Ngăn chặn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tốt cho thế giới

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 19-10 cho rằng, việc ngăn chặn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tốt cho hai bên và cho thế giới. Ông đồng thời khẳng định, Bắc Kinh sẽ làm việc với Washington để giải quyết các mối quan ngại chính của mỗi bên trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Ông Lưu Hạc đưa ra những phát biểu trên tại một hội nghị về công nghệ thực tế ảo ở thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây. Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ Trung Quốc đủ khả năng để đạt được các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong năm nay.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hi vọng thỏa thuận thương mại giữa nước này và Trung Quốc sẽ được ký trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Chile trong hai ngày 16 – 17-11 tới.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho rằng, thỏa thuận sẽ được ký khá sớm và hy vọng sẽ là tại hội nghị thượng đỉnh của APEC mà ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng tham dự. Ông cũng cho biết các cuộc làm việc giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra rất tốt. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố ông sẽ không ký bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Bắc Kinh trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị APEC sắp tới ở Chile.

Bộ trưởng Steven Mnuchin (phải), Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (trái) và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (giữa) tại một vòng đàm phán thương mại ở Washington DC, Mỹ.

Hiện Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến soạn thảo văn bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để lãnh đạo hai nước ký văn kiện này trong tháng tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, ông chuẩn bị tới Bắc Kinh để tiến hành thêm các cuộc họp nếu cần thiết, mặc dù phía Bắc Kinh chưa đưa ra lời mời về một cuộc họp cấp cao khác với Phó Thủ tướng Lưu Hạc về thỏa thuận hai bên đã phác thảo tuần trước.

Trong tuần này, hai bên cũng đã tiến hành các cuộc trao đổi qua điện thoại về thỏa thuận thương mại. Theo Bộ trưởng Steven Mnuchin, tuần tới, ông và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ có cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Lưu Hạc qua điện thoại.

Sau đó, ba quan chức này có thể sẽ gặp nhau tại Santiago (Chile), trước khi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị APEC. Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được đề xuất giữa hai bên sẽ bao gồm một nội dung “khá rộng” về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ tại Trung Quốc, nhưng chỉ đề cập một phần của nội dung về giới hạn chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc.

Ngoài ra, giai đoạn 1 của thỏa thuận cũng bao gồm vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, vấn đề cơ cấu nông nghiệp và tiền tệ. Một số nội dung như chuyển giao công nghệ cũng như các dịch vụ phi tài chính sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2. Theo Bộ trưởng Steven Mnuchin, mục tiêu của Mỹ là ký kết thỏa thuận trên nhân dịp hội nghị APEC.

Những tín hiệu tích cực từ Mỹ và Trung Quốc, như việc Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-10), hay việc Trung Quốc đã đồng ý mua 40 – 50 tỉ USD nông sản của Mỹ, cộng với những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho một thỏa thuận toàn diện mà người đứng đầu Nhà Trắng và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể ký kết trong năm nay, giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua vốn đã gây tổn hại lớn không chỉ cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này mà còn khiến thị trường toàn cầu chao đảo.

Trong một diễn biến liên quan, các quan chức hàng đầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, với những “hiệu ứng lan tỏa thực sự” đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi.

Giám đốc phụ trách các thị trường vốn và tiền tệ của IMF, Tobias Adrian, cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có tác động lớn đến các thị trường tài chính trong hai năm qua. Quan chức này hối thúc các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới tiếp tục phối hợp để giải quyết những căng thẳng thương mại khi đây là nguồn gốc gây ra những yếu tố không chắc chắn và các rủi ro suy giảm.

Theo quan chức này, những hiệu ứng lây lan thực sự đang ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF đã hoan nghênh thỏa thuận thương mại một phần mà Mỹ và Trung Quốc đạt được trong tuần trước, đồng thời kêu gọi hai nước tiếp tục làm việc để kết thúc những căng thẳng thương mại đang gây tác động tiêu cực lên lòng tin doanh nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bà Gopinath cho rằng, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,8% nếu Mỹ và Trung Quốc áp các mức thuế bổ sung trong tháng 10 và tháng 12 tới, nhưng chỉ giảm 0,6% nếu hai bên ngừng tăng thuế. Theo dự báo của IMF, trao đổi thương mại toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ tăng 1,1% sau khi tăng trưởng 3,5% vào năm 2018.

Con số này vào năm 2020 sẽ phục hồi lên mức 3,2%, tuy nhiên những nguy cơ giảm sút vẫn hiện hữu do đà tăng trưởng chậm của kinh tế Mỹ và Trung Quốc. IMF đã giảm dự báo kinh tế toàn cầu trong quý thứ tư liên tục và cho rằng các cuộc chiến thương mại do ông Donald Trump khởi xướng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. IMF kêu gọi tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/ngan-chan-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-se-tot-cho-the-gioi-566345/