Ngại ngần tiếp cận vốn hỗ trợ, ưu đãi

Thủ tục phức tạp và sự phiền phức trong quá trình thanh tra, kiểm tra khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với các gói hỗ trợ, ưu đãi

Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã tổng kết tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm (tối đa 40.000 tỉ đồng) từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng (NH) thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh...

Hai năm chỉ giải ngân 3,05%

Theo đó, đến hết năm 2023, gói này chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỉ đồng cho gần 2.300 khách hàng, tương đương khoảng 3,05% quy mô gói. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỉ đồng không sử dụng hết.

Nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra là do các DN đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách; do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra. Họ cân nhắc giữa lợi ích và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất như phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và các địa phương gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện "có khả năng phục hồi" theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Thực tế, dù DN có khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định "có khả năng phục hồi", thể hiện qua các tiêu chí định lượng như doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh.

Trường hợp DN được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất - kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí trên làm cho cả NH thương mại và DN e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số DN có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch COVID-19 cao hơn hiện tại nên khó để đánh giá việc đáp ứng tiêu chí "phục hồi".

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh nhưng lại ngại tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một nguyên nhân khác là do tình hình kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đối tượng ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nói riêng có nhiều chuyển biến so với thời điểm ban hành chính sách. Nhiều DN trở lại hoạt động bình thường sau dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu được hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách.

Một số nguyên nhân khác bao gồm: DN xuất khẩu lựa chọn vay bằng USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ; một số khác đã được hỗ trợ theo các chương trình tín dụng của ngân sách địa phương; khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đối với trường hợp DN hoạt động đa ngành nghề. Một số khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ theo quy định…

Với số vốn không giải ngân hết, sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, Chính phủ trình Quốc hội hủy gói hỗ trợ lãi suất này.

Chưa sát thực tiễn?

Là nơi tập hợp những phản ánh của DN TP HCM, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết không chỉ gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% mà tại TP HCM, không nhiều DN tiếp cận được gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội; gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 1% - 2% cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Thông thường, điều kiện để hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ rất ngặt nghèo, các DN rất khó đạt được. Ngoài ra, DN có tâm lý ngại vay theo chương trình hỗ trợ vì quy trình kiểm tra, kiểm soát rất chặt, quá trình thanh tra sau cho vay cũng rất phức tạp" - ông Nghĩa lý giải nguyên nhân các gói hỗ trợ lãi suất khó giải ngân.

Theo ông Nghĩa, nếu nhà nước nới lỏng điều kiện cho vay sẽ dẫn đến nguy cơ chi sai. Còn nếu không kiểm tra chặt chẽ, NH và DN rất dễ thông đồng trục lợi ngân sách, dẫn đến không công bằng giữa các DN.

"Việc triển khai các gói hỗ trợ phải vừa đáp ứng yêu cầu của DN vừa đáp ứng yêu cầu kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, hiện lãi suất NH đã giảm sâu, các DN đang được vay vốn với lãi suất khoảng 7%/năm. Mức lãi suất này là phù hợp trong điều kiện hiện nay nên không cần được hỗ trợ thêm nữa" - ông Nghĩa nhìn nhận.

Nhiều DN thừa nhận chính thủ tục phức tạp, sự phiền phức trong quá trình thanh tra, kiểm tra sau giải ngân gói hỗ trợ trong khi mức lãi suất hỗ trợ chỉ 2% không quá lớn là những rào cản khiến họ không mặn mà với gói 40.000 tỉ đồng ngay từ đầu. "Một DN ở quận 8, TP HCM từng vay được gói hỗ trợ của TP HCM, sau đó bị thanh tra, kiểm tra liên tục" - giám đốc một DN thông tin.

Tổng giám đốc một DN bất động sản lớn tại TP HCM phản ánh khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng, các DN tiếp cận gói này đều được NH tư vấn… bỏ qua. "Các gói hỗ trợ có điều kiện và thủ tục giải ngân vốn vay rất khó, hầu hết DN không đáp ứng được. Chẳng hạn, muốn tiếp cận gói 120.000 tỉ đồng, chủ đầu tư không được dùng khu đất triển khai dự án nhà ở xã hội để làm tài sản bảo đảm mà phải dùng tài sản khác. Nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất vẫn chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận sẽ không đáp ứng đầy đủ thành phần hồ sơ vay vốn theo quy định của NH" - tổng giám đốc này phản ánh.

Ông Phan Đình Tuệ - thành viên HĐQT Sacombank, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, Phó Chủ tịch HUBA - cho biết khi triển khai các gói hỗ trợ DN, có nhiều chính sách, điều kiện được ban hành kèm theo nhưng không sát thực tiễn nên cả NH và DN đều không thật sự quan tâm. Ông Tuệ cho rằng bất cứ chính sách nào của nhà nước, kể cả chính sách hỗ trợ DN, khi ban hành ra cũng cần hướng tới thực tiễn cuộc sống và hoạt động của DN.

"Chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho DN có ý nghĩa và mục đích rất tích cực. Song, quá trình triển khai có những bất cập, dẫn đến không đạt kết quả như kỳ vọng, DN không được thụ hưởng chính sách. Việc Chính phủ có đề xuất ngưng thực hiện thì phù hợp. DN kỳ vọng sẽ có chính sách thay thế hoặc chính sách mới để hỗ trợ DN một cách thiết thực hơn" - ông Tuệ nêu quan điểm.

Ở vai trò là Phó Chủ tịch HUBA, ông Tuệ cho rằng DN phụ thuộc vào quy mô, loại hình DN ngành nghề khác nhau cần cơ chế hỗ trợ cụ thể khác nhau. "Để hóa giải những bất cập giữa chính sách và thực tiễn của DN, khi nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách hỗ trợ DN có thể bàn bạc kỹ hơn với các tổ chức hỗ trợ DN hoặc đại diện của cộng đồng DN, để chính sách khi ra đời sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả hơn" - ông Tuệ đề xuất.

Đối với chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, đến hết tháng 2-2024, các NH thương mại mới giải ngân cho 6 dự án với số tiền 531 tỉ đồng và 4,5 tỉ đồng giải ngân cho người mua nhà.

Đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan dẫn đến gói 40.000 tỉ đồng bị tắc, Chính phủ cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan như: việc triển khai chương trình ở một số nơi, một số thời điểm còn chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến kém hiệu quả trong giải quyết công việc. Trình tự, thủ tục thực hiện, giải ngân một số chính sách còn phức tạp, trải qua nhiều bước; một số nơi còn phát sinh thủ tục khiến DN nản, không còn muốn vay vốn.

Ngoài ra, còn có tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình, dẫn đến kéo dài thời gian, chậm tiến độ.

(Còn tiếp)

DƯƠNG NGỌC - THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngai-ngan-tiep-can-von-ho-tro-uu-dai-19624051222054392.htm