lấy lời. Ðây là cách làm khiến không biết bao nhiêu loại giống tiếng tăm trở thành mong manh, dễ vỡ…

Bảo vệ bản quyền giống cây trồng thật không đơn giản chút nào. Do đó, ông Út Hiện chọn cách ưu tiên cung cấp giống cho những nông trại, trang trại xây dựng vùng trồng liên kết xuất khẩu, nền tảng thuận lợi cho việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng và người dùng dễ truy xuất nguồn gốc, giúp doanh nghiệp thuận lợi hóa thương mại.

Công ty Hoàn Thiện, tỉnh An Giang, là đối tác hỗ trợ kỹ thuật canh tác đã lập cầu nối ông Út Hiện với chương trình phát triển nhãn Phát Tài ở huyện Châu Phú, theo phương thức nhượng quyền khai thác giống. Nhãn Phát Tài sẽ được trồng với quy mô 100ha đầu tiên và sẽ mở rộng tới 300ha ở An Giang. Nông trại Út Hiện lo kỹ thuật bảo tồn giống, cùng Công ty Hoàn Thiện thực hiện quy trình an toàn sinh học.

Ths. Nguyễn Văn Ðém, chuyên ngành nông học ở Philippines, Giám đốc Công ty Phì Nhiêu, thăm trang trại Út Hiện nói rằng, đây là cách mở rộng vùng nguyên liệu, mã vùng trồng có cách kiểm soát hợp lý. Tuy nhiên, khi nối kết đầu ra với các doanh nghiệp, ông Út cũng phải xây dựng kế hoạch tái cấu trúc trang trại để đáp ứng các yêu cầu chuẩn mực về cây giống, quy trình canh tác khi các vùng nguyên liệu đồng loạt "bung dù". Nông trại sẽ trả lương cho kỹ sư, cho cán bộ kỹ thuật, cho người điều hành kinh doanh… để mở rộng các mối liên kết chứ không thể rút về "khung thành" để bảo vệ bản quyền.

►Nguồn gen và giá trị tiềm ẩn

Ấn Ðộ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… là những nơi có nguồn gốc lâu đời của nhãn. Người ở miền Nam Trung Quốc gọi nhãn là quế viên, hột nhãn khô là viên nhục. Hột nhãn được dùng để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân.

Trung dược thú thoại ghi: Thời xưa, người ta còn phân loại nhãn theo kích thước: Loại to gọi là "Hổ nhãn" (mắt hổ), quả kích thước trung bình gọi là "Long nhãn" (mắt rồng) "loại quả nhỏ hơn là "Nhân nhãn", còn loại nhỏ nhất có tên là "Quỷ nhãn". Ðể làm thuốc, chế Long nhãn nhục, chỉ sử dụng loại kích thước trung bình nên mọi người quen gọi long nhãn. Hột nhãn khô hay long nhãn nhục (Arillus Longanae) dẻo, có màu nâu hoặc nâu đen, là một vị thuốc thường được dùng trong Ðông y. Long nhãn nhục có vị cam, tính ôn; vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng bổ ích Tâm Tỳ, dưỡng huyết an thần; chủ trị trống ngực hồi hộp tim loạn nhịp (kinh quý chính xung), mất ngủ hay quên (thất miên kiện vong), kém ăn mệt mỏi (thực thiểu thể quyện), đại tiện ra máu, phụ nữ băng lậu (tiện huyết băng lậu).

Long nhãn nhục cũng được dùng trong chế biến một số món chè, sâm bửu lượng… Bản Thảo Cương Mục, Lý Thời Trân đã từng nhận định: Về mặt thực phẩm, nhãn đứng sau vải, nhưng về mặt bổ dưỡng thì nhãn có tác dụng tốt hơn; vì vải là quả có tính nhiệt, còn long nhãn có dược tính tương đối bình hòa.

Dấu tích tàn sát nhãn giống cũ.

TP Vĩnh Long còn duy nhất một lò bánh mì nướng bánh từ củi nhãn vì những cuộc "thảm sát hàng loạt" khiến củi quá rẻ. Hàng chục năm nay, chụm củi nhãn không hết, người chủ tiếc rẻ khi biết thân cây nhãn có dược tính.

Một nhóm nghiên cứu thuộc khoa công nghệ sinh học, Trường Ðại học Mở TP Hồ Chí Minh đã trích ly vỏ cây nhãn thu được chất cao khô màu nâu đỏ, bào chế thành công chế phẩm trị phỏng dạng pommade (6%) và dầu thoa (1,5%) có tính kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng cao hơn dầu mù u, đạt các chỉ tiêu dược điển Việt Nam 3.

Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, Long nhãn có tác dụng chống lão suy vì trong cùi nhãn có flavoprotein - một hoạt chất có tác dụng tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não; trong cùi nhãn còn có Vitamin PP, một chất có tác dụng làm tăng độ bền và độ đàn hồi của mạch máu, giúp cho quá trình tuần hoàn máu trở nên tốt hơn. Như vậy, Y học cổ truyền và hiện đại đều khẳng định, Long nhãn là vị thuốc có tác dụng bổ dưỡng tốt đối với tuần hoàn và thần kinh.

Mọi thứ từ cây nhãn đều có thể làm thuốc.

- Hạt nhãn (Long nhãn hạch) có vị chát; có tác dụng giảm đau, cầm máu, lý khí hóa thấp; dùng để chữa chứng thiên trụy, tràng nhạc và một số chứng bệnh ngoài da như chốc lở, đứt chân tay...

- Vỏ quả nhãn (Long nhãn xác) có vị ngọt, tính ấm, không độc, vào kinh Phế. Có tác dụng trừ phong, chữa chóng mặt, dùng ngoài chữa bỏng và vết thương ngoài da.

- Lá nhãn (Long nhãn diệp) có vị nhạt, tính bình; có tác dụng chữa cảm mạo, sốt rét, an thai.

- Hoa nhãn (Long nhãn hoa) sắc uống có thể chữa chứng bí tiểu tiện.

- Vỏ thân cây nhãn (Long nhãn thụ bì) có tác dụng trị cam tích, đinh sang (mụn nhọt).

- Rễ cây nhãn (Long nhãn căn) vị đắng, chát; có tác dụng chữa khí hư bạch đới, trị giun chỉ ('lariasis).

Liệu điều này có thể ngăn chặn các cuộc thảm sát hàng loạt nhãn giống cũ làm củi? Các bác nhà vườn ơi, bình tâm xem có cách nào tốt hơn cho mã vùng trồng giống mới mà giống cũ không bị ngược đãi!

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ngac-nhien-chua-mat-rong-a125078.html