'Ngậm đắng' vì bị nhái thương hiệu

Trên thị trường bất động sản đang diễn ra một nghịch lý. Trong khi hàng loạt vụ việc nhái thương hiệu, nhái logo, đánh cắp hình ảnh dự án… diễn ra ngày một nhiều, thì lại có rất ít vụ kiện cáo đến nơi đến chốn của các nạn nhân được công khai.

Chưa có thống kê trên toàn thị trường, nhưng hàng loạt vụ việc “dựa hơi” đặt tên nhái theo một phần tiền tố trong thương hiệu của những tên tuổi lớn như Hưng Thịnh Corp, Himlam Land, Novaland, GP.Invest… đã được phát hiện.

Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi theo một chuyên gia có kinh nghiệm, có hai lý do để giải thích cho câu chuyện doanh nghiệp bất động sản ít lên tiếng khi thương hiệu bị nhái.

Thứ nhất, các doanh nghiệp có uy tín bị nhái “một phần” tên tuổi xác định rằng, có kiện cũng chẳng đi đến đâu, trong khi lại có nguy cơ "đánh rắn động cỏ" nên chọn cách xử lý trong lặng lẽ.

Thứ hai, có thực tế là, không ít đơn vị “chấp nhận” để các cò nhà đất, sàn giao dịch mở đủ kiểu trang web giới thiệu dự án “như thật” ngay cả khi chủ đầu tư chưa hề có động thái ra hàng, nhằm chào mời khách mua. Sự im lặng này, theo vị chuyên gia trên là một kiểu “ngậm miệng ăn tiền” khi dự án được quảng bá không công, khi gặp chuyện thì có thể “đá quả bóng sang chân” các môi giới tự phát.

Do đặc thù của ngành bất động sản, khách hàng sẽ ưu tiên chọn các doanh nghiệp có thương hiệu để mua, dẫn đến tình trạng những thương hiệu bị nhái trên rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười do vướng phải những tranh chấp không đáng có khi người tiêu dùng do bức xúc vì "tiền mất, tật mang" đã đem đơn khởi kiện chính những thương hiệu bị nhái.

Điều đáng nói, những vụ việc kiểu này không chỉ diễn ra một lần, mà thực tế xảy ra rất thường xuyên, và hầu như không doanh nghiệp nào giải quyết triệt để được tình trạng này. Trong mỗi lần xảy ra tranh chấp, cách giải quyết mà doanh nghiệp áp dụng thường thấy còn thụ động, chủ yếu là đăng đàn giải thích trên website, cùng với việc gửi công văn tới đơn vị nhái yêu cầu đính chính.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đã đưa ra một con số, mới chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp trong Câu lạc bộ đăng ký nhãn hiệu hoặc xây dựng được quy trình bảo vệ thương hiệu cho các dự án của mình.

Với số lượng thành viên Câu lạc bộ lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp địa ốc tầm cỡ đang hoạt động trên thị trường hiện nay, có thể thấy, đa số doanh nghiệp bất động sản hiện nay không quan tâm hoặc khá mơ hồ về xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình.

Chỉ đến khi có tranh chấp xảy ra, những doanh nghiệp này mới cuống cuồng tìm cách giải quyết, nhưng kết quả chỉ giải quyết được "phần ngọn" là tạm thời đính chính được, còn lại "phần gốc" làm sao dự phòng được tình trạng nhái thương hiệu tiếp theo, thì gần như không thể.

Thậm chí, có trường hợp, doanh nghiệp nhái kiện lại doanh nghiệp bị nhái chỉ vì nhanh chân đăng ký với cơ quan quản lý trước!

Điều này cho thấy, rõ ràng, xây dựng và bảo vệ thương hiệu là một vấn đề cần được các doanh nghiệp địa ốc nhận thức lại một cách rõ ràng. Quy định hiện nay, Nhà nước không trực tiếp bảo hộ cho bất kỳ doanh nghiệp nào cả, mà chỉ có các doanh nghiệp tự xây dựng cơ chế bảo vệ thương hiệu dựa trên khung pháp lý đã có sẵn.

Chưa kể, dù cơ quan quản lý có muốn bảo vệ, nhưng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ số hiện nay, việc bảo hộ quyền lợi cho các chủ sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu rất khó, đặc biệt là các dự án bất động sản. Hiện nay, bằng rất nhiều hình thức, người ta có thể dễ dàng tạo lập một website nhái tới 99% chỉ trong vài giờ với chỉ một vài thay đổi nhỏ trong tên miền mà khó có thể nhận ra ngay lập tức.

Bên cạnh đó, cùng với ý thức chủ động bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cũng cần “nói không” với các website tự phát mọc lên quảng bá cho dự án của mình. Bởi không cẩn thận, có thể “giao trứng cho ác” khi gặp những cò nhà đất bất minh.

Theo Việt NinhBáo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/ngam-dang-vi-bi-nhai-thuong-hieu-239911.html