Ngắm Quốc hoa trên vùng Đồng Tháp Mười

Dù không phải là mùa nở rộ nhưng với sức sống mãnh liệt của mình, những đóa sen trong khu vực bảo tồn thuộc làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) vẫn tỏa hương, khoe sắc. Nơi đây, sen được bảo tồn, tránh sự khai thác của con người nên luôn tái sinh.

Sen trên miền đất Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trường Sơn

Cùng với cây tràm, những dòng kênh tĩnh lặng, hoa sen là mảnh ghép hoàn hảo để thu hút du khách về với miền đất hiếm hoi chưa bị con người tác động này. Cùng ngắm những bông sen trên vùng Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) dưới ống kính của PV Lao Động Trẻ:

Giữa vùng Đồng Tháp Mười bất tận, sen và tràm chia nhau môi trường sống. Sen mọc ở trên những dòng kênh len lỏi giữa rừng tràm. Ảnh: Trường Sơn

Đi dọc những tuyến kênh, du khách không chỉ được đắm chìm vào một không gian bao la trời nước mà còn được ngắm những bông sen vươn lên từ dòng nước êm ả. Ảnh: Trường Sơn

Sen hiện diện khắp nơi, khoe sắc giữa không gian bao la của vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: Trường Sơn

Theo lời giới thiệu của bạn hướng dẫn viên của Làng nồi Tân Lập - nơi đang bảo tồn hàng trăm ha rừng thuộc khu lõi của vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An - thì do không có sự tác động của con người nên nơi đây không bao giờ vắng bóng hoa sen. Khi những đài sen già đi, hạt của chúng sẽ rơi xuống rồi lại mọc lên, cứ thế sen luôn được tái sinh. Ảnh: Trường Sơn

Thời điểm để ngắm sen đẹp nhất là sáng sớm hoặc chiều tà. Dưới ánh hoàng hôn hay bình minh, những cánh sen hồng như những nét điểm xuyến cho khung cảnh của khu rừng. Ảnh: Trường Sơn

Từ lâu, sen mọc trên đất Đồng Tháp Mười luôn được xem là đẹp nhất. Dưới dòng nước êm ả, những cánh sen vươn lên rồi tỏa hương thơm ngát đã đi vào thi ca. Ảnh: Trường Sơn

Không phải nghiễm nhiên mà sen được xem là quốc hoa không chỉ của người Việt mà còn của nhiều dân tộc có cùng nền văn minh lúa nước. Bởi, trong vùng đầm lầy bao la, không có một loài hoa nào đẹp hơn sen và cũng không có loài hoa nào mang lại được nhiều lợi ích cho con người như sen. Hầu như tất cả những bộ phận của sen đã được con người khám phá, sử dụng để làm thực phẩm, làm thuốc từ hàng nghìn năm nay. Ảnh: Trường Sơn

Vươn lên từ bùn lầy để mang lại cái đẹp cho đời nên không phải nghiễm nhiên sen được xem là một trong những biểu trưng của Phật Giáo. Trong quan niệm dân gian cũng như văn hóa của người Việt, sen được xem là biểu trưng của lòng hiếu thảo, sự thanh khiết. Ảnh: Trường Sơn

Trường Sơn

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/an-choi/ngam-quoc-hoa-tren-vung-dong-thap-muoi-626077.ldo