Ngắm ruộng lúa mùa xưa cũ của 'kỹ sư... liều'

Đang là Trưởng Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, nhưng kỹ sư Lê Quốc Việt không đeo đuổi việc làm giàu theo kiểu mở cửa hàng vật tư nông nghiệp như bạn bè. Anh vét vốn, rồi vay mượn họ hàng thân tộc tận dụng phần đất 'hương quả' tại xóm Cù Là (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) để mở trang trại trồng lúa mùa theo phương thức cổ truyền, tức hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học...

Một góc ruộng lúa mùa của kỹ sư Lê Quốc Việt. Ảnh: Lục Tùng

Tất cả chỉ để hướng tới mục đích tạo ra nông sản sạch và lưu giữ đời sống lúa mùa cho thế hệ hôm nay biết về ngày xưa trước khi quá muộn.

Trên nền đất ruộng cao sản, anh dành ra diện tích lớn để tái hiện lại môi trường văn hóa gắn của đời sống cây lúa mùa. Theo đó, anh đào mương dẫn cá lên ruộng, nuôi vịt để bắt sâu, bọ; rồi khoanh vùng trồng những loại cây cỏ đang vắng dần trong nhịp sản xuất của lúa cao sản, như: Lác, rau dừa, điên điển...

Bên cạnh đó, anh cũng ra sức sưu tầm, lưu giữ và bảo tổn nhiều loại nông cụ từ lúc xuống giống cho đến thu hoạch và chế biến của lúa mùa và xây nhà khang trang, thoáng mát để bày trí.

Anh còn xây dãy nhà sàn trên ao thả cá tự nhiên để khách phương xa có thể nghỉ lại để cảm nhận không gian tĩnh lặng của nông thôn về đêm. Tốn kém, công phu là vậy, nhưng quan điểm của kỹ sư Việt không phải để kinh doanh theo khái niệm kinh tế thị trường mà là để quảng bá cho nhiều người cùng biết. Vì vậy anh rất hoan nghênh các đoàn nghiên cứu từ các viện, trường đại học đưa sinh viên đến tìm hiểu nên thường đích thân hướng dẫn, thuyết trình.

Nếu có nhu cầu ăn uống và nghỉ ngơi từ nguồn gạo, rau cá... nói không với hóa chất tại đây, cơ sở anh chỉ thu ở mức hữu nghị: 50 ngàn đồng/người/ bữa ăn và 100 ngàn đồng/phòng 2 người/đêm... Vì vậy dù không quảng bá theo kiểu thương mại, nhưng trang trại đón nhiều khách, nhất là ngày cuối tuần.

Một góc ruộng lúa mùa của kỹ sư Lê Quốc Việt. Ảnh: Lục Tùng

Cây lúa mùa được tái tạo từ giống lúa do trường ĐH Cần Thơ hỗ trợ. Ảnh: Lục Tùng

Ruộng không sử dụng phân thuốc hóa học nên chim chóc thường xuyên tìm đến trú chân. Ảnh: Lục Tùng

Đặc biệt, anh Việt dành ra diện tích khá lớn để bảo tồn các loại cây cỏ tự nhiên đang vắng dần trong cơn lốc tàn phá của lúa cao sản, như cây lác... Ảnh: Lục Tùng

... và rau dừa.. Ảnh: Lục Tùng

Anh sưu tầm hàng chục món nông cụ và xây nhà khang trang bày trí để mọi người tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Lục Tùng

Một góc bày trí vòng gặt đặc thù dùng cho cây lúa mùa. Ảnh: Lục Tùng

Xe bò, tức xe dùng sức bò kéo lúa từ ruộng về nhà. Ảnh: Lục Tùng

Cối và chày giã gạo. Ảnh: Lục Tùng

Cối xay lúa. Ảnh: Lục Tùng

Không chỉ sưu tầm, bảo tồn, kỹ sư Việt còn rất thạo cách sử dụng từng loại nông cụ và thường thực hiện cho khách có nhu cầu. Ảnh: Lục Tùng

Anh Việt dành ra một phần đất để các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đến thực hiện thí nghiệm. Ảnh: Lục Tùng

Căn nhà sàn nông thôn Nam bộ được anh tái hiện ngay trên mặt ao thả cá tự nhiên để du khách có thể tìm lại không gian nông thôn xưa chưa xa. Ảnh: Lục Tùng

Lục Tùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ngam-ruong-lua-mua-xua-cu-cua-ky-su-lieu-639692.ldo