NGĂN CHẶN SỐT ĐẤT ẢO

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng... lần lượt công bố thông tin điều chỉnh quy hoạch chung, cũng như khởi động nhiều dự án quan trọng.

Vì thế, ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giới “cò đất” và buôn bất động sản (BĐS) đã “thổi” giá lên gấp nhiều lần so với giá trị thực, tạo nên tình trạng sốt đất ảo.

Đặc điểm của những cơn sốt đất ảo là ăn theo những thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng của từng địa phương, như: Sân bay, đường cao tốc hay các đô thị đang được những doanh nghiệp lớn triển khai. Thông qua lực lượng “cò đất” hùng hậu, giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật, bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Bởi vậy mới có hiện tượng: Sốt ảo nhưng giá thật.

 Giá đất vùng ven Hà Nội tăng chóng mặt. Ảnh: thoibaonganhang.vn

Giá đất vùng ven Hà Nội tăng chóng mặt. Ảnh: thoibaonganhang.vn

Nhiều quốc gia trên thế giới dùng hình thức phân lô bán nền nhằm giải quyết vấn đề nhà ở tại đô thị, chứ không đưa vào thương mại. Về nguyên tắc, thị trường BĐS phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để thu lợi nhuận. Thực tế, việc đầu tư bỏ tiền vào BĐS để tăng giá bán là hành động làm phương hại đến nền kinh tế.

Lâu nay, tình trạng “cò đất” và buôn bán BĐS tạo ra sự khan hiếm giả trên thị trường để đẩy giá lên cao diễn ra phổ biến. Thực tế, giá BĐS quá cao so với giá trị thật, khiến thị trường bất ổn. Điều đó không chỉ gây rủi ro đối với người mua mà còn gây rối loạn thị trường và khiến cơ quan quản lý nhà nước các cấp ở địa phương rơi vào thế lúng túng, nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai dự án và nhiệm vụ điều hành kinh tế-xã hội. Rõ ràng, những hành vi “thổi” giá đất, tạo sốt đất ảo đã xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường BĐS, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất với từng loại đất, theo từng vùng quy định của Luật Đất đai; ban hành Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về giá đất nhằm xác định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất, định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất. Theo đó, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường đã đề ra các giải pháp nhằm kiểm soát thị trường BĐS.

Trên cơ sở đó, các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Thực tế, sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Luật Đất đai hiện hành bộc lộ không ít điểm bất cập. Do đó, giới đầu cơ đã và đang dựa vào các kẽ hở của pháp luật để tạo nên những cơn sốt đất ảo nhằm trục lợi. Trong khi chờ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, các địa phương cũng cần chủ động trong công tác quản lý, ngăn chặn nguy cơ sốt đất ảo ngay từ đầu.

PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/ngan-chan-sot-dat-ao-657105