Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

Chiều 17-10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Qua nắm bắt thông tin về tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh biên giới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam điều tra, xác minh và phản ánh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Trở lại thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8-2023, giá lợn hơi trong nước bình quân khoảng 58.000 – 65.000 đồng/kg và có sự chênh lệch khá lớn với giá lợn hơi của các nước láng giềng. Hoạt động vận chuyển trái phép lợn từ Campuchia về Việt Nam diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, tại tỉnh Long An, có những đêm hàng nghìn con lợn thịt được vận chuyển bằng sà lan qua kênh Cái Cỏ (có chiều rộng chỉ khoảng 10m) tại địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Những con lợn này sau đó được đưa về một số trang trại chăn nuôi vùng giáp biên giữa 2 nước để “tẩy trắng hồ sơ” nguồn gốc xuất xứ trước khi đưa vào sâu trong nội địa tới các lò mổ, qua mặt lực lượng chức năng.

Thậm chí, có đầu nậu còn cung cấp cả chất cấm Sabultamol để các trang trại cho lợn ăn kèm để tạo nạc. Ngoài lợn thịt, các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, gà cũng được đưa sang Việt Nam qua lối này với số lượng không hề nhỏ tùy các thời điểm người dân trong nước có nhu cầu hoặc giá cả có sự chênh lệch.

Một trang trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu tại nghị, ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng ở nước ta đã phát hiện, bắt giữ 159.979 con động vật; 116.183kg sản phẩm động vật; trứng gia cầm 43.912 quả nhập lậu. Cụ thể: Tại tỉnh Lạng Sơn, phát hiện 31 vụ với khoảng 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt; 8.532kg sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ. Quảng Ninh phát hiện 41 vụ, 14.795 con gia cầm giống; 27.900 quả trứng gia cầm giống, 16.695kg sản phẩm động vật nhập lậu. Tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ, 39.000 con gia cầm giống, 347 gia súc; 16.012 quả trứng gia cầm giống, 31.351kg sản phẩm động vật. Tỉnh Long An phát hiện 5 vụ, tiêu hủy 68 con lợn, 26 con bò nhập lậu, xử phạt hành chính 4 đối tượng với số tiền 27 triệu đồng và khởi tố 3 bị can. Tỉnh An Giang phát hiện 5 vụ với 35 con gia cầm; 97 gia súc nhập lậu.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và Bộ NN-PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các đoàn công tác, các hội nghị quán triệt. Thế nhưng việc triển khai của các địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, tình trạng gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật nhập lậu vẫn xảy ra. Tác động nguy cơ nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vào Việt Nam. Do gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới xâm nhập vào nước ta: Bệnh do virus gia cầm cúm A H5N1; lợn tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò... Do đó, nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm do chưa có vaccine, gây thiệt hại về kinh tế đối với ngành chăn nuôi trong nước khi dịch bệnh có thể lây lan. Đặc biệt nguy cơ những dịch bệnh từ động vật mới nổi từ động vật truyền lây sang người là rất cao.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ngan-chan-nhap-lau-gia-suc-gia-cam-va-giai-phap-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-747502