Ngạc nhiên khi pháo hạm được đưa lên... xe thiết giáp làm pháo phòng không

Sau khi giảm kích cỡ pháo phòng không xuống dưới 40 mm và ưu tiên tốc độ bắn thì có vẻ như các cường quốc quân sự lại đang quay về thời kỳ ưa chuộng cỡ đạn lớn, nhưng điểm khác biệt ở đây là đạn được lắp ngòi điện tử.

 Pháo hải quân Oto Melara cỡ 76 mm do Italia chế tạo là hệ thống vũ khí rất thường gặp trên các tàu chiến cỡ nhỏ và trung bình của thế giới.

Pháo hải quân Oto Melara cỡ 76 mm do Italia chế tạo là hệ thống vũ khí rất thường gặp trên các tàu chiến cỡ nhỏ và trung bình của thế giới.

Ngoài chức năng tiêu diệt mục tiêu mặt biển, mặt đất thì khẩu pháo này còn tỏ ra rất hữu dụng khi chống lại phương tiện tiến công đường không của đối phương khi tích hợp radar và sử dụng đạn lắp ngòi điện tử.

Nhận ra tiềm năng của khẩu pháo 76 mm trên, Oto Melara đã phát triển một loại pháo tự hành đa chức năng mang tên Draco dựa trên vũ khí hải quân nổi tiếng của mình, đây thực chất là hành động đưa pháo hạm lên bờ.

Draco sử dụng khung gầm xe thiết giáp 8x8, được phát triển để sử dụng với vai trò như một hệ thống đánh chặn các loại rocket, cối, đạn pháo (C-RAM), cũng như phòng không mặt đất và các hoạt động chiến đấu khác.

Vũ khí này có thể triển khai ở các khu vực quan trọng như sân bay, căn cứ chiến lược... thực hiện các hoạt động tuần tra chống lại những mối đe dọa từ rocket, cối, đạn pháo, cũng như hỗ trợ cho bộ binh trong các hoạt động chiến đấu mặt đất, phòng không hoặc bảo vệ bờ biển.

Hệ thống Draco có khả năng bắn trực tiếp với phạm vi từ 500 - 3.000 m, 5.000 m cho các mục tiêu đường không, 15 km với các mục tiêu mặt đất cố định bắn gián tiếp và lên đến 20 km với các mục tiêu trên mặt biển.

Khẩu pháo 76 mm có tốc độ bắn 80 - 120 phát/phút, hệ thống ổn định hai trục cho độ chính xác cao. Đặc biệt nó còn triển khai được cả loại đạn có điều khiển DART cực kỳ lợi hại.

Hệ thống kiểm soát hỏa lực kết hợp giữa radar tìm kiếm mục tiêu với hệ thống giám sát quang - điện tử và kính ngắm toàn cảnh để theo dõi đối tượng ở chế độ chủ động và thụ động, mang lại cho Draco khả năng tự động hóa rất cao.

Tương tự như khẩu Oto Melara, H/PJ-26 cũng là một tổ hợp pháo hạm cỡ nòng 76,2 mm, vũ khí này được Trung Quốc tạo ra bằng cách sao chép và cải tiến hải pháo AK-176 của Liên Xô/Nga.

Tổ hợp SA2 do Trung Quốc sản xuất cũng đi theo ý tưởng tương tự như Draco của Italia khi đưa pháo H/PJ26 lên khung gầm xe tải việt dã bọc thép để tạo ra một hệ thống vũ khí đa năng.

Khối lượng chiến đấu của SA2 rất nhẹ, vào khoảng 28 tấn, trên xe tích hợp cụm khí tài trinh sát quang điện tử để dẫn bắn, không yêu cầu phải có radar điều khiển hỏa lực đi kèm.

Nhà sản xuất NORINCO cho biết pháo có tầm bắn hiệu quả 10 km, tầm cao 8 km khi chống lại máy bay cánh cố định hay trực thăng, 6 km đối với máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình.

SA2 được cho là có khả năng bắn đạn pháo dẫn đường laser và cả đạn lắp ngòi điện tử lập trình sẵn điểm nổ (tương tự AHEAD), loại đạn này chứa nhiều đạn con bên trong, phát huy tác dụng rất tốt khi chống lại các mục tiêu nhỏ di chuyển ở tốc độ cao.

Hệ thống pháo phòng không SA2 của Trung Quốc dĩ nhiên cũng có thể dùng như vũ khí chống bộ binh khi hạ nòng bắn thẳng, nó được đánh giá là một đối thủ đáng gờm của tổ hợp 2S38 Derivatsiya cỡ 57 mm do Nga chế tạo.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ngac-nhien-khi-phao-ham-duoc-dua-len-xe-thiet-giap-lam-phao-phong-khong/781898.antd