Ngăn chặn ma túy học đường

Công an TP Hồ Chí Minh vừa khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới được pha trộn, ngụy trang dưới dạng thực phẩm chức năng như kẹo, đồ uống, thuốc lá điện tử...

Các sản phẩm này có hình thức, màu sắc, mùi vị không khác gì sản phẩm thông thường, được trao đổi, mua bán qua mạng xã hội và sử dụng đơn vị trung gian (Grab, Be, Gojek...) để vận chuyển nên rất khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh. Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, một số trường học tại các tỉnh, thành phố trong nước cũng có hiện tượng này.

Theo thống kê, hiện nay, toàn quốc có hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; hơn 60% số người sử dụng chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15-25, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên. Đây là con số đáng báo động. Nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thì hệ lụy đối với thế hệ tương lai của đất nước rất đáng lo ngại.

Ảnh minh họa: Internet.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp và chỉ đạo quyết liệt, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong cuộc chiến chống ma túy, thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, với những biến tướng trong sản xuất, tàng trữ, mua bán các loại ma túy thế hệ mới, công tác kiểm soát phải chặt chẽ, kịp thời, bởi một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang coi việc sử dụng ma túy thế hệ mới là cách để khẳng định bản thân, thể hiện“dân chơi” sành điệu. Nắm được xu hướng này, các đối tượng buôn bán ma túy đã dùng thủ đoạn tinh vi để đưa ma túy thế hệ mới xâm nhập học đường.

Hậu quả khi sử dụng ma túy đã rõ. Đặc biệt ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh. Vì thế các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng cần khẩn trương hành động để bảo vệ môi trường học tập của hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường, địa phương phải là những trụ cột tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ các em. Vì thế, một cơ chế phối hợp chặt chẽ cần được triển khai ngay. Các lỗ hổng trong công tác quản lý học sinh, sinh viên phải được bịt chặt.

Cùng với tăng cường biện pháp kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy, Chính phủ nên có quy định cấm lưu hành thuốc lá điện tử, có chế tài mạnh đối với các hành vi sản xuất, buôn bán; chặn nguy cơ ma túy "mặc áo" thuốc lá điện tử và các sản phẩm khác xâm nhập học đường.

Cơ quan chức năng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nắm bắt kịp thời phương thức hoạt động của các đối tượng buôn bán để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Ngành giáo dục phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho thầy và trò, tạo "hệ miễn dịch" trong chính ngôi trường, cơ sở đào tạo của mình. Gia đình và nhà trường phải kịp thời nắm bắt, phát hiện những bất thường trong sinh hoạt, học tập của con trẻ để giáo dục, quản lý; phối hợp với đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý hiệu quả, giúp các em tránh xa nguy hiểm.

Ma túy là thuốc độc đối với xã hội, đất nước, đặc biệt là với học sinh, sinh viên, thế hệ tương lai của nước nhà. Trước sự "tấn công" của ma túy vào học đường, chúng ta cần hành động ngay, không được phép chậm trễ.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ngan-chan-ma-tuy-hoc-duong-726458