Ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ tại các đô thị lớn (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Kiên quyết xử lý các công trình sai phạm - Trung bình mỗi ngày, tại các thành phố lớn xảy ra từ hai đến ba vụ cháy. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) đang bộc lộ nhiều bất cập. Thực tế này đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý các công trình sai phạm về PCCC.

Người dân dập lửa trong vụ cháy tại chợ Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Mỗi ngày, hai đến ba vụ cháy

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, năm 2017, tại Hà Nội xảy ra 820 vụ cháy (trung bình mỗi ngày xảy ra 2,5 vụ), quý I-2018 xảy ra 280 vụ (trung bình mỗi ngày ba vụ), làm 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 617 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở khu vực nội thành, các doanh nghiệp tư nhân, nhà riêng. Phần lớn số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra tại các nhà ở liền kề kết hợp kinh doanh buôn bán, sản xuất, làm nhà kho… Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2017 xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

Riêng ba tháng đầu năm nay đã xảy ra 121 vụ cháy, làm chết 16 người. Ngày 23-3 cháy chung cư Carina Plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người chết, 51 người bị thương; chiều 24-3, một vụ cháy lớn xảy ra tại khách sạn Hạnh Long, phường 5 (quận 5), lực lượng PCCC đã nhanh chóng khống chế ngọn lửa, giải cứu kịp thời 19 người có nguy cơ ngạt khói. Ngày 26-3 lại xảy ra cháy tại tiệm photocopy (đường Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) khiến một người chết, hai người bị thương; ngày 1-4 tiếp tục xảy ra cháy tại một căn hộ tầng 8, chung cư PARC Spring (phường Bình Trưng Đông, quận 2) khiến hàng trăm người hoảng loạn tìm đường thoát thân...

Nguy cơ cháy, nổ tại chung cư cao tầng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Khu vực dễ xảy ra cháy và đám cháy lây lan nhanh nhất, gây hậu quả lớn nhất là tầng hầm chung cư, nơi tập trung nhiều phương tiện, vật liệu dễ cháy như xe máy, ô-tô và các tầng đế - nơi có hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí. Các căn hộ cũng là khu vực dễ xảy ra cháy, chủ yếu do chập điện, bất cẩn khi đun nấu, thắp hương… Bên cạnh đó, nguy cơ cháy, nổ tại các chung cư mi-ni, chợ truyền thống rất lớn, do những quy định về an toàn PCCC còn sơ hở.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: Trước tình trạng đáng báo động này, trong năm 2017, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra, phúc tra gần 38 nghìn lượt. Qua đó phát hiện, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khắc phục hạn chế, thiếu sót về PCCC. Xử phạt hơn 4.000 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định PCCC với số tiền gần 13 tỷ đồng; đình chỉ gần 290 lượt cơ sở, yêu cầu hơn 1.000 cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục hạn chế, thiếu sót. Thành phố công khai danh tính các chủ đầu tư, công trình vi phạm quy định PCCC, kèm theo khuyến cáo người dân không mua căn hộ, không vào sinh sống tại các công trình chưa hoàn thành khắc phục vi phạm; chuyển hồ sơ các vụ vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC sang cơ quan điều tra.

Đại tá Nguyễn Minh Thông, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, sẽ khởi tố bị can vụ cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người chết, 51 người bị thương. Đây không phải là vụ cháy đầu tiên mà Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra xử lý khi phát hiện được nguyên nhân, hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Ngoài việc điều tra làm rõ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trước pháp luật, hằng năm, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại các tòa chung cư. Trong năm 2017, đã tổng kiểm tra an toàn PCCC đối với 712 công trình cao tầng, 28 công trình siêu cao tầng, 70 trung tâm thương mại. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC, với 116 lỗi vi phạm. Cảnh sát PCCC đã lập biên bản xử phạt, thậm chí đình chỉ dự án.

Chưa quan tâm đúng mức cho công tác PCCC

Vấn đề đặt ra là tại sao chính quyền các thành phố và các lực lượng chức năng đã quan tâm đến công tác PCCC, nhưng tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp và hậu quả khó lường?

Đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội nêu rõ: Tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu, mức độ chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu đơn vị, cơ sở, của người dân về công tác PCCC còn hạn chế. Điển hình như vụ cháy chợ Quang ngày 31-3 thiêu rụi 10 ki-ốt và 40 sạp hàng, thiệt hại hàng tỷ đồng, bước đầu xác định nguyên nhân do chủ ki-ốt bán vải thắp hương cúng rằm. Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa làm tốt công tác phòng ngừa cháy, nổ, chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị PCCC theo quy định. Việc khắc phục các hạn chế theo kiến nghị của Cảnh sát PCCC còn chậm mà bằng chứng là đến nay, vẫn còn 29 công trình chung cư cao tầng vi phạm về PCCC.

Phân tích thêm những hạn chế trong công tác PCCC tại nhà chung cư hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, chủ đầu tư không thực hiện trách nhiệm, không tổ chức thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý PCCC, trong khi đó, trách nhiệm của ban quản lý, ban quản trị nhà chung cư hết sức mờ nhạt. Công tác xử lý cháy của lực lượng tại chỗ không kịp thời, thông tin báo cháy chậm, lực lượng PCCC tại chỗ mỏng và kém hiệu quả. Ý thức chấp hành nội quy, yêu cầu về PCCC còn thấp. Người dân sống trong chung cư chưa tích cực tham gia các buổi tuyên truyền hướng dẫn về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Kiểm tra an toàn PCCC chưa nghiêm, công tác xử lý vi phạm về PCCC chưa quyết liệt.

Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác chữa cháy còn bất cập. Ở Hà Nội hiện có hơn 1.200 tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được. Mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Hà Nội còn thiếu 4.000 trụ nước. Trong số hơn 3.700 trụ nước chữa cháy hiện có, 117 trụ không lấy được nước do bị kẹt nắp, mất nắp, hoặc bị xây lấp, 182 trụ không có nước. TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 9.600 trụ nước cứu hỏa, còn thiếu hơn 11 nghìn trụ nước chữa cháy ở các khu dân cư. Trong số đó, 668 trụ bị hư hỏng không lấy nước được do không được duy tu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo quy định. Tình trạng mất nắp bảo vệ họng chờ trụ nước chữa cháy xảy ra thường xuyên.

Mạnh tay hơn với những công trình vi phạm

Để ngăn ngừa tình trạng cháy, nổ, mỗi cơ sở, doanh nghiệp, người dân phải tự giác chấp hành, tự giác kiểm tra công tác chòng cháy của cơ sở; tuyệt đối chấp hành nghiêm Luật PCCC, các quy phạm pháp luật của Nhà nước đã ban hành về PCCC; lắp đặt thiết bị PCCC đúng quy định. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi các cơ sở kinh doanh hoạt động…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định: “Thành phố sẽ truy đến cùng trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư nếu để xảy ra cháy lớn trên địa bàn. Từ nay đến ngày 15-6, các quận, huyện, thị xã cần xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác PCCC”. Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu, 14 chung cư cao tầng có khả năng khắc phục hạn chế về PCCC phải hoàn thành việc khắc phục trước ngày 30-4. Với 15 công trình khó có khả năng khắc phục, lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo từ nay đến ngày 30-4, phải lập hồ sơ, luận chứng để trình Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm định, thẩm duyệt các biện pháp thay thế. Nếu được thay thế, đến ngày 30-6 phải tổ chức khắc phục xong. Nếu cố ý chây ỳ, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra, rà soát, phân loại, đánh giá điều kiện an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng. Những chung cư, nhà cao tầng đã được Cảnh sát PCCC yêu cầu khắc phục mà không thực hiện, hoặc đã bị xử phạt về PCCC mà vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị công bố danh tính. Các chung cư, nhà cao tầng sẽ được kiểm tra PCCC bốn lần trong năm và kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu vi phạm. Trong trường hợp cần thiết sẽ thông tin định kỳ tình trạng chung cư trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí sẽ áp dụng cơ chế đặc thù của thành phố để xử phạt ở mức nghiêm hơn.

Về phía người dân, Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần quan tâm đến công tác PCCC nơi mình sống như tìm hiểu thêm kiến thức về PCCC, tham gia công tác tập huấn chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa mi-ni trong nhà… Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình hay cẩn trọng trong việc thắp hương, thờ cúng. Phải có trách nhiệm với chung cư nơi mình sinh sống, cần bảo quản tốt các trang thiết bị chữa cháy đã được trang bị, nếu phát hiện hỏng hóc phải báo cho ban quản lý tòa nhà. Trong trường hợp có cháy, cần bình tĩnh, quan sát xem lửa đang cháy ở đâu. Trường hợp lửa không đe dọa trực tiếp tới tính mạng thì đóng cửa ở trong phòng, sử dụng băng dính chống cháy hoặc chăn ướt, khăn ướt… chèn kín khe cửa, không để khói độc bay vào, rồi gọi điện thoại báo cho lực lượng cứu nạn theo số 114.

* Bài 1: Nhiều nỗi lo

------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11-4-2018.

NHỊ HÀ, VŨ NGUYÊN và LÊ TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36059402-ngan-chan-nguy-co-chay-no-tai-cac-do-thi-lon-tiep-theo-va-het.html