Ngăn chặn mua bán người thông qua hạn chế di cư trái phép

Hiện nay, tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.

Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán). Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ USD/năm.

Ở nước ta, giai đoạn 2016 - 2019, toàn quốc phát hiện hơn 1.100 vụ, với hơn 1.500 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. So giai đoạn trước, giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân, tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp...

Nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác này. Chủ tịch nước đã phê chuẩn Công ước Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (2011); Bộ luật Hình sự (2015) và Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (năm 2015), trong đó, sửa cơ bản các điều luật liên quan tội phạm mua bán người theo hướng mở rộng hành vi và tăng mức hình phạt.

Trong lĩnh vực di cư lao động: Quốc hội thông qua Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (2006) và Chính phủ, bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với lao động qua lại biên giới đường bộ, Chính phủ đã ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được qua biên giới lao động nhằm hạn chế tình trạng di cư trái phép dễ bị lừa bán người ra nước ngoài.

Trong lĩnh vực hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài: Quốc hội ban hành Luật Hôn nhân và gia đình (2014); Luật Hộ tịch (2014); Luật Nuôi con nuôi (2010); Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Bộ Tư pháp ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành nhằm chấn chỉnh việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó, khắc phục các kẽ hở không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này.

Với vai trò chủ lực trong phòng, chống tội phạm mua bán người, Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn công an các địa phương phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, tiến hành tổng điều tra, rà soát về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và đối tượng khác liên quan, tập trung rà soát vụ việc, đối tượng phạm tội, nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán; các trường hợp kết hôn với người nước ngoài, hoạt động mua bán người.

Tăng cường công tác nắm tình hình, kiên quyết triệt xóa các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép; các cơ sở môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi bất hợp pháp, các tụ điểm tổ chức cho người nước ngoài xem mặt phụ nữ Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài. Đồng thời, chỉ đạo việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài.

Hằng năm, lực lượng công an chủ trì, phối hợp lực lượng biên phòng đồng loạt ra quân triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm bảo đảm ANTT dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là ban hành kế hoạch, tổ chức lực lượng, triển khai thực hiện các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc (từ ngày 1-7 đến ngày 30-9 hằng năm).

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam theo dõi tình hình tội phạm mua bán người liên quan công dân Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên các cơ quan chức năng trong nước và sở tại, các tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam sở tại nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

GIAI THANH - LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/ngan-chan-mua-ban-nguoi-thong-qua-han-che-di-cu-trai-phep-629032/