Ngắm vẻ đẹp vượt thời gian của hàng cây di sản ở Côn Đảo

Kỳ lạ là cây bàng ở Côn Đảo có tán rộng, thân to, xù xì hơn ở những nơi khác, vì thế cũng có sức sống mạnh mẽ hơn. Đây là những cây đã được vinh danh là cây di sản Việt Nam.

Về Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ngoài tham quan những Di tích lịch sử đặc biệt như nhà tù Côn Đảo, cầu tàu 914, sân bay Cỏ Ống, nghĩa trang Hàng Dương..., du khách không thể bỏ qua vẻ đẹp khó cưỡng của những cây bàng, là những cây đã được vinh danh cây di sản Việt Nam.

Ở Côn Đảo có tất cả 79 cây thuộc các họ bàng, bằng lăng, điệp bèo và thị được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản, trong đó bàng chiếm số lượng nhiều nhất với 53 cây.

Không ai biết cây bàng từ đâu được trồng tại Côn Đảo, chỉ biết rằng người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về người tù Côn Đảo ngày xưa lấy lá bàng non làm thức ăn, chống lại bệnh tật của những tháng ngày nơi "địa ngục trần gian".

Có lẽ không nhiều cây di sản mang trong mình câu chuyện lịch sử bi tráng, gắn bó với một giai đoạn tàn khốc như những cây bàng ở Côn Đảo. Vậy nên, bàng là loài cây biểu tưởng cho sự gan lì, kiên cường của người tù Côn Đảo. Cây bàng cũng được coi là "chứng nhân" trong nhiều giai đoạn lịch sử của Côn Đảo

Cây bàng được trồng nhiều nhất trong các trại giam tại đảo, sau đó là trên các tuyến đường trung tâm của đảo. Hiện trên đường Tôn Đức Thắng có 19 cây di sản, trên đường Lê Duẩn có 11 cây, Di tích trại Phú Hải (thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo) có 8 cây, Di tích trại Phú Sơn (thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo) 7 cây, Di tích nhà Chúa Đảo có 8 cây.

Theo người dân địa phương thì khí hậu, thời tiết, môi trường đặc trưng ở Côn Đảo tác động nên cây bàng ở đây có gốc to hơn, vỏ cây xù xì, gân guốc hơn bàng trồng ở đất liền.

Ngoài việc tỏa bóng mát, bàng còn đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân nơi đây. Hạt bàng từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng đất này, được du khách tìm mua mỗi dịp đến với Côn Đảo. Hạt bàng được nhặt phơi đủ nắng sẽ được người dân địa phương đưa về để chẻ ra lấy hạt.

Công đoạn chẻ hạt cũng rất kỳ công, đòi hỏi phải có tay nghề, nếu không hạt bàng sẽ bị vỡ vụn, không thể chế biến được.

Hạt bàng Côn Đảo có điểm khác các hạt bàng ở đất liền, hạt to, dài, ăn thơm và ngon hơn. Đây là đặc sản mà rất hút khách tại đảo.

NGỌC GIANG thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ngam-ve-dep-vuot-thoi-gian-cua-hang-cay-di-san-o-con-dao-20210208213408588.htm