Ngắm những con phố ở Hà Nội chỉ cần đi bộ vài chục bước chân là hết

Hà Nội rất nhiều phố, nhiều đến mức có người sống cả đời ở Thủ đô mà chưa biết hết các con phố. Có những phố rất dài, có phố lại rất ngắn. Phố dài thì người ta hay để ý và những con phố ngắn tới mức mà người qua phố chỉ cần lơ đãng một chút, họ đã bước chân sang con phố khác từ lúc nào không hay.

Phố Hồ Hoàn Kiếm là con phố được công nhận là phố ngắn nhất Hà Nội, con phố này chỉ dài có 52m, tức là chỉ bằng khoảng cách giữa 2 cột đèn. Phố Hồ Hoàn Kiếm chạy từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng cạnh Nhà hát múa rối Thăng Long. Trước đây con phố này thuộc thôn Tả Vọng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nay phố Hồ Hoàn Kiếm thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Phố này nằm gần Hồ Gươm, vì thế mà con phố tuy ngắn nhưng có khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và là một con phố được nhiều người qua lại và biết đến.

Phố Hồ Hoàn Kiếm là con phố được công nhận là phố ngắn nhất Hà Nội, con phố này chỉ dài có 52m, tức là chỉ bằng khoảng cách giữa 2 cột đèn. Phố Hồ Hoàn Kiếm chạy từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng cạnh Nhà hát múa rối Thăng Long. Trước đây con phố này thuộc thôn Tả Vọng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nay phố Hồ Hoàn Kiếm thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Phố này nằm gần Hồ Gươm, vì thế mà con phố tuy ngắn nhưng có khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và là một con phố được nhiều người qua lại và biết đến.

Phố Nguyễn Xí chỉ dài hơn phố Hồ Hoàn Kiếm một chút. Con phố này chạy từ phố Đinh Lễ đến phố Tràng Tiền. Trước phố thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Phố Nguyễn Xí hiện nay được xem là một địa điểm bán sách được rất nhiều người ghé qua. Con phố tuy ngắn nhưng lại khá rộng và thoáng mát, tuy nhiên phố này bị chiếm một phần làm nơi gửi xe.

Phố Đông Thái dài 70m, chạy từ ngã ba Trần Nhật Duật - Chợ Gạo đến phố Mã Mây, đoạn nối với Hàng Buồm. Trước phố thuộc đất giáp Đông Thái, phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, ở đây trước là bờ nam của sông Tô Lịch. Ngày nay Đông Thái là một phố khá nhỏ và hẹp vẫn còn giữ đa phần kiến trúc cổ xưa của Hà Nội phố với nhiều ngôi nhà cũ kĩ, mái ngói đỏ.

Phố Chợ Gạo dài 75m, chạy từ phố Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ. Đây nguyên là cửa sông Tô Lịch nhập vào sông Hồng, phố trước thuộc thôn Hương Nghĩa, tổng Đả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Ngày khi chưa lấp sông Tô Lịch trên bờ sông là nơi tụ tập những hàng bán gạo. Sau khi thực dân Pháp lấp sông Tô Lịch, họ xây tại đây một chợ chuyên về gạo thóc.

Ngày nay, phố Chợ Gạo thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm là địa điểm được giới trẻ Hà Thành và đông đảo du khách tìm đến để tụ tập trà chanh, "chém gió".

Phố Ô Quan Chưởng dài 80m, rộng 8 đến10m, thuộc phường Đồng Xuân, quân Hoàn Kiếm bắt đầu từ đường Trần Nhật Duật đến cửa ô Quan Chưởng, thông ra phố Hàng Chiếu.

Phố được đặt tên Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hi sinh của viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp khi chúng chiếm đánh thành Hà Nội.

Phố Hàng Bút (quận Hoàn Kiếm) dài 68m, cắt ngang phố Thuốc Bắc và phố Bát Sứ. Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Combanère. Phố chuyên bán giấy vở, bút mực, bút lông cho học sinh sau năm 1945 phố được đổi tên thành phố Hàng Bút.

Phố Tô Tịch dài 95m (quận Hoàn Kiếm) đi từ phố Hàng Quạt đến phố Hàng Gai. Thời Pháp thuộc phố được gọi là ngõ Tô Tịch, từ một ngõ nhỏ chật hẹp, Tô Tịch được mở rộng thành phố từ thập kỷ 1920. Trên phố có nghề thủ công truyền thống là nghề tiện gỗ, đến nay vẫn tồn tại.

Phố Nguyễn Trung Ngạn dài hơn 52m, cắt phố Nguyễn Công Trứ. Trước phố này thuộc đất thôn Yên Hội, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay phố thuộc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. Đây là một con phố nhỏ, được lấy tên là Nguyễn Trung Ngạn một Đại thần trải qua 5 đời vua nhà Trần và đã được vua Trần Dụ Tông phong chức Kinh sư Đại Doãn vào năm 1341, có thể coi đây là vị Thị trưởng Thăng Long đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.

Phố Đống Mác dài 60m, này nằm ở cuối phố Lò Đúc. Phố trước thuộc đất thôn Cảm Hội (sau là Thọ Lão), tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Trước nơi đây có cửa ô Ông Mạc, sau là ô Thanh Láng, ô Yên Lãng, dân gian thì gọi là ô Đống Mác.Tới năm 1994 phố được đặt tên là Đống Mác. Nay phố thuộc phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng.

Hoàng Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ngam-nhung-con-pho-o-ha-noi-chi-can-di-bo-vai-chuc-buoc-chan-la-het-173960.html