Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: 'Nội bất xuất, ngoại bất nhập'

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.

Tập trung kiềm chế dịch

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước với tổng số lợn nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy gần 8 nghìn con.

 Nhân viên bảo vệ tại trại nuôi lợn nái tư nhân Hùng An (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng) phun sát khuẩn phương tiện vào khu vực chăn nuôi.

Nhân viên bảo vệ tại trại nuôi lợn nái tư nhân Hùng An (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng) phun sát khuẩn phương tiện vào khu vực chăn nuôi.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận ổ dịch tại các xã Giáo Liêm, Yên Định và An Lạc (Sơn Động); Ngọc Thiện (Tân Yên); Yên Lư (Yên Dũng). Các ổ dịch này đều có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, trên địa bàn huyện Sơn Động đã có 51 con lợn bị chết và buộc phải tiêu hủy.

Tại xã Yên Lư - địa bàn có nhiều cơ sở chăn nuôi lợn, từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, các doanh nghiệp (DN), hộ chăn nuôi đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, thực hiện nghiêm quy tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khu vực trại lợn được rắc vôi bột và phun hóa chất khử khuẩn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, thôn An Thái, xã Yên Lư đang nuôi 1,2 nghìn con lợn thịt. Dù trên địa bàn đã xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng số lợn của gia đình ông vẫn an toàn.

 Công nhân thực hiện rắc vôi bột khu vực chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, xã Yên Lư.

Công nhân thực hiện rắc vôi bột khu vực chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, xã Yên Lư.

Ông Đoàn cho biết: “Xác định nếu dịch lây lan vào trang trại sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế nên tôi tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Để bảo vệ đàn lợn trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, ngoài việc thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, gia đình đặc biệt quan tâm đến việc quản lý người và phương tiện ra vào trại. Công nhân ăn nghỉ và làm việc tại chỗ, phương tiện vào trại đều phải khử khuẩn”.

Lực lượng chức năng xã Yên Định (Sơn Động) tiêu hủy lợn chết do nhiễm dịch. Ảnh: Xuân Thỏa

Lực lượng chức năng xã Yên Định (Sơn Động) tiêu hủy lợn chết do nhiễm dịch. Ảnh: Xuân Thỏa

Đồng thời gia đình ông Đoàn đã thực hiện tổng vệ sinh khu vực chuồng nuôi, cổng trại luôn đóng cửa, công nhân tuân thủ quy định “ai ở đâu, ở nguyên đó”, hạn chế ra ngoài. Người vào trang trại phải qua phòng sát trùng, khử khuẩn, thay trang phục bảo hộ, cách ly đủ 48 giờ đồng hồ.

Trang trại cũng tăng cường bổ sung thuốc, hóa chất xử lý môi trường lên gấp đôi so với thời điểm bình thường; quan tâm phun thuốc diệt muỗi, quây bịt kín chuồng nuôi bằng lưới để ngăn ruồi, muỗi, chuột hay các côn trùng mang mầm bệnh vào bên trong.

Cách trại lợn của gia đình ông Đoàn vài trăm mét là trại nuôi lợn nái tư nhân Hùng An cũng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều lớp, người và phương tiện khi đến cổng đều phải phun khử khuẩn và tuyệt đối tuân thủ quy trình phòng dịch do trang trại đề ra. Ông Vi Văn Dùng, bảo vệ tại đây cho hay: ‘‘Khi dịch bệnh chưa xuất hiện, công nhân thực hiện rắc vôi bột khử khuẩn khu vực xung quanh chuồng trại mỗi tuần 2 lần thì nay nâng lên 3 lần. Việc phun hóa chất khử khuẩn cũng được tăng cường”.

Không chủ quan, giấu dịch

Khoảng 2 tháng nay, giá lợn hơi đang trên đà tăng mạnh, có thời điểm đạt 70 nghìn đồng/kg, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều DN, cơ sở chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện dịch tả lợn châu Phi vẫn là mối đe dọa thường trực với người chăn nuôi trong tỉnh, nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất lớn nên việc tái đàn cần phải thận trọng và chỉ nên tái đàn khi thực sự bảo đảm an toàn.

Ông Đàm Văn Cải, thôn Khe Táu, xã Yên Định (Sơn Động) khử trùng bằng vôi bột khu vực nuôi lợn. Ảnh: Xuân Thỏa

Ông Đàm Văn Cải, thôn Khe Táu, xã Yên Định (Sơn Động) khử trùng bằng vôi bột khu vực nuôi lợn. Ảnh: Xuân Thỏa

Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, khi phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất, tuyệt đối không giấu dịch. Cùng đó, tổ chức tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và các đàn lợn xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp.

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức ngay các biện pháp xử lý ổ dịch và biện pháp phòng, chống theo quy định của Luật Thú y. Đặc biệt, phải dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã có lợn, sản phẩm lợn được xác định dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Các cơ sở chăn nuôi không lơ là, chủ quan, hạn chế tối đa việc cho người khác vào khu vực chăn nuôi. Người chăn nuôi hạn chế ra ngoài tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ làm phát sinh, lây lan dịch bệnh. Nếu cần thiết phải cho người khác vào nơi chăn nuôi thì cần thay quần áo, giầy dép, sát khử khuẩn nhằm ngăn chặn, loại bỏ yếu tố trung gian truyền dịch bệnh từ ngoài vào.

Chuồng nuôi cần bảo đảm khoảng cách tối thiểu 500 m đối với đường giao thông, chợ buôn bán động vật sống, điểm giết mổ lợn và tối thiểu 300 m với khu dân cư, cơ sở chăn nuôi lợn khác; được che chắn để ngăn ngừa côn trùng, chuột…

Chính quyền các địa phương chỉ đạo, huy động các nguồn lực trên tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Phân công cán bộ giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện và báo cáo cơ quan chuyên môn để cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để lây bệnh ra diện rộng.

Phối hợp với cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết làm lây lan dịch bệnh.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn lợn, đặc biệt là tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-noi-bat-xuat-ngoai-bat-nhap-132911.bbg