Ngăn chặn 'cát tặc', giữ bình yên những dòng sông

Với quyết tâm giữ bình yên cho những dòng sông chảy qua thành phố, thời gian qua, CATP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch tuần tra kiểm soát, đấu tranh phòng, chống đối với 'cát tặc', từng bước đem lại hiệu quả cao.

Những hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động trắng trợn của “cát tặc” năm 2018 trên địa bàn TP Hà Nội giảm mạnh so với thời điểm trước đó. Cùng với sự chủ động xây dựng, triển khai quyết liệt những chuyên đề, biện pháp bám sát đặc thù địa bàn, các đơn vị của Công an Hà Nội đã ký kết quy chế phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố giáp ranh, với Cục Nghiệp vụ Bộ Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép.

Một trận đánh “cát tặc” thành công trong đêm của các lực lượng Công an Hà Nội

Một trận đánh “cát tặc” thành công trong đêm của các lực lượng Công an Hà Nội

Đồng loạt đánh chặn, không để “cát tặc” lộng hành

Chỗ này làm mạnh, nơi kia thờ ơ; lợi dụng vị trí giáp ranh khai thác cát trái phép, khi bị truy đuổi lập tức điều khiển phương tiện đến “vùng an toàn”... có thời điểm, đây là những tồn tại trên mặt trận đấu tranh, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép. Còn năm 2018 nói riêng, đúng như chỉ huy Phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội chia sẻ: “Những kế hoạch kiểm tra, quây bắt đều mang tính liên hoàn. Đã ra quân là đồng loạt, đánh chặn toàn tuyến, khóa chắc đầu đuôi”.

Minh chứng cho điều này là “trận đánh” hồi rạng sáng một ngày cuối tháng 7 vừa qua. Tổ công tác Đội 3 - Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với CAH Gia Lâm làm nhiệm vụ trên tuyến sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) phát hiện nghi vấn chiếc tàu hút vỏ sắt, số hiệu VP: 0518 đang vận hành đầu nổ, sen vòi khai thác cát trái phép dưới lòng sông.

Chỉ trong ít phút, lực lượng chức năng đã chặn đứng phương tiện này, kiểm tra và xác định trên tàu có Nguyễn Văn Quyết (SN 1985, chủ tàu) và Quách Thanh Hồng (SN 1989, phụ tàu), cùng ở thôn Trung Quan, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Cả hai không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện cũng như hoạt động khai thác khoáng sản (cát) tại khu vực trên.

* Năm 2018, lực lượng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội phát hiện, kiểm tra, xử lý 265 vụ/303 đối tượng, 3 tổ chức vi phạm các quy định về khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trái phép, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 5,9 tỷ đồng.

* Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông và Công an các quận, huyện kiểm tra, xử lý, xử phạt 47 vụ/54 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

* Đối với lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát đen, từ ngày 15-11-2017 đến 15-11-2018, lực lượng Cảnh sát Môi trường - CATP Hà Nội kiểm tra, xử lý 127/137 đối tượng, tạm giữ 135 phương tiện thuyền các loại, tịch thu 4 phương tiện tàu hút, khởi tố 2 vụ/2 đối tượng và xử phạt vi phạm hành chính 109 vụ với số tiền gần 2,8 tỷ đồng.

Cùng thời điểm trên, tổ công tác do Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm, Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường trực tiếp chỉ huy, vây bắt chiếc tàu sắt, không mang số hiệu đang hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực địa bàn xã Bát Tràng, do Trần Văn Khánh (SN 1979, lái tàu) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1983, phụ tàu), cùng ở thôn Trung Quang, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm vận hành.

Ngược về hướng cầu Thăng Long, trước đó mấy tiếng đồng hồ, thế trận giăng bắt phương tiện hút cát trái phép được triển khai thành công tại địa bàn huyện Đông Anh. Lực lượng Cảnh sát Kinh tế - CAH Đông Anh phối hợp với Phòng 13, Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an bắt gọn 1 tàu vỏ thép, không mang số hiệu, có trọng tải 300 tấn đang ăn cát tại khu vực cách cầu Nhật Tân khoảng 300m, thuộc địa bàn xã Hải Bối. Đặng Văn Chung (SN 1982, trú tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) - danh tính chủ phương tiện đã tự giác chấp hành ký biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện.

Trái với “quy luật” hôm nay đã làm khúc sông này, mai sẽ chuyển sang địa bàn khác, 3 ngày sau, Đội 3 Phòng Cảnh sát Môi trường tiếp tục phối hợp với CAH Gia Lâm kiểm tra, phát hiện quả tang tàu hút mang số hiệu BN-1395 do Nguyễn Văn Anh (SN 1988, ở khu 5, Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) điều khiển, cùng phụ lái là Lương Văn Miên (SN 1993, ở xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), đang khai thác cát trái phép trên sông Đuống (đoạn thuộc địa bàn xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm). Theo ghi nhận đêm hôm đó, gần như toàn tuyến sông Hồng đoạn qua địa phận Hà Nội, vắng hẳn tiếng máy nổ.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, địa bàn có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhất về hoạt động khai thác cát trái phép, là khu Liêm Mạc (Bắc Từ Liêm), Tàm Xá (Đông Anh). Điều này được lý giải đơn giản: đây từng là “điểm nóng” và các lực lượng Công an Hà Nội sẽ kiên quyết làm thường xuyên. Tối 11-10, tổ công tác của Đội Cảnh sát tuần tra kiểm soát số 2 (khi ấy thuộc Phòng Cảnh sát Đường thủy, CATP Hà Nội) phát hiện, bắt quả tang 1 phương tiện đang khai thác cát trái phép. Chiếc tàu vi phạm có số hiệu TB-1335 trọng tải lên tới 755 tấn, và khi bị xử lý, nó đã kịp “ăn” cả trăm khối cát được rút từ lòng sông lên khoang tàu.

Rạng sáng 12-10, vẫn trên sông Hồng đoạn đi qua địa bàn xã Tàm Xá, tổ công tác của của Đội Cảnh sát tuần tra kiểm soát số 2 phát hiện tàu HN-1536 trọng tải gần 500 tấn đang hút cát trái phép. Vào thời điểm trên, tại khu vực phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, lực lượng Cảnh sát Đường thủy phát hiện, bắt quả tang tàu VP-0827 đang hút cát trái phép. Khi bị kiểm tra, những người có mặt trên các con tàu này đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện hoặc bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện.

CAH Ba Vì (Hà Nội) bắt quả tang nhiều tàu hút cát có công suất lớn

Đẩy mạnh công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có 15 tuyến sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài 493,3km. Trong đó, 7 tuyến sông có hoạt động khai thác, nạo vét cát lòng sông.

Bên cạnh đó hiện nay, địa bàn một số tỉnh, thành phố giáp ranh với Hà Nội có 17 tổ chức được UBND các tỉnh, thành phố cấp giấy phép hoạt động khai thác cát (trên sông Hồng, sông Đà, sông Công và sông Cầu).

Do nhu cầu và đặc biệt lợi nhuận cực lớn từ tài nguyên, khoáng sản, nên các hoạt động khai thác trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn TP Hà Nội và khu vực giáp ranh từng diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều đối tượng đã khai thác cát trái phép ở điểm giáp ranh, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian, phải mời nhiều cơ quan đến phối hợp xử lý, xác định vị trí.

Trước tình hình trên, tháng 11-2016, CATP Hà Nội đã trao đổi, thống nhất và ký Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực đường thủy nội địa với Công an 8 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Mục tiêu cao nhất của Quy chế phối hợp là khi phát hiện các vấn đề, tình hình liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản, trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ đê điều, các đơn vị sẽ phối hợp, thông tin để triển khai xử lý đồng bộ theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội cũng đã triển khai cơ chế phối hợp cùng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an ra quân tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa trên tuyến sông Hồng. Một trong những đối tượng trọng tâm của kế hoạch phối hợp này chính là “cát tặc”, là việc hình thành, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa bàn, không để trống tuyến, điểm khiến “cát tặc” có thể lợi dụng hoạt động.

Từ những cơ chế, quy chế mang tính chất “khung” ấy, các phòng nghiệp vụ CATP, các địa bàn có tuyến sông chảy qua, nhất là những nơi tồn tại hoạt động khai thác cát... sẽ chủ động xây dựng kế hoạch sát hợp đặc thù địa bàn, công việc. Trong đó, yêu cầu chung là rõ ràng, trọn vẹn trách nhiệm của chính đơn vị mình, và thực hiện tốt yêu cầu, đề nghị phối hợp trước các hoạt động, biểu hiện vi phạm trên sông.

Thượng tá Phùng Quang Hiển (Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội): Kiến nghị xử lý dứt điểm bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng không phép

“Việc quản lý hoạt động khai thác cát, đặc biệt ở địa bàn giáp ranh là hết sức phức tạp. Đáng nói, trên địa bàn TP Hà Nội không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào khai thác cát, sỏi nhưng các tỉnh lân cận lại cấp phép. Như vậy đã tạo ra sự thiếu nhất quán dẫn đến việc quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, để không tái phát sinh tụ điểm khai thác cát trái phép, sau khi triệt phá, các phòng nghiệp vụ CATP cũng như đơn vị trực thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… cần phải tăng cường công tác kiểm tra. Chúng tôi kiến nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND các quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng không phép, phù hợp với quy hoạch bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng của UBND TP, tiến hành cưỡng chế, giải tỏa theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cần phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh sớm hoàn thành phân định, xác định mốc giới hành chính trên các tuyến sông; tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, đi sâu vào hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tài nguyên khoáng sản; tăng cường tốt hơn nữa với Công an các quận, huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ CATP và các tỉnh, thành phố giáp ranh”.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn (Phó trưởng CAH Ba Vì, Hà Nội): Giảm hẳn tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến đường sông dài 47km

“Ba Vì là huyện có tuyến đường sông dài 47km, giáp ranh với nhiều huyện, thị xã của Hà Nội và 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình.

Thời gian qua, tình hình khai thác cát lòng sông trái phép trên địa bàn huyện Ba Vì diễn ra tương đối phức tạp. Tại một số khu vực giáp ranh xuất hiện đối tượng sử dụng tàu hút tự hành lén lút hoạt động vào ban đêm. Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2018, Ban chỉ huy CAH Ba Vì đã chỉ đạo đội nghiệp vụ xây dựng các kế hoạch tập trung đấu tranh, xử lý, trong đó phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng chỉ huy đồn, đội, cán bộ trinh sát địa bàn; chủ động trao đổi với các phòng nghiệp vụ của CATP cũng như kiến nghị Chủ tịch UBND huyện giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng ban chức năng và chính quyền địa phương cùng vào cuộc trong công tác đấu tranh với các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép.

Để nắm chắc tình hình hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn, ngoài việc trinh sát trực tiếp, CAH Ba Vì còn thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân tại khu vực ven sông, cung cấp số điện thoại đường dây nóng của chỉ huy CAH, chỉ huy đội nghiệp vụ để người dân kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép.

Từ đầu năm 2018 đến nay, CAH Ba Vì đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ tổng số 31 vụ liên quan tới 46 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, phạt hành chính tổng số tiền 1,27 tỷ đồng; tạm giữ nhiều phương tiện vi phạm, trong đó làm thủ tục tịch thu 3 tàu hút. Kết quả đấu tranh đó đã góp phần kiềm chế, ngăn chặn, làm giảm hẳn tình hình khai thác cát lòng sông trái phép trên địa bàn”.

Trung tá Đỗ Thị Thanh Bình (Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội): Chủ động các kế hoạch, phương án, “đánh” mạnh đối tượng vi phạm

“Năm 2018, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, cao điểm, phương án đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các loại tội phạm, trong đó có các đối tượng “cát tặc”. Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chính vì lẽ đó, trong năm 2018, tất cả các vị trí, đơn vị quản lý các tuyến sông đã thực hiện nghiêm, hiệu quả những kế hoạch, phương án của lãnh đạo các cấp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống “cát tặc”.

Với địa bàn quản lý các tuyến sông Thủ đô khá dài, đi qua nhiều quận, huyện cũng như giáp ranh với nhiều tỉnh, thành lân cận. Công tác đấu tranh xử lý “cát tặc” gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều nơi các tỉnh cho cấp phép khai thác. Nhiều đối tượng “cát tặc” đã lợi dụng địa bàn giáp ranh để tranh thủ khai thác cát trái phép mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động trong các kế hoạch, xây dựng chi tiết những phương án, “đánh” mạnh, hiệu quả đối với những đối tượng vi phạm. Có những thời điểm, hàng chục tàu, thuyền khai thác cát vi phạm đã bị lực lượng Cảnh sát Giao thông phát hiện, xử lý.

Thống kê, trong năm 2018, đơn vị đã kiểm tra và xử lý 5.778 trường hợp vi phạm, trong đó có rất nhiều trường hợp khai thác cát trái phép. Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng và trực tiếp phát hiện 122 vụ, bắt giữ 132 phương tiện khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, Cảnh sát Giao thông cũng phối hợp với Công an các quận, huyện và thị xã trên tuyến phát hiện 25 vụ việc, bắt giữ 39 đối tượng, thu cả vũ khí quân dụng với đạn.

Chúng tôi luôn xác định cuộc chiến với các loại tội phạm trên sông vô cùng nguy hiểm, nhưng bằng bản lĩnh, ý chí, sự quyết tâm, thái độ đồng lòng, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, nên chưa khi nào có suy nghĩ ngơi nghỉ, tự bằng lòng với kết quả đã đạt được. Tất cả đều vì sự bình yên trên các tuyến sông Thủ đô”.

Quang Trường - Hoàng Phong

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ngan-chan-cat-tac-giu-binh-yen-nhung-dong-song/792676.antd