Ngăn chặn dịch bệnh lan rộng trên gia súc, gia cầm ở Bắc Kạn

Từ tháng 11 tới nay, tại Bắc Kạn liên tiếp phát hiện các ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; trong đó, đặc biệt là ổ dịch cúm A/H5N6 mới được phát hiện ngày 16-12. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới dịch bệnh bùng phát là do khâu tiêm phòng chưa tốt.

Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 mới phát hiện tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông.

Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 mới phát hiện tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông.

Từ ngày 7-11, huyện Chợ Mới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên 41 trâu, bò tại các xã Quảng Chu, Thanh Bình và Bình Văn. Trong đó, xã Bình Văn dịch có chiều hướng lây lan nhanh nhất với 35 con trâu, bò bị mắc. Theo lãnh đạo xã, toàn xã có khoảng 400 con trâu, bò, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh thì thiệt hại cho người dân là rất lớn. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp tiêu độc, khử trùng, cách ly những gia súc bị bệnh, sử dụng nước chua, thuốc sát trùng để rửa vết thương… nhưng số gia súc nhiễm bệnh mới vẫn xuất hiện.

Ngày 19-11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm tại hộ ông Hoàng Văn Tu, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương đã cho kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với virus LMLM type O. Đến ngày 25-11, dịch xuất hiện trên đàn trâu, bò của ông Nguyễn Đình Danh, thôn Khuôn Tắng và hộ bà Ma Thị Thành, thôn Thôm Bó, xã Bình Văn với dấu hiệu đặc trưng của bệnh LMLM. Theo Chi cục thú y Bắc Kạn, từ ngày 1-11 đến nay, bệnh LMLM Type O đã lây lan ra 96 con trâu, bò ở 30 hộ tại chín thôn thuộc bốn xã của huyện Chợ Mới. Trong đó số đã khỏi bệnh 47 con; đang điều trị là 49 con.

Mới nhất, ngày 16-12, Bắc Kạn phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm của hộ anh Bùi Văn Nhuận, phố Ngã ba, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông. Từ ngày 11-12, liên tiếp 21 con gà trên tổng đàn 100 con của gia đình anh Nhuận bị chết. Chi cục Chăn nuôi thú y đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bạch Thông kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Kết quả, các mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm gia cầm subtype H5N6. Đây là lần đầu tiên tại Bắc Kạn phát hiện dịch cúm này trên gia cầm, bệnh có thể lây sang người khiến nhân dân đang rất lo lắng.

Để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng, Chi cục Thú y đã chỉ đạo, phối hợp các địa phương khoanh vùng ổ dịch, không vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào vùng có dịch; không bán chạy, giết mổ gia súc ốm, chết trong vùng dịch. Hướng dẫn các hộ dân có trâu, bò ốm tiến hành cách ly con ốm, không chăn thả ra bãi chăn, đồng cỏ chăn nuôi chung với đàn vật nuôi của các hộ khác. Tiến hành điều trị trâu ốm bằng cách rửa vết loét bằng nước chanh, giấm, khế chua…; bổ sung thức ăn là những loại cỏ mềm, cháo loãng. Triển khai phun thuốc khử trùng tiêu độc tại vùng dịch và vùng uy hiếp. Riêng huyện Bạch Thông, tập trung kiểm soát việc giết mổ, tiêu thụ sản phẩm của gà trong phạm vi vùng dịch và vùng bị uy hiếp, tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc trong khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới dịch bệnh liên tục bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm ở Bắc Kạn là do khâu tiêm phòng thực hiện chưa tốt. Nhiều xã đã có dịch trước đây nhưng vẫn không rút ra bài học kinh nghiệm ứng phó cho hiệu quả. Đơn cử tại huyện Chợ Mới, trong số gia 96 con trâu, bò nhiễm bệnh trong tháng 11, chỉ có 18 con được tiêm phòng vắc-xin LMLM Type O đợt 2 năm 2019. Cả năm 2019, Bắc Kạn mới tiêm phòng vắc-xin LMLM được 72.386/104.400 liều đạt 69% kế hoạch. Đến nay, các ổ dịch mới lại tiếp tục bùng phát ở các địa phương này.

Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh và chăn nuôi (Chi cục thú y Bắc Kạn) Nông Quang Hải cho biết, trung bình mỗi năm tỉnh bỏ ra hơn một tỷ đồng để mua vắc-xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong đó có vắc-xin LMLM. Tuy nhiên, với số kinh phí này, chỉ có thể đủ để tiêm vắc-xin LMLM đối với đàn trâu, bò là vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Riêng vắc-xin tiêm chống cúm gia cầm các địa phương cũng phải tự cân đối cũng là rất khó khăn. Đối với đàn lợn, gia cầm người nuôi phải tự bỏ kinh phí ra để mua vắc-xin và tiêm theo hướng dẫn. Mỗi mũi tiêm cho lợn và gia cầm giá không quá cao, nhưng người nuôi cho rằng thời gian chăn nuôi ngắn, thường chỉ ba đến bốn tháng nên nhiều hộ chủ quan, không tiêm phòng dẫn đến nhiễm bệnh.

Như vậy, trong năm 2019 này, người chăn nuôi ở Bắc Kạn chịu thiệt hại rất lớn. Trong đó, riêng từ tháng 6 đến hết tháng 7-2019, dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn đã làm chết, phải tiêu hủy 16.137 con, với tổng trọng lượng gần một nghìn tấn, phải hỗ trợ kinh phí từ ngân sách hơn 26 tỷ đồng. Đối với trâu, bò, từ đầu năm tới nay, dịch LMLM làm chết 31 con, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho bà con.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, UBND tỉnh đã ban hành công văn khẩn, chỉ đạo ngành chuyên môn, các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch. Sở Y tế khẩn trương triển khai ngay công tác giám sát chặt chẽ bệnh cúm trên người, đề phòng dịch cúm gia cầm lây sang người. Chúng tôi sẽ yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, về lâu dài, Bắc Kạn cũng kiến nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí vắc-xin, thuốc tiêu độc khử trùng cho tỉnh, nhất là khi hiện nay, các hộ chăn nuôi lợn thiệt hại lớn.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42633102-ngan-chan-dich-benh-lan-rong-tren-gia-suc-gia-cam-o-bac-kan.html