Ngắm cá chép Koi Nhật Bản tung tăng bơi lội dưới sông Tô Lịch

Ngày 16-9, hơn 50 chú cá chép Koi Nhật Bản cùng hàng trăm con cá bản địa đã được thả xuống lòng sông Tô Lịch đoạn đang được xử lý bằng công nghệ Bio-Reactor Nano. Cùng với đó, khoảng 100 chú cá chép các loại bao gồm cả cá Koi cũng đã được thả xuống Hồ Tây đoạn trong khu vực xử lý.

Ngày 16-9, cùng với việc lấy mẫu xử lý nước tại sông Tô Lịch, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Việt Nhật (JVE) đã chứng minh kết quả của việc xử lý nước thải với công nghệ Bio-Reactor Nano bằng việc thả cá chép Koi Nhật Bản xuống bể xử lý nước.

Ngày 16-9, cùng với việc lấy mẫu xử lý nước tại sông Tô Lịch, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Việt Nhật (JVE) đã chứng minh kết quả của việc xử lý nước thải với công nghệ Bio-Reactor Nano bằng việc thả cá chép Koi Nhật Bản xuống bể xử lý nước.

Trước đó, đại diện Công ty JVE lấy mẫu nước và đối chiếu kết quả cho báo chí. Các cán bộ công ty đã thử nghiệm thả cá cảnh vào 2 bát nước trước và sau xử lý. Sau 15 phút, những con cá trong bát nước trước xử lý có dấu hiệu lờ đờ, kém hoạt động. Còn ở bên bát nước đã xử lý bằng công nghệ Nhật Bản, cá vẫn bơi lội như bình thường.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật - JVE) cho biết, đơn vị thả 50 con cá Koi và 50 con cá chép Tam Dương Việt Nam xuống bể số 4 (bể sau xử lý) trong hệ thống xử lý nước sông 4 bước của công ty trên sông Tô Lịch.

Cá Koi nổi tiếng là loài cá chép khó tính của Nhật Bản, chỉ sống ở môi trường nước cực sạch. Với việc thả loài cá này xuống bể xử lý nước sông Tô Lịch, đơn vị muốn chứng minh công nghệ Nhật đã xử lý nước ô nhiễm tại sông Tô Lịch về lại độ sạch đến mức cá Koi có thể sống được.

Chuyên gia Nhật Bản cho biết, cá Koi Nhật Bản cũng như cá chép Tam Dương điều kiện sống phải ở môi trường nước sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm cá sẽ chết. Tuy nhiên, tại sông Tô Lịch, sau khi được thí điểm xử lý bằng công nghệ Nhật Bản nguồn nước đã đạt quy chuẩn Việt Nam, 2 loại cá này hoàn toàn có thể sống được bình thường.

Đã vài tháng sau khi áp dụng công nghệ Bio-Reactor, đoạn sông Tô Lịch chảy qua Nguyễn Đình Hoàn, Hoàng Quốc Việt đã giảm mùi rõ rệt.

Theo ghi nhận của PV báo Pháp luật & Xã hội trong sáng ngày 16-9, hàng chục con cá chép Koi cùng cá chép Tam Dương Việt Nam được thả xuống lòng bể vẫn hoạt động bình thường, không có hiện tượng bất thường gì sau 1 tiếng.

Đại diện đơn vị chia sẻ, do đây là loài cá có giá trị lớn nên đã cử bảo vệ trông coi giám sát 24/24 để đảm bảo an toàn cho cá.

Điều xưa nay chưa từng có, cá chép Koi tung tăng bơi lội trên sông Tô Lịch.

Ngoài ra, JVE cũng tiến hành quây lưới và thả khoảng 100 con cá rô Việt Nam xuống trực tiếp lòng sông, đoạn đang được xử lý.

Trong buổi trưa cùng ngày, JVE cũng tiến hành thả đồng loại 100 con cá xuống khu quây xử lý nước tại hồ Tây, trong đó có 50 con cá Koi Nhật Bản.

"Hôm nay cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu để mang về phân tích, thì khoảng 10 ngày sau sẽ cho kết quả. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội và các cơ quan chuyên môn liên quan" - đại diện của Dự án làm sạch sông Tô Lịch, góc Hồ Tây bằng công nghệ Nhật Bản cho biết.

Nhìn trực quan bằng mắt thường nước ở trong và ngoài khu vực xử lý. Ở bên ngoài, nước bị đóng váng, tảo lục chết và cá chết nổi trắng bốc mùi. Bên trong khu vực xử lý nước vẫn có màu của cát và có thể nhìn thấy màu đỏ của cá chép đang bơi lội.

Trước đó, ngày 16-5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vục thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ngam-ca-chep-koi-nhat-ban-tung-tang-boi-loi-duoi-song-to-lich-162614.html