Ngăn chặn nợ chéo

(HNM) - Theo các ngành chức năng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đạt hiệu quả, được thể hiện bằng bảo toàn và tăng vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm 2008, vốn chủ sở hữu đã đạt 485.644 tỉ đồng. Hệ số an toàn vốn (tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu) luôn ở mức cho phép.

Tuy nhiên, trong phần nợ, hầu hết tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại chưa nêu rõ cơ cấu nợ phải trả (khoản nợ phải trả các doanh nghiệp khác (nợ chéo), nợ ngân sách và nợ nước ngoài là bao nhiêu...). Theo báo cáo nợ nước ngoài của Bộ Tài chính, tổng nợ nước ngoài của khu vực công (TƯ, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước) năm 2008 là 25,1% GDP. Tổng nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty đến 31-12-2008 là 185,826 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vừa là con nợ vừa là chủ nợ. Bởi các đơn vị này vay vốn ngân hàng để đầu tư và kinh doanh, được bạn hàng cho trả chậm (nợ đối tác kinh doanh) hay chưa trả thuế đúng hạn và trở thành con nợ (của các ngân hàng, Nhà nước) và cũng có thể là các chủ nợ (khi bán hàng trả chậm, hay trả tiền trước khi mua hàng). Những khoản này gọi là khoản cho vay chéo. Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ nên bị chiếm dụng vốn, phát sinh nợ khó đòi, nhiều khoản nợ không xác định được đối tượng, không đủ hồ sơ, chưa phân loại và trích lập dự phòng, xử lý nợ khó đòi theo quy định... Như vậy, việc nợ lẫn nhau của các tập đoàn và tổng công ty cũng đáng báo động. Nếu những đơn vị này mang các khoản phải thu lớn làm "tài sản thế chấp" để vay ngân hàng, thì rắc rối do nợ chéo gây ra có thể lan sang ngân hàng. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách cần có biện pháp ngăn chặn nạn "nợ chéo" có thể xảy ra. Người Quản Lý

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/220532/