Ngải cứu có lợi hay gây hại cho sức khỏe?

Ngải cứu có một lịch sử lâu dài được sử dụng như một phương thuốc thảo dược để điều trị các bệnh khác nhau.

Shutterstock

Nổi tiếng nhất, nó được biết đến như một thành phần chính trong Absinthe, một loại rượu thực vật nặng độ được nhiều nghệ sĩ và nhà văn nổi tiếng ưa chuộng, theo Medical Daily.

Trong thế kỷ XX, rượu Absinthe đã bị cấm ở nhiều quốc gia do tính chất gây nghiện và bị cho là gây ảo giác.

Cây ngải cứu được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phân loại là một loại thảo dược không an toàn vì tiềm năng gây độc thần kinh của một thành phần là Thujone và các dẫn xuất của nó.

Thành phần của Thujone có thể phá vỡ các mô cơ, gây co thắt và dẫn đến tổn thương thần kinh.

Một số ý kiến cho rằng bản thân Thujone không nguy hiểm mà chỉ độc ở liều cao với nguy cơ gây co giật và ảo giác.

WebMD liệt kê nhiều tác dụng phụ khác như: suy thận, bồn chồn, khó ngủ, nôn mửa, chóng mặt, run, thay đổi nhịp tim, bí tiểu, khát nước, tê liệt, tê liệt và tử vong, theo Medical Daily.

Trong trường hợp của rượu Absinthe, liều lượng chất Thujone không đủ cao để thực sự ảnh hưởng đến người uống trừ khi uống quá nhiều rượu. Ở Mỹ, mức Thujone trong rượu này được giới hạn ở mức 10 mg/l.

Mặc dù không có đủ bằng chứng để đánh giá mức độ an toàn khi sử dụng ngải cứu, nhưng các nhà chuyên môn vẫn cảnh báo phụ nữ mang thai và cho con bú không tiếp xúc với ngải cứu cho đến khi có nhiều nghiên cứu hơn, theo Medical Daily.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng đã xem xét tác dụng chữa bệnh tiềm năng của cây ngải. Artemisinin, một chiết xuất từ cây ngải cứu, có đặc tính chống ký sinh trùng.

Tổ chức Y tế Thế giới thậm chí còn khuyến nghị các liệu pháp kết hợp Artemisinin cho một số trường hợp mắc bệnh sốt rét, theo Medical Daily.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá trà ngải cứu có thể giúp chữa bệnh sán máng do nhiễm giun dẹp, là bệnh có thể gây tàn tật hoặc thậm chí gây tử vong.

Các phát hiện cho thấy những bệnh nhân uống trà không chỉ loại bỏ được ký sinh trùng mà còn có khả năng phục hồi tốt hơn, ít tác dụng phụ hơn so với những người điều trị bằng dược phẩm với thuốc thảo dược, theo Medical Daily.

Các nhà nghiên cứu tin rằng có khả năng trà sẽ được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh sán máng. Nhưng vẫn còn quá sớm để xác định tiềm năng đó mạnh đến mức nào.

Thiên Lan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/ngai-cuu-co-loi-hay-gay-hai-cho-suc-khoe-1040855.html