Ngấm đòn thương chiến, các thành phố TQ 'lấy lòng' doanh nghiệp Nhật

Chính quyền nhiều địa phương Trung Quốc đang trải thảm đỏ cho các công ty Nhật Bản, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy các nhà sản xuất ra khỏi đất nước.

Ngày 17/10, một tòa nhà bốn tầng dành riêng để trưng bày và bán thực phẩm Nhật Bản sẽ được khai trương tại Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc.

Một đơn vị thuộc Tập đoàn Kinh doanh Nông nghiệp Thủ đô Bắc Kinh, công ty nhà nước, đã rót 180 triệu nhân dân tệ (25,4 triệu USD) vào dự án. Thực phẩm sẽ được nhập khẩu thông qua công ty Frank Japan, nơi "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc JD.com có 20% cổ phần.

Đại Liên đã nhiệt tình ủng hộ dự án này, thiết lập một văn phòng kiểm dịch và hải quan gần đó để các sản phẩm có thể được lưu trữ tươi sống. Thành phố "muốn thúc đẩy nền kinh tế bằng cách bán thực phẩm Nhật Bản", một nguồn thạo tin cho biết, theo Nikkei Asian Review.

Tòa nhà dành riêng để bán thực phẩm Nhật tại Đại Liên. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Tòa nhà dành riêng để bán thực phẩm Nhật tại Đại Liên. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Tổng cộng 1.550 công ty Nhật có cơ sở tại Đại Liên tính đến tháng 10/2017, con số lớn thứ ba tại bất kỳ thành phố nào bên ngoài Nhật Bản, theo Bộ Ngoại giao nước này.

Chính quyền thành phố hồi tháng 4 đã mời các tập đoàn Nhật tham dự cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai bên, nơi thị trưởng ra lệnh cho các quan chức giải quyết mọi vấn đề có thể giải quyết nhanh nhất có thể.

"Tôi cảm thấy rằng thị trưởng cực kỳ nghiêm túc khi làm việc với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản", một trong những người tham dự nói.

Khi Nidec cùng tháng quyết định thành lập một cơ sở mới ở Đại Liên, chính quyền sở tại đã cho nhà sản xuất động cơ điện này thuê đất. Các hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước cũng đang triển khai nhiều đường bay trực tiếp từ Đại Liên đến Nhật Bản, với các chuyến bay đến Kitakyushu bắt đầu vào tháng 8 và đến Sendai vào tháng 11.

Tàu bè tại cảng Đại Liên, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: VCG/Getty.

Quan chức từ các tỉnh Giang Tô và Cát Lâm cũng đã có nhiều chuyến công tác tại Nhật Bản kể từ tháng 4 để thu hút doanh nghiệp. "Chúng tôi đã thấy nhiều sự kiện truyền thông được thiết kế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong năm nay so với năm 2018", theo Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế, Nhật Bản.

Ngay cả các thành phố ít được biết đến, như Trì Châu ở tỉnh An Huy và Tự Cống ở tỉnh Tứ Xuyên, cũng đã cử đại diện đến Nhật Bản để chuẩn bị cho các sự kiện như vậy. Phía Nhật Bản rõ ràng đã phải từ chối họ.

"Các đô thị này có thể muốn thu hút Nhật Bản theo lệnh của chính quyền trung ương", một nguồn tin hiểu rõ về quan hệ Trung - Nhật cho biết.

Bắc Kinh được cho là lo ngại rằng cuộc chiến thương mại đang thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đến các khu vực như Đông Nam Á.

Song một số người coi tranh chấp thương mại là một sự khởi đầu. "Chúng tôi nhìn thấy cơ hội khi các tập đoàn Nhật Bản được chào đón", một lãnh đạo tại công ty thương mại Marubeni nói.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm lấy" các cơ hội làm ăn mới cũng như trong các lĩnh vực khác, người này cho biết.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngam-don-thuong-chien-cac-thanh-pho-tq-lay-long-doanh-nghiep-nhat-post991752.html